CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Tái cơ cấu nông nghiệp

An Giang cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng

11:55 06/12/2023

Trong giai đoạn 2015-2020, Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh An Giang được UBND tỉnh phê duyệt vào giữa năm 2015 theo Quyết định số 929/QĐ-UBND ngày 02/6/2015. Với lợi thế so sánh của tỉnh, ngành nông nghiệp đã xác định thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo 05 ngành hàng gồm: 03 sản phẩm thuộc ngành hàng chủ lực (lúa gạo, rau màu và cá tra); và 02 sản phẩm thuộc ngành hàng tiềm năng (chăn nuôi bò và nấm ăn-nấm dược liệu). Theo đó, xác định thực hiện tái cơ cấu phải bắt đầu từ thị trường, đặc biệt là sự tham gia của doanh nghiệp, với phương châm là lấy thị trường làm mục tiêu, định hướng cho sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa.

Sau gần 05 năm triển khai thực hiện (giai đoạn 2015-2020), Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên cả 02 nhóm ngành hàng chủ lực và nhóm ngành hàng tiềm năng. (1) Đối với nhóm ngành hàng lúa gạo: điểm đáng chú ý là công tác xã hội hóa giống lúa (nhân giống lúa cộng đồng), nhằm cung ứng đủ giống cho nông dân sản xuất lúa và thúc đẩy thương mại hóa giống lúa. Mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 25.000 – 31.000 ha nhân giống lúa với 4.500 - 6.000 nông dân tham gia, có khoảng 70% diện tích sử dụng các loại giống có chất lượng cao. Lúa hàng hóa ổn định sản lượng bình quân gần 04 triệu tấn/năm. Định hình được một số vùng sản xuất loại giống đặc sản như: Vùng bảo tồn gần 100 ha lúa mùa nổi và bình quân 64 ha/năm lúa Nàng Nhen Bảy Núi theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Tri Tôn; vùng sản xuất lúa Jasmine theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại chuyện Châu Phú; vùng Lúa nếp Phú Tân… (2) Đối với ngành hàng cá tra: tỉnh đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư như: Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc; Công ty Cổ Phần Vĩnh Hoàn; Công ty CP Nam Việt Bình Phú, Công ty TNHH Phát Triển Lộc Kim Chi... (3) Đối với ngành hàng rau màu: Nổi bật là các mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao ngày càng được nhân rộng áp dụng (có khoảng 7.472 diện tích rau màu công nghệ cao). Các công nghệ áp dụng như: nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới phun, hệ thống tưới tự động, trồng rau thủy canh…. Thu nhập của nông dân trồng rau màu công nghệ cao ước tính tăng 25- 30% so với sản xuất thông thường. Bên cạnh đó, phát triển sản xuất theo các hình thức liên kết tiêu thụ, truy nguyên nguồn gốc với các doanh nghiệp như: Công ty TNHH DHFarm, Công ty Antesco, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư dịch vụ nông nghiệp VN, DNTN Tứ Sơn, Công ty TNHH Phan Nam, Công ty Sài Gòn Farm. (4) Đối với ngành hàng chăn nuôi bò: Tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi theo hướng tập trung, phát triển nuôi trang trại quy mô nhỏ, quy mô vừa và quy mô lớn. Chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, qua đó, tận dụng nguồn phân bò để ủ làm phân vi sinh, phân hữu cơ, giúp giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường. Chất lượng con giống và kỹ thuật chăn nuôi ngày càng được cải thiện. Tỉnh đã tập trung thực hiện chiến lược Zebu hóa đàn bò để nâng cao tầm vóc, phát triển các giống Brahman, Angus, Droughmaster, Charolaise… Tính đến năm 2020 toàn tỉnh có 04 trại bò, hình thành một số điểm phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản, bò thịt theo hướng ứng dụng công nghệ cao. (5) Đối với ngành hàng nấm ăn, nấm dược liệu:. Sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu phát triển mạnh ở các địa phương như: Châu Thành, Thoại Sơn Chợ Mới… Phát triển nhiều mô hình sản xuất nấm trong nhà theo hướng công nghệ cao, cải thiện năng suất nhờ vào sử dụng meo giống chất lượng cao và ứng dụng công nghệ kiểm soát điều kiện trồng, giúp tăng năng suất nấm rơm 40%, đạt 1,4kg/mét mô. Mô hình trồng nấm rơm bằng compost giúp ổn định năng suất, nâng cao chất lượng nấm an toàn vì không sử dụng thuốc hay các chất kích thích, giá bán nấm cao hơn so với trồng nấm rơm ngoài trời, lợi nhuận mang lại khoảng 3,7 triệu đồng/mô hình 75 m2..

Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 152/QĐ-UBND ngày 14/02/2023 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang". Theo đó, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 09 cụm ngành hàng gồm: Cụm ngành hàng chủ lực (lúa gạo; cá tra; rau màu; cây ăn trái) và Cụm ngành hàng tiềm năng (chăn nuôi bò; chăn nuôi heo; cây dược liệu; nấm ăn-nấm dược liệu; hoa, cây cảnh). Các cụm ngành hàng được phát triển theo hướng chuyên canh tập trung, gắn với phát triển các dịch vụ phụ trợ và tạo vùng nguyên liệu ổn định, thuận lợi cho chế biến, vận tải, thương mại. Tăng tỷ trọng sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao, tăng tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm giá trị gia tăng, áp công nghệ mới trong bảo quản, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Cụ thể như sau:

(1) Định hướng đối với cụm ngành lúa gạo, lúa nếp: Duy trì diện tích gieo trồng lúa đến năm 2025 trong khoảng 550-600 nghìn ha, diện tích canh tác xấp xỉ 200 nghìn ha, trong đó chú trọng các vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của Tỉnh (Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành và Phú Tân). Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cấy trồng hiệu quả. Phát triển khoảng 100 nghìn ha chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao có liên kết với doanh nghiệp. Phục hồi và phát triển các vùng sản xuất lúa đặc sản (lúa nếp Phú Tân 20.000 ha; lúa thơm, lúa Jasmine tại Châu Phú 11.000 ha; lúa mùa nổi ở huyện Tri Tôn, An Phú: 200-500 ha; lúa Nàng Nhen tại Tri Tôn và Tịnh Biên 600 ha). Ổn định vùng sản xuất lúa giống quy mô khoảng 20.000-25.000 ha trên địa bàn tỉnh. Tăng diện tích sản xuất áp dụng các kỹ thuật canh tác cải tiến (1P5G, 3G3T) lên 95-98% tổng diện tích lúa; tăng nhanh tỷ lệ diện tích lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn SRP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,…theo nhu cầu thực tế của các thị trường. Tăng diện tích sản xuất lúa-nếp có liên kết với doanh nghiệp thông qua các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) đến năm 2025 đạt 200-250 nghìn ha. Hỗ trợ các chủ thể trên địa bàn tỉnh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa lúa gạo đặc trưng của tỉnh; đến năm 2025 cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho khoảng 70-80% diện tích lúa chất lượng cao xuất khẩu…

(2) Định hướng đối với ngành hàng cá tra: Phát triển ổn định diện tích nuôi cá tra tập trung đạt 1.500-1.600 ha đến năm 2025 tại các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, thành phố Long Xuyên. Diện tích nuôi có áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường đạt 70%; 90% diện tích nuôi cá tra được cấp mã số vùng nuôi.  Xây dựng An Giang trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra của vùng ĐBSCL trên cơ sở thực hiện “Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang”. Xúc tiến và mở rộng hơn nữa thị trường sản phẩm ngành hàng cá tra ở các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc và ASEAN với thị phần chiếm từ 50%-60%. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến sản phẩm cá tra tiêu thụ thị trường nội địa, phấn đấu đến năm 2025 đạt 8%-10%. Tăng cường thực hiện đào tạo chuyên nghiệp hóa cho người nuôi về các kỹ thuật tiên tiến theo tiêu chuẩn thị trường…

(3) Định hướng đối với cây ăn trái: Hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung đến năm 2025 với diện tích trên 10 nghìn ha, bao gồm: xoài, chuối nuôi cấy mô, sầu riêng, nhãn, cây có múi tập trung trên địa bàn các huyện Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú,… Đẩy mạnh việc sản xuất theo hướng có chứng nhận, có khả năng truy xuất nguồn gốc. Áp dụng các phương thức sản xuất theo hướng công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, kỹ thuật sản xuất trái vụ, rải vụ… để có nhiều lợi thế trong tiêu thụ. Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, tỷ lệ diện tích sản xuất có liên kết tiêu thụ đạt từ 40%. Thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản trái cây phục vụ xuất khẩu. Phát triển thêm thị trường trong nước thông qua hệ thống chợ đầu mối. Thúc đẩy xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác như Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc…

(4) Định hướng đối với rau màu: Xây dựng và phát triển vùng sản xuất chuyên canh tập trung rau màu chủ lực đến năm 2025 gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô xấp xỉ 6.000 ha, bao gồm: rau an lá, rau ăn quả, rau ăn củ, bắp các loại, đậu phộng và khoai cao tại các huyện: Chợ Mới, Châu Thành, An Phú,… Cơ cấu lại sản phẩm rau màu theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm qua chế biến và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Nâng diện tích rau màu chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đến năm 2025 là 1.500-1.600 ha; diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP là 1.600-1.800 ha. Vùng trồng rau, màu hữu cơ đến năm 2025 diện tích gieo trồng đạt khoảng 30 ha và tối thiểu 50ha vào năm 2030. Trong đó diện tích được cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 3.000 ha. Nhân rộng mô hình sản xuất cây giống rau ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới... tại các vùng chuyên canh rau. Phấn đấu đến 2025 diện tích rau màu chuyên canh có liên kết theo chuỗi giá trị đạt 10.000 -12.000 ha; tỷ lệ tiêu thụ theo hợp đồng liên kết đạt trên 50% sản lượng. Thu hút đầu tư doanh nghiệp vào phát triển vùng nguyên liệu, sơ chế, chế biến phục vụ thị trường trong nước xuất khẩu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trong quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm...

