CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Trồng trọt - BVTV

Hội thảo nâng cao năng lực đối với xoài xuất khẩu

04:16 15/04/2021

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng xoài trên 47 nghìn ha, chiếm 48% diện tích cả nước, sản lượng gần 568 nghìn tấn mỗi năm. Ngày 12/4/2021, tại thành phố Cao Lãnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực tuân thủ các quy định đối với xoài xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Tạ Quang Kiên, Trưởng phòng chính sách Thương mại nông sản Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NN và PTNT cho biết, tỷ lệ xuất khẩu xoài của Việt Nam chiếm khoảng 10% tổng diện tích các loại trái cây, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam đạt hơn 180 triệu USD. Riêng diện tích trồng xoài vùng ĐBSCL hơn 47 nghìn ha, năng suất trung bình từ 11-13 tấn/ha, có thể nói trọng điểm trồng xoài nằm ở ĐBSCL, trong đó 2 tỉnh nhiều nhất là Đồng Tháp và An Giang. Với tổng số doanh nghiệp sơ chế và chế biến xoài năm 2020 là 98 doanh nghiệp, trong đó có 15 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn của Quốc tế.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp - PTNT mục tiêu phát triển đến năm 2030 diện tích xoài đạt 140 nghìn ha, và kim ngạch xuất khẩu đạt 650 triệu USD. Đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO),  bà Lê Thị Thanh Thảo, Giám đốc Đại diện quốc gia, cho rằng, để đạt được mục tiêu trên thì cần nhiều hơn nữa sự đóng góp nhiệt quyết của các bên liên quan để giúp xác định các cơ hội phát triển và nhu cầu chuyển đổi cần thiết cho ngành xoài và trái cây nhiệt đới ở Việt Nam nhằm đáp ứng các điều kiện của thị trường nhập khẩu.

Tuy nhiên, xuất khẩu xoài có những quy định, những yêu cầu riêng của từng thị trường về biện pháp xử lý, nhân lực như được đào tạo ban đầu và định kỳ, vùng trồng phải được kiểm tra, cấp mã số, giám sát thường xuyên, kiểm tra hàng năm; áp dụng các biện pháp phòng chống để đảm bảo sinh vật gây hại ở mức độ thấp hoặc không có bệnh hại; áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, có hồ sơ nhật ký đồng ruộng…

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết: Xoài là một trong những cây ăn trái chủ lực của khu vực ĐBSCL, trên 47% tổng diện tích xoài cả nước. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp hiện nay có diện tích trồng xoài trên 12 nghìn ha, lớn nhất khu vực. Từ năm 2005-2006 tỉnh Đồng Tháp tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài, như đầu tư hạ tầng kỹ thuật hệ thống đê bao chống lũ ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như cải tạo giống, xử lý ra hoa trái vụ và bao trái để đạt tiêu chuẩn tốt VietGap, công nghệ sau thu hoạch từng bước được áp dụng, ứng dụng công nghệ. Đồng Tháp chọn cây xoài là ngành hàng chủ lực của tỉnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Nhằm cải tiến giá trị ngành hàng trên cơ sở tổ chức lại sản xuất sắp xếp các nhân tố tham gia bên trong nhằm nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người trồng xoài.

Tại Hội thảo, các đại biểu đại diện doanh nghiệp xuất khẩu xoài chia sẻ kinh nghiệm những thuận lợi và khó khăn đối với thị trường các nước (Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc và EU). Xoài là loại trái cây có mùa vụ quanh năm, chất lượng ổn định và được người tiêu dùng ưa chuộng quan tâm. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết giúp cho Việt Nam dễ dàng tiếp cận với thị trường trong khu vực và toàn cầu. Bên cạnh thuận lợi thời gian qua, tình hình dịch Covid làm ảnh hưởng đến tiêu dùng và tình hình hoạt động của các đại diện bán lẻ. Ngoài ra, thời gian vận chuyển lâu nhưng biện pháp bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế, dẫn đến xoài dễ bị hư hỏng trước khi đến tay khách hàng. Bên cạnh đó khi giá xoài tăng nông dân nôn nóng thu hoạch chưa đến độ chín già nên chất lượng xoài giảm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu.

