Nhằm khai thác hiệu quả, phát huy giá trị của nhãn hiệu chứng nhận “Gạo An Giang” và từng bước xây dựng thương hiệu gạo chủ lực của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế. Theo đó ngày 05-5, Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị các cơ quan, đơn vị khẩn trương phối hợp triển khai nhãn hiệu chứng nhận “Gạo An Giang” năm 2025.
Cụ thể, Nhãn hiệu chứng nhận "Gạo An Giang" đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ (Quyết định số 31899/QĐ-SHTT.IP ngày 17/3/2025) tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và phát triển thương hiệu gạo địa phương.
Hình ảnh nhãn hiệu chứng nhận "Gạo An Giang" được thể hiện như sau:
Màu sắc chủ đạo: xanh lá cây, vàng, trắng. Cấu trúc nhãn hiệu: gồm phần hình và phần chữ.
Phần hình: tổng thể là hình oval màu trắng viền xanh lá cây, bên trong là chữ “AG” được thiết kế cách điệu, trong đó, chữ cái A màu xanh lá cây, được tạo hình ngọn núi tượng trưng cho bảy ngọn núi vùng Thất Sơn. Chữ G với hình bông lúa uốn cong màu vàng, một phần chữ màu xanh tạo thành nét dài biểu tượng cho những cánh đồng trù phú. Mặt khác Chữ G căng tròn như hạt gạo tạo thành chiếc xuồng chở đầy thóc lúa mang thương hiệu gạo An Giang ngày càng phát triển vươn xa trong nước và quốc tế.
Phần chữ: gồm cụm từ: “GẠO AN GIANG” in hoa, nét đậm, màu xanh lá cây là tên nhãn hiệu chứng nhận và “Thơm hạt gạo - Thảo tấm lòng” là slogan của sản phẩm gạo An Giang nằm ngay dưới chữ A.
Tổng thể nhãn hiệu thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa bản sắc nông nghiệp truyền thống và khát vọng phát triển bền vững, vươn tầm quốc tế của thương hiệu gạo An Giang. Sản phẩm được mang nhãn hiệu chứng nhận Gạo An Giang, gồm: bún; miến gạo; bánh gạo; gạo nếp; gạo tẻ; bột gạo (dùng cho mục đích nấu nướng).
Để việc triển khai nhãn hiệu chứng nhận "Gạo An Giang" đồng bộ, hiệu quả, tạo bước đột phá trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, đề nghị các cơ quan, đơn vị tổ chức Lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận "Gạo An Giang"; Biên tập tài liệu, trưng bày và quảng bá sản phẩm mang nhãn hiệu; Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận; Phát triển sản xuất gạo đạt tiêu chuẩn phục vụ nhãn hiệu chứng nhận; Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị nhãn hiệu; Quản lý, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; Kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhãn hiệu; Tổng kết kết quả thực hiện và đề xuất giải pháp đến năm 2030…

|
Đồng thời, các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tuyên truyền sâu rộng về nhãn hiệu chứng nhận "Gạo An Giang", tập trung phổ biến tiêu chí cấp quyền sử dụng, các đặc tính và yêu cầu chất lượng sản phẩm; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chuyên môn theo phân công tại công văn này, Kế hoạch số 507/KH-UBND và các văn bản có liên quan.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Kế hoạch số 507/KH-UBND và nội dung công văn này, chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến, lựa chọn sản phẩm phù hợp tham gia sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, hỗ trợ phát triển sản phẩm, giám sát và kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Gạo An Giang" trên địa bàn theo đúng quy định; đồng thời, chủ động chuẩn bị phương án chuyển giao nhiệm vụ về Ủy ban nhân dân cấp xã, phường khi có quyết định phân cấp chính thức theo quy định mới (nếu có).
Trong thời gian Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Gạo An Giang" đang được rà soát, hoàn thiện, đề nghị các đơn vị chủ trì nghiêm túc tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan, nhằm bảo đảm việc quản lý, sử dụng nhãn hiệu đúng quy định. Khuyến khích các đơn vị phát huy tính chủ động, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, quảng bá nhằm lan tỏa sâu rộng hình ảnh nhãn hiệu chứng nhận "Gạo An Giang" trên các phương tiện truyền thông, nền tảng số và hệ thống phân phối, góp phần nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu và hiệu quả tiêu thụ sản phẩm…/.
Nguồn: Công văn số 712/SKHCN-PTCN-CĐS ngày 5/5/2025
Xuân Hiếu