CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 25/03/2023

10:45 25/03/2024

Người trồng xoài lãi cao nhờ bán hàng vào siêu thị; - Xuất khẩu rau quả đạt gần 1,3 tỷ USD quý đầu năm; - Nhiều lô sầu riêng Việt Nam xuất khẩu bị Trung Quốc cảnh báo; - An Giang đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu gạo 330 triệu USD.

 

Người trồng xoài lãi cao nhờ bán hàng vào siêu thị

Sản lượng năm nay giảm tới 30% do EL Nino nhưng giá xoài miền Tây vẫn cao hơn mọi năm nhờ cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Nói với VnExpress, ông Hoàng, một nhà vườn ở An Giang, "phấn khởi" vì giá xoài năm nay tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Mỗi kg xoài ba màu đang có giá 15.000 đồng cho hàng loại 1 và 10.000 đồng cho hàng xô. Với xoài cát Hòa Lộc, giá cũng 30.000-33.000 đồng một kg. Vụ này, một ha xoài cho thu lãi khoảng 80-120 triệu đồng, dù năng suất năm nay giảm 30% vì thời tiết bất thường.

Ông Thắng ở Đồng Tháp, người đang lãi mỗi ngày từ xoài cát chu vàng, cho biết chất lượng xoài năm nay cao hơn mọi năm. Màu sắc bắt mắt, kích cỡ đạt chuẩn nên được các đại siêu thị nội địa và thị trường Mỹ, New Zealand ưa chuộng.

"Loại này trái nhỏ, mùi thơm ngào ngạt lại không bị xơ như nhiều giống khác nên rất hút khách", ông Thắng giải thích.

Quản lý 600 hộ trồng ở An Giang, ông Trần Quang Trường An, Giám đốc Hợp tác xã trái cây GAP Chợ Mới, đánh giá vụ tháng 3-6 năm nay người trồng lãi cao vì giá xoài ổn định. Trung bình, với giá bán cho các siêu thị trong giai đoạn này, người trồng có lãi khoảng 2.000-4.000 đồng một kg (tùy giống xoài).

"Ngoài xuất khẩu, năm nay chúng tôi đẩy mạnh bán xoài chất lượng xuất khẩu cho siêu thị trong nước bởi giá thu mua không bị biến động. Bắt đầu bán từ đầu tháng 3 nhưng sức mua tại một vài siêu thị nội địa đang cho tín hiệu lạc quan", ông An cho hay.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy, xoài Việt đang lấn át các loại nhập khẩu từ Campuchia và Thái Lan. Đặc biệt, xoài cát Hòa Lộc, xoài tượng, xoài keo Việt ngày càng có chất lượng cao và giá cạnh tranh hơn sản phẩm nhập khẩu.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail, đánh giá xoài tiêu thụ nội địa năm nay yên tâm về vấn đề an toàn thực phẩm vì sản phẩm mua vào ngang với tiêu chuẩn hàng xuất khẩu đi Mỹ, Australia... Trên toàn hệ thống này, xoài bán ra đều được tuyển chọn hàng loại 1 từ các công ty xuất khẩu.

Để kích cầu, siêu thị đang giảm giá đến 40% cho các sản phẩm xoài. Trong những ngày đầu thực hiện chương trình, có siêu thị bán được một tấn một ngày. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng Việt đang ngày càng chuộng nông sản Việt chất lượng cao.

Ông Nguyễn Thành Huân, Phó giám đốc Sở Công Thương An Giang, đánh giá việc xúc tiến đưa hàng chất lượng xuất khẩu vào siêu thị là nỗ lực giúp nông sản An Giang đa dạng hóa kênh phân phối và tránh phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. An Giang đang nỗ lực đem xoài phủ kín các kênh siêu thị hiện đại trong thời gian tới.

An Giang có 17.900 diện tích trồng cây ăn trái, trong đó có 12.000 ha xoài. Trong đó, huyện Chợ Mới có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh, với 6.400 ha. Ngoài cát Hoà Lộc, Cát Chu, xoài 3 màu, xoài tượng cũng được chuộng.

Theo ông Huân, trước đây Việt Nam phải nhập xoài keo từ Campuchia, nay An Giang đang sản xuất cho năng suất và chất lượng cao. Người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận với hàng chất lượng và giá rẻ do chính Việt Nam sản xuất.

Tỉnh cũng liên tục xúc tiến, thúc đẩy hỗ trợ liên kết và tiêu thụ để giảm tình cảnh "được mùa mất giá". Vụ xoài năm nay cho tín hiệu khả quan khi các lô xuất khẩu tăng. Mới đây, lần đầu tiên, 13 tấn xoài hạt lép của An Giang xuất khẩu sang Hàn Quốc. Từ cuối tháng 3, khi xoài rộ vụ, các hệ thống siêu thị cũng đang hỗ trợ tiêu thụ.

