CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.979.245

Email: nslam@angiang.gov.vn

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Trồng trọt - BVTV

Sản xuất bền vững 01 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

10:05 14/12/2022

Đó là chủ đề mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang hướng tới thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay. Theo đó, ngày 30/11, tại An Giang, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức buổi họp lấy ý kiến nhằm xây dựng Đề án 01 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự có các lãnh đạo Cục trồng trọt, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang và các đơn vị trực thuộc liên quan.

Phát triển bền vững 01 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long, mở rộng và dựa trên nền sẵn có của cánh đồng mẫu lớn nâng chất và phát huy lợi thế của vùng. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt cho biết phát triển bền vững 01 triệu ha không phải đưa ra chỉ tiêu để các Sở, ngành ở các tỉnh hay Bộ Nông nghiệp và PTNT phấn đấu đạt được nhưng đây là mục tiêu hướng đến phát triển để gia tăng thu nhập cũng như lợi nhuận cho nông dân sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh liên kết thu mua tiêu thụ lúa gạo.

Nói về “Chất lượng cao” trong đề án, Ông Lê Thanh Tùng cụ thể hóa thêm bao gồm cả ngành hàng chất lượng cao là phải áp dụng cơ giới hoá, công nghệ cũng như kỹ thuật tiên tiến đồng bộ vào đồng ruộng để gia tăng giá trị và chất lượng sản phẩm. Đồng thời vùng chuyên canh là có thể mở rộng sản xuất các loại giống đặc thù của vùng miền. Ngoài ra, tăng trưởng xanh là sản xuất lúa carbon thấp để giảm khí Mê-tan hay giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nhằm thu hút và được tài trợ từ các nhà đầu tư nước ngoài. 

Để cuộc họp đi vào trọng tâm và bổ sung ý kiến thực tế vào Đề án, Ông Lê Thanh Tùng đã gợi ý thảo luận các vấn đề liên quan gặp khó và tìm giải pháp tháo gỡ những nút thắt trong thời gian qua, đặc biệt là trong liên kết “Cánh đồng mẫu lớn” tại An Giang đã thực hiện nhưng chưa thực sự phát triển mạnh và chưa đi vào chiều sâu. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và Hợp tác xã (HTX) trong xây dựng vùng nguyên liệu đang gặp những trở ngại, hướng khắc phục và cần có những đề xuất chính sách thay đổi tốt hơn nhằm phát triển trong thời gian tới để đạt được mục tiêu đề án đề ra.  

Qua gợi ý của lãnh đạo Cục Trồng trọt, các đại biểu tham dự đã thống nhất và có những ý kiến đề xuất để Đề án hoàn thiện. Đại diện công ty AGIMEX chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi liên kết với nông dân. Trong thời gian qua Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang đã hỗ trợ rất nhiều cho Công ty trong quy hoạch vùng nguyên tiêu thụ lúa gạo với nông dân, đạt chuẩn để xuất khẩu theo đơn đặt hàng các nước ở Châu Âu. Tuy nhiên, vấn đề gặp khó nông dân chỉ đáp ứng khoảng 70% yêu cầu trong ký kết và vẫn còn sản xuất theo tập quán cũ, trong đó cơ cấu giống còn hạn chế và dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Do đó, để hoàn thiện Đề án sắp tới Công ty tiếp tục mở rộng diện tích vùng trồng liên kết, tiêu thụ và mong muốn được ngành nông nghiệp tuyên truyền tập huấn cho nông dân theo đúng tiêu chuẩn Châu Âu mà Công ty ký kết. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đầu tư hệ thống xay xát lúa gạo và tiếp cận nguồn vốn vay để thu mua lúa cho nông dân sớm nhất trong thời điểm thu hoạch rộ tránh tồn động lúa ngoài đồng.

Về phía Tập đoàn Lộc Trời cũng có ý kiến đề xuất giống như công ty AGIMEX và mong muốn doanh nghiệp tham gia đề án phải thể hiện được 4 tiêu chí là: năng lực tổ chức sản xuất; năng lực xay sát, công suất nhà máy phải tương quan vùng nguyên liệu và năng lực tài chính đủ lớn. Ngoài ra, Lộc Trời cũng đề xuất thêm trong Đề án cần phân vùng nguyên liệu ở mỗi địa phương cho doanh nghiệp để tránh việc thu mua bị chồng chéo, xâm lấn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có những chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho HTX phát triển mạnh và hình thành được các doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang, Huỳnh Đào Nguyên cũng có nhũng đề xuất để Đề án hoàn thiện hơn, trong sản xuất, nguồn giống là rất quan trọng là một trong những yếu tố quyết định năng suất. Theo thời gian giống sẽ bị thoái hoá, do đó, trong Đề án cần phải có nghiên cứu các loại giống mới và có các lớp tập huấn tuyên truyền về nhận thức đối với nông dân trong sử dụng giống mà ngành nông nghiệp khuyến cáo. Song song đó, sản xuất theo tăng trưởng xanh do đó, Đề án phải đặt ra tiêu chuẩn cụ thể khi sản xuất tiêu thụ với doanh nghiệp. Đồng thời có giải pháp nhằm tăng thêm thu nhập tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghệp như rơm để trồng nấm, làm thức ăn trong chăn nuôi bò, qua đó sẽ giảm ô nhiễm môi trường và tăng thu nhập cho nông dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nguyễn Sĩ Lâm đề án ra đời sẽ là cơ hội cho sự hợp tác giao thương với các nước trên thị trường để tăng giá trị sản phẩm lúa gạo của tỉnh cũng như tăng thu nhập cho nông dân. Giai đoạn từ nay đến năm 2030, An Giang sẽ duy trì và ổn định diện tích đất chuyên canh tác lúa mỗi năm ít nhất 200 ngàn ha và bố trí sản xuất ít nhất 550 ngàn ha/năm, duy trì sản lượng ít nhất khoảng 3,5 triệu tấn lúa và đảm bảo nông dân ở các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn có lãi bình quân trên 35% so với giá thành sản xuất. Đồng thời đảm bảo đủ nguồn cung ứng lương thực có chất lượng với tốc độ tăng sản lượng cao hơn tốc độ tăng dân số.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cũng yêu cầu các bên liên quan sẽ có buổi làm việc cụ thể với doanh nghiệp. đồng thời đề xuất Đề án nên có kế hoạch xây dựng Trung tâm lúa gạo tại An Giang và có sự hỗ trợ vốn của ngân hàng. Bộ Nông nghiệp và PTNT nên có lộ trình cụ thể cho việc xây dựng 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời Đề án phải thể hiện vai trò trách nhiệm của UBND tỉnh, Bộ Tài chính, các Sở ngành liên quan...

Để giải quyết những vướng mắc trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang sẽ làm đầu mối cùng với địa phương sẽ tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp và có kế hoạch phù hợp cho từng địa phương khi doanh nghiệp thu mua lúa trong thời điểm thu hoạch rộ. Đoàn công tác tiếp tục hỗ trợ An Giang trong việc mời gọi các doanh nghiệp có liên kết tiêu thụ, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp tiêu thụ lúa chất lượng cao và có chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng. Cục Trồng trọt nên cụ thể hóa và chi tiết hơn nữa các mục tiêu, các hoạt động của đề án, cũng như phân bổ diện tích rõ ràng cho từng tỉnh để mỗi địa phương có thể lượng hóa, hoạch định thành các hoạt động cụ  giúp đề án dễ thực hiện thành công.

Trang Nghiêm