CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Tái cơ cấu nông nghiệp

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp

06:15 31/12/2023

Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp được quan tâm thực hiện. Theo đó, ngành Nông nghiệp đã thực hiện công bố thông tin nội dung Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên hệ thống Cổng thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và PTNT; Tổ chức 01 hội thảo với sự tham gia của 95 khách mời đến từ các Sở, ban, ngành liên quan, các cán bộ quản lý ngành Nông nghiệp, cán bộ quản lý địa phương, người dân, HTX và doanh nghiệp. Hội thảo đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về mục đích, ý nghĩa của Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng cường năng lực tiếp cận thông tin về các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức từ “tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần” sang “tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp”, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường… Qua đó, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân cùng tham gia phát triển các ngành hàng, lĩnh vực thuộc Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Ngoài ra, Cổng thông tin điện tử của Tỉnh xây dựng và duy trì hoạt động chuyên trang “Xây dựng Nông thôn mới” và mục “Nông nghiệp, Nông thôn” tại trang chủ để đăng tải nội dung về các chủ trương, chính sách, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điều hành thực hiện các nội dung liên quan đến Nông thôn mới Chương trình Tam nông, Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp.... Bên cạnh đó, Ban Biên tập trang thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã tăng cường nhiều tin, bài, ảnh của cộng tác viên để thông tin, truyền truyền các nội dung liên quan đến ngành Nông nghiệp, Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chương trình tam nông, cũng như phản ánh kịp thời các hoạt động của Ban Điều hành Chương trình Tam nông từ tỉnh đến cơ sở.

Thông qua mạng lưới các Tổ công nghệ số cộng đồng tại khóm, ấp về thương mại điện tử đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thông qua các hình thức trực tuyến, trực tiếp. Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là các sàn thương mại chuyên dành cho đặc sản, sản phẩm nông nghiệp như: Postmart.vn, Voso.vn… Thực hiện thông tin, tuyên truyền, khuyến khích các HTX trên địa bàn tỉnh tham gia sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số. Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch của tỉnh, nhiều nội dung, nhiệm vụ hỗ trợ chuyển đổi số kinh tế tập thể đã và đang được các cơ quan, đơn vị có liên quan quan tâm thực hiện. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đã đạt trên 30% (như: thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng mạng xã hội để trao đổi, quảng bá hình ảnh (Zalo, Facebook…), họp trực tuyến (zavi, zoom, google meet,…), 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử… Triển khai thực hiện kế hoạch phát hình chuyên mục “Chuyển đổi số và Truyền thông tỉnh” trên Đài phát thanh Truyền hình tỉnh An Giang hàng năm, nhằm tuyên truyền nâng cao hiểu biết, nhận thức, trách nhiệm và năng lực chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, sản xuất, kinh doanh phù hợp từng đối tượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách về khoa học và công nghệ (KH&CN) như: hỗ trợ nghiên cứu khoa học, ứng dụng và đổi mới công nghệ, phát triển triển tài sản trí tuệ, quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đo lường; Hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam, hệ thống quản lý, công cụ năng suất chất lượng,… Thông qua lớp tập huấn đã giúp các doanh nghiệp, HTX, THT trong lĩnh vực nông nghiệp nâng cao nhận thức trong việc xây dựng, nhận diện thương hiệu và tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ KH&CN để thực hiện theo quy định. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “AN GIANG” đối với sản phẩm nông nghiệp đã được bảo hộ và một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh. Qua đó, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, mở rộng thị trường trong và ngoài nước để các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trở thành nhãn hiệu đáng tin cậy, được người tiêu dùng ưa chuộng trên toàn quốc.  Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp thời gian qua đã tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức về tầm quan trọng cơ cấu lại nông nghiệp và các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án. Đặc biệt là trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 tập trung nguồn lực và nhiệm vụ triển khai có hiệu quả 02 giải pháp đột phá: “Giải pháp phát triển thị trường - thu hút đầu tư” và “Giải pháp về tổ chức lại sản xuất theo kinh tế tập thể” đã được nêu trong Kế hoạch Tổng thể triển khai Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp năm 2023 – 2025.

 

                                     Hồng Quyên

Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang