CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.979.245

Email: nslam@angiang.gov.vn

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Mô hình hiệu quả

Tân Châu: Khi những lão nông mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong canh tác sản xuất

03:15 17/07/2024

Trên nền tảng của thực hiện hiệu quả Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy An Giang về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, từ giai đoạn 2017 đến nay, thị xã Tân Châu đã có hơn 50 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả cho bà con nông dân. Nhưng tín hiệu tích cực nhất chính là việc tham gia của những lão nông, đã mạnh dạn thay đổi tư duy, tập quán canh tác truyền thống để chuyển sang chọn trồng những loại nông sản theo hướng công nghệ cao, mang lại giá trị, hiệu quả sản xuất và góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Tại xã vùng biên Phú Lộc, thị xã Tân Châu từ năm 2019, chú Trần Minh Quang đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái gồm nhãn, xoài với diện tích 04 hecta. Theo chú Quang chia sẻ vì tuổi đã cao và nhân công lao động tại địa phương lại ít, để chủ động trong sản xuất, ngay từ khi lập vườn, chú đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt trên từng gốc nhãn và xoài. Chú Quang cho biết thêm: “Ngay bước đầu, mình cũng buâng khuâng lắm, nhưng mà mình rất cương quyết, tại vì mình thấy đất lúa kém hiệu quả bắt buộc phải chuyển đổi cây ăn trái này, trong khi 02 cho tới 03 năm đầu, vốn đầu tư chứ không có lấy ra được, mình đã biết trước chuyện nó vậy nhưng mình nghĩ về lâu về dài, bắt buộc cuốc đất rồi trồng cây xuống, đầu tư tưới nhỏ giọt, tưới từng gốc hết vậy đó, rồi làm hàng rào, kéo điện nhiều thứ lắm, nhưng mà bắt buộc phải làm, mình nghĩ cái hậu hưởng về lâu dài, những năm đầu thì đuối nhưng từ cuối năm thứ 2, thứ 3 bắt đầu cho thu nhập, hiện tại thấy nó ngon hơn đất lúa, tức là mình ổn định được, một năm ăn được nhiều vụ”.

Sau 02 năm vun trồng, chú Quang đã thu hoạch nhãn và xoài những vụ đầu tiên, theo chú, lợi nhuận sau thu hoạch cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Không chỉ dừng lại ứng dụng hệ thống tưới, sau khi tham gia các buổi hội thảo, tập huấn về thực hiện chương trình VietGAP trên cây xoài, chú Quang cũng đã mạnh dạn ứng dụng quy trình vào diện tích trồng xoài của gia đình, từ đó, đã nâng giá trị của trái xoài lên gấp nhiều lần so với trước đây. “Về cây xoài nếu mà mình làm được quy trình VietGAP, chẳng hạn như bình thường bên ngoài có 2.000-3000đ/kg, trong khi bên VietGAP người ta vẫn là 20.000đ, 10.000đ, mình thấy hiệu quả do làm xoài sạch VietGAP, tuổi thọ cây sống dai hơn mình làm thông thường, tại vì phân bón mình phải chọn lọc, thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV) bị cấm thì mình không được xử lý, thành thử ra gọi là xoài sạch, có giá trị cao, cho trái to, đẹp, có giá trị thương phẩm, mình bán được giá”, chú Trần Minh Quang chia sẻ.

Không riêng gì chú Quang, trên diện tích trồng cây ăn trái Vĩnh Xương – Phú Lộc đã có nhiều hộ nông dân canh tác thực hiện ký kết với Công ty để bao tiêu sản phẩm, từ đó, đầu ra luôn ổn định và giá cả chênh lệch hơn so với thị trường. Chú Nguyễn Văn Thọ - Xã Vĩnh Hòa – Thị xã Tân Châu cho biết:  “Vậy là thấy ra nếu xoài có năng suất và có giá, cũng có lợi nhuận được, còn nếu mà không có trái mà 2000đ-3000đ nó cũng lỗ, tùy theo thời điểm, có thời điểm tui bán 11.000đ có thời điểm bán 2.000-3000đ, mà xoài này hiện trường người ta bao xoài sạch,bao lấy là 10.000đ/kg đó, nếu xoài vàng là 14.000đ/kg”.

Còn tại xã Phú Vĩnh, chú Nguyễn Văn Gom là một trong những lão nông đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà màng trồng dưa lê, dưa lưới, với diện tích 3 500 m2, trong hệ thống nhà màng, chú Gom ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh trên từng gốc dưa, từ đó, đã tiết kiệm nước, nhân công lao động và chi phí sản xuất. Niềm vui của gia đình chính là năm 2023, sản phẩm dưa lê của chú Gom đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, từ đó, giá trị trái dưa lê đã được nâng tầm và đón nhận tín hiệu tích cực từ thị trường.

Chú Nguyễn Văn Gom - Xã Phú Vĩnh – Thị xã Tân Châu cho biết thêm: “Sản phẩm dưa lê công nghệ cao này mang lại nguồn kinh tế cho gia đình rất ổn định, thêm một cái nữa là điều phối nhân công, để cho công ăn việc làm của nông dân tại đây được ổn định. Sản phẩm đạt chuẩn OCOP, chú rất vui mừng, tại vì mỗi một địa phương có một sản phẩm, nhưng mà sản phẩm của mình được công nhận là OCOP, mình cũng tự hào về địa phương của mình, rồi sản phẩm của mình quảng bá rộng rãi trong nước, hoặc ở nước ngoài”.

Để những lão nông có thể mạnh dạn đầu tư hệ thống công nghệ cao, thay đổi tư duy sản xuất, không còn quá chú trọng về sản lượng mà tập trung vào nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm là kết quả của việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và hiệu quả thực tế mang lại. Song, điều kiện khó khăn khi ứng dụng công nghệ cao chính là chi phí đầu tư ban đầu quá cao, rất cần sự hỗ trợ nguồn vốn kịp thời của Nhà nước. Cũng như khi ký kết với các Công ty, Doanh nghiệp đòi hỏi biện pháp canh tác của nông dân cần đồng bộ, thực hiện đảm bảo theo quy trình, và có sự đồng hành, hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, có như vậy sự kết hợp giữa Nhà nước – Nhà khoa học – nhà Doanh nghiệp và Nhà Nông mới bền chặt và hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững trên địa bàn thị xã Tân Châu. “Mong muốn của chú là được Nhà nước hỗ trợ các mặt cũng như là ở quảng bá về sản phẩm OCOP của mình, thứ hai nữa là về vấn đề giá cả thị trường, nếu mà được ổn định thì người làm ra sản phẩm đó cũng được ổn định”, chú Nguyễn Văn Gom bày tỏ.

Thực hiện theo Kế hoạch 198 của UBND thị xã về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thị xã Tân Châu, trong đó, phải phát huy vai trò chủ thể của nông dân, xác định nông dân chính là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông thôn, gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, nông dân phát triển toàn diện, văn minh. Đồng thời, tầm nhìn đến năm 2045, nông dân Tân Châu văn minh, phát triển toàn diện, hầu hết nông dân làm chủ được công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, làm chủ nông thôn, có thu nhập trung bình cao trở lên. Tin tưởng rằng, những lão nông Tân Châu sẽ là những chủ thể minh chứng rõ nét nhất về tính hiệu quả khi thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sẽ góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái và mang giá trị, bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Tân Châu trong thời gian tới.

Huyền Thoại (Đài TT Tân Châu)