Dịp này, Bộ Nông nghiệp - PTNT, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp quốc (UNIDO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), UBND tỉnh Đồng Tháp và UBND tỉnh Bến Tre đã tuyên bố hợp tác thực hiện dự án hướng tới tương lai tốt đẹp hơn: Phát triển chuỗi giá trị tăng cường kỹ thuật số và có khả năng ứng phó chú trọng đến phụ nữ và thanh niên tại Việt Nam, nhằm phát triển chuỗi giá trị trái cây tại tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Bến Tre.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT - Trần Thanh Nam nhấn mạnh vấn đề Bộ Nông nghiệp rất quan tâm trong thời gian qua và cũng như thời gian tới là việc ký kết thỏa thuận triển khai dự án nâng cao năng lực tiêu chuẩn quả xoài của nước ta. Với diện tích xoài như hiện nay cả nước có 87.000 ha, trong đó ĐBSCL chiếm 48% là trọng điểm sản xuất xoài lớn của nước. Đây là yếu tố tốt đẹp nhằm nâng chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn để xuất khẩu ra thị trường trong và ngoài nước. Song song đó, Ông cũng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa trong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP, hội thảo này là cơ hội của các lãnh đạo, doanh nghiệp và Hợp tác xã nghĩ tới triển khai mô hình đảm bảo theo tiêu chuẩn. Riêng vùng trồng tại ĐBSCL chiếm khoảng 20.400ha, đạt 42,6% cấp mã vùng… đây là lợi thế rất lớn để triển khai các chương trình hợp tác để nâng cao chất lượng tiêu chuẩn xoài Việt Nam. Song song đó, cần chú trọng việc xây dựng nâng cấp tiêu chuẩn để vào được hệ thống siêu thị trong và ngoài nước là xu hướng cần tập trung trong thời gian tới. 

Năm 2020, do dịch covid-19 Việt Nam ảnh hưởng đến xuất, nhập khẩu nông sản, Bộ Nông nghiệp phối hợp với các ngành địa phương liên quan tìm mọi giải pháp ngăn ngừa nhằm khắc phục việc thiếu nguyên liệu đầu vào trong sản xuất.

Thứ Trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, để kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản thì vai trò của Hợp tác xã rất quan trọng là Trung tâm triển khai tập hợp nông dân xây dựng vùng nguyên liệu lớn, là đầu mối phối hợp liên kết theo chuỗi. Hợp tác xã kiểu mới hiện nay là mô hình thích hợp nhất để tổ chức lại sản xuất gắn với doanh nghiệp trong sản xuất và xuất khẩu là nơi quy tụ hình thành vùng nguyên liệu lớn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thị trường.

Thời gian qua do ảnh hưởng dịch Covid-19 có 50-60% Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, nguồn cung giảm từ 30-50%, giá bán giảm từ 20-25%. Thông qua chuỗi này chúng ta cần khôi phục HTX nhằm nâng cao giá bán và xem HTX là đầu mối tạo vùng nguyên liệu lớn. Vấn đề lớn trong xuất khẩu xoài chúng ta cần phải xác định thị trường mục tiêu xây dựng tiêu chuẩn theo nhu cầu riêng của mỗi nước mà mình hướng đến nhằm định hướng cho nông dân sản xuất đảm bảo hài hòa theo tiêu chuẩn, quy định, giảm chi phí cho nông dân sản xuất. Ngoài các vấn đề về tiêu chuẩn cần tập trung vào bảo quản nông sản nhằm tránh “được mùa mùa rớt giá” và cũng lưu ý thêm áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sản xuất cho đến thu hoạch và bảo quản.

Trang Nghiêm