CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Thông tin tổng hợp

Giữ nước cho Đồng bằng sông cửu long (3) (Tiếp theo 2) “Mở rộng qui mô ra toàn vùng”

08:15 18/03/2024

Đề xuất ý tưởng giúp tăng cường sự chủ động về nguồn nước cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồ án nhận được bằng Thạc sĩ Danh dự tại Đại học Bách khoa Milan, Italy vào ngày 02 tháng 10 năm 2020.

Giữ nước cho đồng bằng sông cửu long (1)

Giữ nước cho đồng bằng sông cửu long (2)

 

 

3.4. Quá trình chuyển đổi

Từ giai đoạn đầu, khi kênh đã được mở rộng và cây tràm non được trồng, nông dân đã có thể khai thác hồ chứa cho việc nuôi trồng thủy sản.

Sau 4 – 5 năm, cây tràm có thể được khai thác để lấy gỗ, cây tràm mới sẽ được trồng cho một vòng tuần hoàn mới.

Khi người dân đã nhận thấy được giá trị kinh tế mà rừng tràm mang lại, họ có thể lựa chọn mở rộng diện tích rừng, từ đó sẽ thu được nhiều giá trị hơn về nguồn nước và sinh kế (hình 12).

3.5. Mô hình thí điểm

Để chứng minh tính hiệu quả của mô hình trước khi áp dụng trên diện rộng, một khu vực có thể được lựa chọn để làm mô hình thí điểm.

Trong đồ án Thạc sĩ, tác giả đã chọn một phần của xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Đây là một khu vực đê bao khép kín và có những yếu tố đặc trưng của vùng Tứ giác Long Xuyên. Với phần lớn diện tích là đất trồng lúa và hơn 70% số hộ dân làm nông nghiệp.

 

Hình: Mô hình thí điểm. Hiện trạng khu vực (a) và sau khi chuyển đổi 4 kênh nội đồng thành kênh Xanh (b)

Theo đồ án, 4 trong tổng số 6 kênh nội đồng của khu vực đê bao khép kín này sẽ được chuyển đổi thành rừng tràm. Đồ án cũng đề xuất về việc dừng sản xuất lúa vụ 3, xây dựng đê bao bảo vệ các vườn cây ăn trái, cho nước lũ tràn vào đồng ruộng để giúp rửa trôi các tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và bồi đắp phù sa.

Nếu được nghiên cứu và áp dụng, việc lựa chọn khu vực thí điểm có thể tùy vào tình hình thực tế của từng địa phương.

3.6. Tứ giác Long Xuyên

Nếu chứng minh được sự hiệu quả về nguồn nước và giá trị kinh tế của ý tưởng, mô hình thí điểm có thể được nhân rộng trên toàn vùng Tứ giác Long Xuyên hoặc Đồng Tháp Mười, hiện là hai vùng điều tiết lũ tự nhiên của ĐBSCL.

Các con kênh được lựa chọn dựa trên dữ liệu từ ảnh vệ tinh, là những kênh cấp III hoặc kênh nội đồng với chiều rộng trên 10 mét và không có đông dân cư sinh sống dọc bờ kênh.

Theo tính toán, có khoảng 465 km kênh Xanh có thể được thiết lập (khoảng 10% trên tổng số kênh cấp III của vùng TGLX). Với chiều rộng trung bình là 60 mét, hệ thống này có thể lưu trữ đến 84 triệu mét khối nước ngọt. Chưa kể các con kênh không được chuyển đổi thành rừng tràm cũng có thể chứa một lượng lớn nước ngọt nếu được đầu tư các cửa cống.

3.7. Đề xuất cho hồ Ba Tri, tỉnh Bến Tre

Với hồ chứa hiện có, chúng ta chỉ cần nạo vét sâu hơn để tăng trữ lượng nước, trồng tràm trong lòng hồ để che phủ diện tích mặt nước, giúp giảm lượng bốc hơi. Biến một hồ chứa nước đơn thuần thành một hệ sinh thái ngập nước của rừng tràm và tạo ra sinh kế cho người dân địa phương.

3.8. Tầm nhìn cho toàn vùng ĐBSCL

Với hệ thông kênh rạch chằng chịt, mô hình kênh Xanh có thể được nhân rộng ở bất cứ nơi nào ở ĐBSCL.

Lấy tỷ lệ 10% (theo khảo sát và ví dụ từ vùng TGLX) trên tổng số hơn 50.000 km kênh cấp III của ĐBSCL, trên 5.000 km kênh trữ nước kết hợp rừng tràm có thể được thiết lập. Hệ thống này có thể đạt trữ lượng nước ngọt lên đến 1 tỷ mét khối.

Hơn 45.000 km kênh cấp 3 còn lại có thể trữ được thêm hơn 600 triệu mét khối.

Vậy cả hệ thống này có thể chứa đến 1,6 tỷ mét khối nước ngọt phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho ĐBSCL.

Theo số liệu năm 2020, toàn vùng ĐBCSL có khoảng 1.539 triệu hecta canh tác lúa Hè - Thu, tức cần khoảng 6,2 tỷ mét khối nước ngọt.

Suy ra, hệ thống rừng tràm và kênh cấp III kể trên có thể đáp ứng được hơn 1/4 (26.5%) nhu cầu nước cho toàn bộ diện tích lúa Hè - Thu.

4. Kết luận

Chuyện nước nói riêng hay sự phát triển và tồn tại của ĐBSCL nói chung là một vấn đề vô cùng phức tạp, cần nhiều nghiên cứu và phối hợp của các nhà hoạch định chính sách, quy hoạch và cả sự hợp tác quốc tế.

Tuy nhiên, đối mặt với những hệ quả hiện hữu từ hạn hán và xâm nhập mặn, “Kênh Xanh” là một giải pháp không quá tốn kém và có thể áp dụng ngay để giải tỏa cơn “khát” của ĐBSCL. Mặt khác, hệ thống rừng tràm này sẽ mang đến một diện mạo mới cho đồng bằng, nâng cao chất lượng môi trường sinh thái, bảo vệ sinh kế, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân địa phương.

 

 

Thạc sĩ – Kiến trúc sư Huỳnh Công Định
(Bản quyền ý tưởng và đồ án thuộc về tác giả và Đại học Bánh khoa Milan)