(5) Định hướng đối với nấm ăn, nấm dược liệu: Phát triển theo phương thức trang trại, tập trung ứng dụng công nghệ hiện đại đối với các sản phẩm nấm rơm, nấm bào ngư, nấm linh chi tại các huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, Chợ Mới, An Phú đảm bảo sản lượng được cung ứng thường xuyên vào các chuỗi siêu thị. Tăng tỷ trọng sản phẩm được sơ chế, đóng gói hút chân không, bảo quản và qua chế biến thông qua các tổ chức kinh tế tập thể và liên kết tiêu thụ với Doanh nghiệp…

(6) Định hướng đối với chăn nuôi bò: Quy hoạch các khu chăn nuôi bò sữa, bò thịt, bò vỗ béo có kiểm soát để bảo vệ an toàn sinh học cho đàn bò, tập trung chủ yếu tại huyện Tri Tôn, thị xã Tịnh Biên. Phấn đấu đến 2025 đàn bò sữa đạt quy mô từ 5.000 đến 10.000 con. Duy trì ổn định đàn bò thịt ở quy mô trên 70.000 con trong đó bò lai đạt trên 80%. Liên kết HTX theo hướng giết mổ và phân phối, tiêu thụ chung sản phẩm, thị trường tiềm năng nội tỉnh. Hình thành khu chăn nuôi tập trung áp dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ; phát triển các cụm liên kết ngành chăn nuôi gắn với sử dụng phụ phẩm từ trồng trọt tại chỗ, giết mổ, chế biến thịt, sữa và các sản phẩm từ thịt và sữa và các sản phẩm phụ…

(7) Định hướng đối với chăn nuôi heo: Phát triển chăn nuôi heo với quy mô tổng đàn trên 150 nghìn con, trong đó đàn heo nái khoảng 20 nghìn con tập trung tại huyện Tri Tôn, Chợ Mới, Thoại Sơn... Cơ cấu lại nguồn giống đảm bảo tỷ trọng đàn heo có máu ngoại lên trên 85%. Phát triển chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi heo cái sinh sản cung cấp các giống heo ngoại có năng suất cao cho người chăn nuôi. Phát triển chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi heo thịt chất lượng cao. Giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ sang chăn nuôi gia trại, trang trại tại các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, gắn với truy xuất nguồn gốc, phát triển chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Phấn đấu trên 50% tổng đàn heo được nuôi tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô nhỏ, vừa và lớn…

(8) Định hướng đối với cây dược liệu: Xây dựng dự án Quy hoạch vùng bảo tồn cây dược liệu. Thu hút đầu tư phát triển các vùng trồng, vùng khai thác dược liệu dưới tán rừng theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Phát triển vùng dược liệu trồng với quy mô hơn 1.000 ha tại huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Vùng trồng cây dược liệu hữu cơ đạt diện tích khoảng 20 ha năm 2025. Thúc đẩy liên kết sản xuất giữa nông dân, THT, HTX với các doanh nghiệp chế biến dược liệu. Chuyển đổ số và tuyên truyền công dụng cây dược liệu có giá trị kinh tế. Thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại; Thu hút, liên kết các nhà đầu tư tham gia hệ thống thu mua, chế biến, tiêu thụ dược liệu...

(9) Định hướng đối với ngành hàng hoa, cây cảnh:  Phát triển ngành hoa, cây cảnh tỉnh An Giang dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế -  văn hóa - xã hội của địa phương, gắn với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông hộ, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Phát triển ngành hoa, cây cảnh phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, gắn với các mục tiêu Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và định hướng phát triển du lịch địa phương. Khuyến khích các hình thức liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học, công nghệ mới, công nghệ số trong sản xuất, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh, sơ chế, chế biến một số sản phẩm từ hoa. Ưu tiên hình thành và phát triển các làng nghề sản xuất hoa, cây cảnh gắn với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tín ngưỡng địa phương và xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành hoa, cây cảnh tỉnh phù hợp xu hướng thị trường. Nhà nước tạo cơ chế, chính sách và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.

Hồng Quyên

Sở Nông nghiệp và PTNT