CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Cây thuốc nam

Chùm ngây giàu dinh dưỡng và dược tính

09:00 18/09/2019

Chùm ngây còn có tên: Ba đậu dại. Tên tiếng Anh: Moringa tree. Tên khoa học:Moringa oleifera, thuộc họ Chùm ngây (Moringaceae). Giá trị dưỡng chất và tác dụng của cây Chùm ngây đã được khoa học chứng minh: Protein gấp 2 lần sữa chua, Vitamin C gấp 7 lần cam, Vitamin A hơn 4 lần cà rốt, Vitamin E gấp 3 lần hạnh nhân, Canxi nhiều gấp 4 lần sữa, Kali gấp 3 lần so với chuối, Sắt gấp 3 lần rau chân vịt và quả óc chó. Chùm ngây là cây có thể dùng tất cả các bộ phận của nó gồm: Lá, vỏ cây, trái, hạt và rễ.

Lá Chùm ngây chứa hàm lượng protein cao có thể thay thế thịt, rất tốt cho người ăn chay. Trong lá có chứa các axit amin arginine và histidine thiết yếu cho trẻ sơ sinh, chống suy dinh dưỡng. Ở phương tây, người ta sử dụng lá để thêm vào salad, làm nước sốt, súp,… Lá Chùm ngây ở Việt Nam được dùng để nấu canh, sinh tố, trộn gỏi, ăn sống,….

Hoa chùm ngây được dùng làm rau hoặc pha trà bởi chúng giàu dinh dưỡng và mật. Trái Chùm ngây so với lá, ít các vitamin, khoáng chất hơn, nhưng giàu vitamin C hơn. Trong 100g trái Chùm ngây tươi chứa 157% nhu cầu vitamin C hằng ngày của một người. Trái Chùm ngây non được dùng xào, nấu canh, hầm xương, ninh súp như đậu cô ve và cho hương vị gần tương tự măng tây.

Hạt Chùm ngây có thể rang ăn như đậu phộng hoặc dùng chiết xuất dầu Chùm ngây bằng công nghệ ép lạnh để nấu ăn, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Rễ Chùm ngây non có thể ăn sống hoặc làm gia vị như mù tạt.

Tác dụng dược tính của Chùm ngây: Kích thích quá trình hồi phục gan; hỗ trợ điều trị táo bón, tiêu chảy, viêm loét dạ dày, viêm loét đại tràng; chống viêm, kháng khuẩn; ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư; hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer; cải thiện sức khoẻ xương; tăng khả năng miễn dịch, bảo vệ hệ tim mạch; phòng và hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường; hỗ trợ điều trị hen; phòng sỏi thận, sỏi bàng quang; bảo vệ thận; hồi phục vết thương; điều hòa huyết áp; cải thiện sức khỏe mắt; bổ máu; chăm sóc da và tóc.

Một số bài thuốc:

               - Chữa suy nhược cơ thể, ổn định huyết áp và bảo vệ gan: Dùng 150g lá Chùm ngây non, rửa sạch và giã nát. Thêm 300 ml nước sạch vào rồi vắt lấy nước cốt. Tiếp đó, cho thêm 2 muỗng canh mật ong, khuấy đều và chia làm 3, uống trong ngày.

               - Điều trị tăng lipid máu, tăng cholesterol, tăng triglycerit và làm giảm acid uric trong máu: 300g rễ Chùm ngây tươi hoặc 30g rễ Chùm ngây khô, rửa sạch và nấu với 1 lít nước, lọc lấy nước và uống trong ngày.

               - Chữa bệnh u xơ tiền liệt tuyến: Dùng 100g rễ Chùm ngây tươi (hoặc 30g rễ cây Chùm ngây khô) kết hợp với 80g lá cây trinh nữ hoàng cung, nấu với 2 lít nước còn nửa lít, chia làm 3 lần và uống trong ngày. .

               - Dùng lắng nước: Cách làm này giúp tiêu diệt vi khuẩn gây hại cho đường ruột. Sử dụng phần hạt già của 2 trái Chùm ngây tươi đem giã nát rồi khuấy đều với 3 lít nước trong 5 phút. Sau đó, chờ khoảng 2 tiếng, nước sẽ trong lại và có thể dùng.

               Những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng Chùm ngây

               Không dùng cho phụ nữ có thai, vì chứa alpha-sitosterol có thể gây sảy thai.

               Thu hái và chế biến trong vòng 12 tiếng. Chỉ nên sấy lạnh và chế biến trước 12 tiếng sau khi thu hái để tác dụng của cây chùm ngây được cao nhất. Với lá tươi nếu không ăn hết phải bọc kín để không làm héo lá, mất giá trị dinh dưỡng.

               Không nấu quá kỹ. Chỉ nên nấu chùm ngây vừa chín tới để bảo toàn các chất dinh dưỡng cao nhất. Vì chùm ngây có vị ngọt nên khi nấu chỉ cần nêm với một chút muối, hạt nêm.

               Không dùng chùm ngây buổi tối. Chùm ngây giàu vitamin C giúp tinh thần hưng phấn, tỉnh táo vì vậy không nên ăn vào buổi tối.

 

Tổng hợp