Nguồn: vnexpress.net

Xuất khẩu rau quả đạt gần 1,3 tỷ USD quý đầu năm

Trung Quốc, Thái Lan tăng mua, giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD trong quý I, tăng 27% so với cùng kỳ 2023.

Thông tin được Hiệp hội Rau quả Việt Nam công bố dựa trên số liệu từ hải quan. Theo đó, tháng 3, xuất khẩu rau quả đạt khoảng 433 triệu USD, tăng 33% với tháng trước.

Lũy kế quý từ đầu năm, mặt hàng này đạt kim ngạch gần 1,3 tỷ USD. Sầu riêng, thanh long, nhãn tiếp tục là các mặt hàng đóng góp lớn trong xuất khẩu nông sản, trái cây.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập nhiều rau quả Việt, với sản lượng tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2023. Trong khi đó, Thái Lan, Đức ghi nhận lượng nhập khẩu tăng đột biến, trên 120% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, người tiêu dùng Thái gần đây chuyển từ ưa thích trái cây vị ngọt đậm sang loại ít ngọt, tốt cho sức khỏe, nên trái cây Việt có lợi thế.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay xuất khẩu nông sản khởi sắc từ tháng 3, khi nhu cầu các nước tăng trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ông dự báo, quý II - thời điểm nhiều loại trái cây nhiệt đới vào vụ, xuất khẩu mặt hàng này sẽ tăng cao.

Hiện, chi phí, thời gian vận chuyển lâu làm giảm cạnh tranh của trái cây từ Mỹ, EU xuất sang Trung Quốc và ASEAN. Vì thế, nhà nhập khẩu tại đây sẽ ưu tiên mua từ các thị trường gần, như Việt Nam. Ông Nguyên cho rằng đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt tăng thị phần, đặc biệt với những mặt hàng chiến lược như sầu riêng, mít, chuối, xoài.

Năm nay, xuất khẩu rau quả kỳ vọng đạt 6-6,5 tỷ USD, khi nhu cầu nhập từ các thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Đức, Nhật Bản ở mức cao.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, quy mô thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới lớn, dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025. Với thuận lợi là quốc gia có nguồn cung dồi dào, Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thị trường quốc tế khi nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị bền vững

Nguồn: vnexpress.net

Nhiều lô sầu riêng Việt Nam xuất khẩu bị Trung Quốc cảnh báo

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cảnh báo về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) vừa có văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk, Hà Nội và các doanh nghiệp, cơ quan liên quan thực hiện truy xuất các lô hàng sầu riêng xuất khẩu bị Trung Quốc cảnh báo.

Văn bản gửi đi nêu rõ, Cục Bảo vệ thực vật nhận được thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch Động - Thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này.

Theo yêu cầu của GACC và quy định của Việt Nam về truy xuất an toàn thực phẩm đối với các lô hàng bị cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các doanh nghiệp có lô hàng vi phạm phải tuân thủ các nội dung quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp (cung cấp hợp đồng thu gom lô hàng, danh sách cơ sở thu gom, vườn trồng cung cấp lô hàng, danh mục thuốc BVTV và phân bón đã sử dụng tại vườn trồng cung cấp lô hàng);

Tổ chức thực hiện các hành động khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm. Sau đó, gửi báo cáo kết quả về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 1/4/2024.

Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Sở NN-PTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk và Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp thực hiện truy xuất các lô hàng bị cảnh báo.

Cùng với đó, thẩm tra báo cáo về nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo và biện pháp khắc phục của doanh nghiệp; rà soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có lô hàng bị cảnh báo theo quy định của pháp luật.

Báo cáo kết quả kèm hồ sơ liên quan phải gửi về Cục Bảo vệ thực vật để có cơ sở phản hồi tới GACC trước ngày 3/4/2024, tránh việc nước nhập khẩu có các kết luận ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản.

Hiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng sầu riêng Việt Nam. Trong năm 2023, Trung Quốc đã chi 2,1 tỷ USD để mua 493 nghìn tấn sầu riêng của Việt Nam, tăng 1.036% về trị giá và tăng 1.107% về lượng so với năm 2022.

Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ 5% năm 2022 tăng mạnh lên 34,6% năm 2023. Giá sầu riêng nhập khẩu trung bình từ Việt Nam đạt 4.332,2 USD/tấn.

Nhờ việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc thuận lợi, loại trái cây này của nước ta cũng tăng giá dựng đứng. Hiện, giá sầu riêng Ri6 ở mức 65.000–136.000 đồng/kg; sầu riêng Monthong có giá từ 95.000–210.000 đồng/kg; sầu riêng Musang King giữ mức 160.000–190.000 đồng/kg.

Nhờ sầu riêng được mùa, được giá nên các nhà vườn trúng đậm. Bởi, 1ha sầu riêng có thể cho lợi nhuận từ 1-2,5 tỷ đồng tuỳ loại và tuỳ thời điểm.

