CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Mô hình hiệu quả

Nông dân An Giang canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp xuất khẩu

02:08 04/05/2021

Vụ Đông Xuân 2020-2021, Trung tâm Khuyến nông An Giang đã tập trung triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform), với mục tiêu giúp nông dân sử dụng có hiệu quả đất trồng lúa, canh tác đúng kỹ thuật và sử dụng công nghệ mới trong sản xuất lúa, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp xuất khẩu góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Ngày 29/4/2021, Trung tâm Khuyến nông kết hợp với Chi cục Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hỗ trợ cho người trồng lúa năm 2021.

Theo Trung tâm Khuyến nông An Giang, vụ Đông Xuân 2020-2021 đã hướng dẫn tập huấn 6 lớp và trình diễn 12ha lúa theo tiêu chuẩn SRP cho nông dân, tại các xã trong tỉnh. Qua đó nông dân nắm được cơ bản nội dung thực hiện theo 41 tiêu chí của bộ tiêu chuẩn SRP. Qua kết quả trình diễn hiệu quả mang lại khả quan làm tăng lợi nhuận cho nông dân, giảm chi phí sản xuất từ 1,1 triệu-2,4 triệu/ha, năng suất trung bình đạt 8,4 tấn/ha, tăng hơn 0,3 tấn/ha so với mô hình đối chứng (sản xuất theo tập quán cũ). Áp dụng các phương pháp giảm lượng giống gieo sạ, phân bón cân đối và áp dụng công nghệ sinh thái nên ít sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật, từ đó lợi nhuận tăng lên rõ rệt từ 30-43 triệu đồng/ha, tăng chênh lệch với ngoài mô hình 3,3 triệu đồng/ha. Qua đó cho thấy rõ hiệu quả mang lại về mặt tài chính cũng như về môi trường khi áp dụng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP.

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP dựa trên nền sản xuất theo hướng “3 giảm 3 tăng”, “1 Phải 5 giảm”, góp phần giảm chi phí, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng và đáp ứng tiêu chuẩn doanh nghiệp, hướng đến sản xuất bền vững. Đã tham gia nhận thấy được hiệu quả mang lại từ việc trồng lúa theo tiêu chuẩn trên, anh Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, An Giang nhận định, tôi rất tâm đắc khi áp dụng theo phương pháp này vì đã giảm rất nhiều chi phí cho nông dân trong sản xuất và sản phẩm được công ty bao tiêu ngay từ đầu vụ, nên nông dân an tâm sản xuất. Hiện nay nông dân địa phương nơi đây cũng dần tự sản xuất theo hướng SRP và Hợp tác xã nông nghiệp Vọng Đông đã được tiếp cận tiêu chuẩn SRP từ vụ Hè Thu 2019 và đến nay về phía Dự án Sáng kiến lúa gạo Châu Á, Tổ chức Hợp tác Đức, Công ty OLAM, Sở nông nghiệp và PTNT An Giang hỗ trợ nhóm 25 nông dân của HTX thực hiện sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP và đánh giá nội bộ kết quả cũng rất khả quan. Những tiêu chí mà SRP khẳng định cùng với những tiêu chuẩn và điều kiện về hoạt chất hóa học sử dụng trong sản xuất nông nghiệp mà người tiêu dùng yêu cầu về chất lượng là hoàn toàn hợp lý, nhằm mục đích đảm bảo đem lại sự an toàn cho sức khỏe con người theo yêu cầu phát triển của thời đại. 

Trong khuôn khổ thực hiện Dự án, vụ vừa qua đã tập huấn theo tiêu chuẩn SRP  chỉ vỏn vẹn được 6 xã rãi đều 150 nông dân trong tỉnh, do đó còn rất nhiều nông dân có nhu cầu tham gia học hỏi nhằm nắm bắt những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, điển hình như nông dân Từ Bá Đạt, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú đề xuất: Để hướng nông dân sản xuất theo hướng hiện đại áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, bỏ sản xuất theo lối mòn tập quán cũ và cùng tham gia chuỗi liên kết thì ngành nông nghiệp cũng cần đào tạo mở rộng thêm cho nông dân các lớp tập huấn để trang bị cho họ một kiến thức phù hợp nhất định, đồng thời tăng cường mở rộng diện tích trình diễn theo các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Qua đó, nông dân lân cận sẽ thấy được những lợi ích, từ đó sẽ mạnh dạn hơn trong việc tham gia liên kết chuỗi. Ngoài ra, việc áp dụng máy bay phun thuốc Bảo vệ thực vật trên cây trồng cũng cần minh chứng khi áp dụng mang lại hiệu quả.

Đáp lại những mong muốn của nông dân, bà Huỳnh Đào Nguyên-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông An Giang cũng thông tin, trong kế hoạch 2021 Khuyến nông sẽ từng bước thực hiện tập huấn, trình diễn theo yêu cầu tiêu chí SRP rãi đều ở 11 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang, với tổng số 16 mô hình, mỗi mô hình 15ha. Mong rằng một số nông dân có nhu cầu sẽ được tập huấn và được thực hiện áp dụng một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới. Cũng theo Kế hoạch Dự án sẽ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa từ khâu làm đất, gieo sạ đến khâu thu hoạch như sử dụng máy cấy, máy gieo hạt theo cụm, thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật máy bay không người lái, máy gặt đập liên hợp…Tuy nhiên, hiện còn đang lo ngại việc ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ, do nông dân canh tác 3 vụ đất dễ lún và khâu làm mạ còn gặp khó.

Ông Đinh Công Nghiệp - đại diện Công ty Lộc Trời cũng thông tin, hiện công ty đang xây dựng 2 Hợp tác xã Chuẩn đặt tại xã An Bình, Thoại Sơn và HTX tại xã Vĩnh Bình, Châu Thành, mỗi HTX khoảng 100ha, công ty đầu tư toàn bộ chi phí cho nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Trong sản xuất công ty có các tổ kỹ thuật chuyên nghiệp đến tận ruộng lúa khi nông dân cần, đồng thời sẽ áp dụng tiến bộ kỹ thuật thiết bị công nghệ từ gieo sạ đến thu hoạch trong sản xuất lúa. Tuy nhiên hiện nay HTX vẫn chưa đủ diện tích cũng như nông dân tham gia chưa đủ theo kế hoạch ban đầu và mong rằng trong thời gian tới HTX sẽ đạt mục tiêu đề ra.  

Phát biểu kết luận tại Hội nghị ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang đánh giá cao bước đầu thực hiện Dự án. Trong 4 vụ lúa vừa qua giá lúa rất cao làm cho nông dân phấn khởi, đây cũng là động lực có thêm sức mạnh để nông dân canh tác bài bản hơn và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật và sử dụng công nghệ mới trong sản xuất lúa vào đồng ruộng của mình. Đây lần đầu tiên ngành nông nghiệp An Giang sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng canh tác theo quy trình chuẩn của thế giới, giảm ô nhiễm môi trường. Mong rằng sự thành công hôm nay là bước đệm để ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được mong muốn trong thời gian tới. Ngoài ra, Ông yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan mạnh dạn tham mưu đề xuất đẩy mạnh phát triển những tiến bộ công nghệ tiên tiến đạt chuẩn xuất khẩu để áp dụng trong sản xuất canh tác lúa trên địa bàn tỉnh. Năm 2021 nông nghiệp An Giang sẽ thực hiện các mô hình canh tác đạt quy chuẩn thế giới, quy trình canh tác có truy xuất nguồn gốc, ứng dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa.

Trang Nghiêm