Sầu riêng cũng trở thành trái cây tỷ USD của Việt Nam. Xuất khẩu sầu riêng của nước ta cũng được kỳ vọng sẽ thu về 3 tỷ USD trong năm nay.

Nguồn: vietnamnet.vn

 

An Giang đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu gạo 330 triệu USD

Ngành lúa gạo An Giang phấn đấu xuất khẩu gạo đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo; thị trường châu Phi chiếm khoảng 12%...

UBND tỉnh An Giang vừa ban hành kế hoạch phát triển thị trường xuất khẩu gạo tỉnh An Giang định hướng đến năm 2030, với mục tiêu gia tăng thị phần gạo tỉnh An Giang tại các thị trường xuất khẩu, đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh đạt 330 triệu USD.

Theo kế hoạch, An Giang tập trung tăng trị giá xuất khẩu gạo. Giai đoạn 2020 - 2023, lượng gạo xuất khẩu bình quân hàng năm của tỉnh đạt khoảng 540.000 tấn, trị giá đạt bình quân hằng năm từ 293 triệu USD.

Giai đoạn 2024 - 2030, lượng gạo xuất khẩu hàng năm của tỉnh đạt từ 570.000 - 600.000 tấn, trị giá xuất khẩu gạo tiếp tục được duy trì ổn định. Dự kiến giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo của An Giang đến năm 2030 đạt 330 triệu USD.

Theo đó, tỉnh tập trung cơ cấu mặt hàng gạo xuất khẩu. Đến năm 2030, tỷ trọng gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 27% tổng lượng gạo xuất khẩu; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khỏang 32%; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 24%, gạo nếp chiếm khoảng 10%. Các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng trên 8%.

Ngành lúa gạo An Giang phấn đấu xuất khẩu gạo đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo; thị trường châu Phi chiếm khoảng 12%; thị trường châu Âu chiếm khoảng 5%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 3%; thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%; tỷ trọng 6% còn lại là ủy thác xuất khẩu.

Theo đó, ở thị trường châu Á, thị phần gạo An Giang tiếp cận vào thị trường nhập khẩu gạo của Hàn Quốc và Nhật Bản; giữ vững thị phần xuất khẩu gạo sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, thị trường Trung Quốc và các khu vực còn lại. An Giang đẩy mạnh thâm nhập các thị trường châu Phi, đặc biệt ở các nước có nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu gạo lớn; khai thác các kênh xuất khẩu gạo trắng chất lượng cao vào thị trường Ả rập Xê-út, UAE.

Tại thị trường châu Âu, tỉnh tăng khối lượng gạo xuất khẩu vào khu vực, tương xứng với tiềm năng của thị trường. Thị trường châu Mỹ, châu Đại Dương tập trung phát triển thị trường gạo An Giang tại các nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như: Canada, Chile, Mexico và Peru...

Để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện nghiên cứu chọn lọc, lai tạo giống lúa năng suất, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chú trọng phát triển các giống lúa cho sản phẩm gạo trắng chất lượng cao, gạo thơm, gạo hạt tròn, gạo nếp và một số giống lúa đặc sản vùng miền, loại bỏ việc canh tác các giống lúa kém chất lượng, không hiệu quả.

Theo ông Phước, An Giang sẽ tập trung phát triển thương hiệu gạo thân thiện môi trường để hướng tới các thị trường tiêu chuẩn cao, giá trị cao; đầu tư phát triển mạnh hơn các loại gạo giá trị cao, đã tạo được hình ảnh thương hiệu như: Loc Troi 1,  Loc Troi 28... nhằm tăng cường xuất khẩu các mặt hàng gạo thơm chất lượng cao. Đẩy mạnh đưa mặt hàng gạo An Giang vào hệ thống phân phối nước ngoài; hỗ trợ các thương nhân thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc.

Thời gian tới An Giang cũng đổi mới việc xúc tiến thương mại; hỗ trợ các thương nhân kinh doanh gạo, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo thông qua chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu gạo vào các thị trường trọng điểm, truyền thống và các thị trường mới, tiềm năng.

Năm 2023 xuất khẩu của An Giang đạt nhiều kết quả tích cực, các mặt hàng chủ lực đều tăng khá so với cùng kỳ cả về sản lượng và kim ngạch. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của An Giang đạt 1.172 triệu USD, tăng 1,42% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu gạo của An Giang tăng 8,97% so với cùng kỳ 2022 đạt trên 300 triệu USD.

Điểm sáng xuất khẩu gạo năm 2023 của An Giang là Công ty cổ phần Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng đến 400.000 tấn gạo xuất sang thị trường EU trong năm 2023. Gạo An Giang được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Indonesia, Trung Quốc khi 2 nước này tăng cao nhu cầu mua gạo. Bên cạnh đó, gạo An Giang còn xuất khẩu sang các thị trường Philippines, Malaysia, Australia… và một số thị trường như Nga, Bangladesh.

Nguồn: bnews.vn