CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 04/02/2020

09:00 04/02/2020

Lúa đông xuân sớm tiêu thụ tốt - Gỡ tắc cho thanh long - Lại đến mít Thái, cua biển rớt giá, ế thảm - Công nhân "rón rén" mua rau vì giá tăng - Giá heo hơi: Thêm nhiều nơi giảm giá .

 

Lúa đông xuân sớm tiêu thụ tốt  (04/02/2020)

Sau Tết Nguyên đán, nông dân các huyện ngoại thành TP Cần Thơ bắt đầu ra đồng gặt lúa đông xuân 2019 - 2020.

Sở NN-PTNT Cần Thơ cho biết đã có gần 300 ha lúa thu hoạch, năng suất bình quân đạt mức khá 65 tạ/ha. Vụ đông xuân 2019 - 2020, TP Cần Thơ sản xuất hơn 79.200 ha lúa, giảm hơn 2.000 so với vụ đông xuân năm trước. Hiện nay, lúa đang làm đòng trổ đến chắc xanh, trong đó trổ đều hơn 27.000 ha, giai đoạn chắc xanh hơn 41.000 ha, lúa đang chín trên 7.800 ha.

Ông Nguyễn Văn Bảy, nông dân ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, nói: Hiện nay, lúa trên đồng đang gặp thời tiết bất lợi, ban ngày nắng nóng, chiều tối lạnh, sương mù xuất hiện nên dễ xuất hiện bệnh đạo ôn, cháy bìa lá lúa, rầy nâu phá hại. Tôi và nhiều nông dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và xử lý khi có bệnh hại.

Theo nhiều nông dân, hiện nay lúa đông xuân thu hoạch sớm được tiêu thụ khá tốt, dù giá lúa chưa cao. Thương lái mua lúa tươi tại ruộng: lúa IR50404 giá 4.600 - 4.800 đồng/kg, giống OM các loại giá 4.500 - 4.700 đồng/kg, Jasmine 85 giá 4.800 - 5.000 đồng/kg và Đài thơm 8 giá 4.700 - 4.800 đồng/kg.

Trước tình hình dịch hại lúa trên đồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ cho biết, hiện thời lúa nhiễm dịch hại gần 4.500 ha, tăng hơn 1.150 ha so với tuần trước Tết Nguyên đán. Trong đó, rầy nâu gây hại hơn 4.100 ha (lúa nhiễm nhẹ 3.150 ha, nhiễm trung bình hơn 850 ha, nhiễm nặng 120 ha), tăng 1.870 ha so với tuần trước Tết Nguyên đán.

Mật số rầy nâu ngoài đồng phổ biến 750 - 2.500 con/m², cục bộ mật số cao 10.000 con/m² ở xã Trung Thạnh, Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ). Giai đoạn rầy ấu trùng tuổi 2-4 và thành trùng, gây hại chủ yếu trên trà lúa đòng đến trổ tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt.

Bên cạnh đó, còn có dịch chuột gây hại 64 ha lúa, tỷ lệ gây hại 5-10%, nấm bệnh đạo ôn gây hại diện tích 59 ha, với tỷ lệ bệnh gây hại phổ biến 5-10%, cao 20% phân bố tại các quận Thốt Nốt và huyện Phong Điền.

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

 

 

Gỡ tắc cho thanh long  (04/02/2020)

Hiện các ngành chức năng, hiệp hội nhà kho Tiền Giang, Long An đang bàn các giải pháp thu mua thanh long cho người dân.

Thanh long không xuất được, lái xe lo đền hàngChợ biên mậu Hà Khẩu đóng cửa do corona, thanh long Việt gặp khó

Trong Tết Nguyên đán, giá thanh long ruột đỏ giảm mạnh từ 30.000 đồng/kg xuống còn 3.000-5.000 đồng/kg. Thậm chí một số nơi không có thương lái đến mua khiến nhiều nhà vườn lao đao.

Nguyên nhân chủ yếu do một số doanh nghiệp cho biết, do lo ngại dịch viêm phổi cấp tính do virus Corona gây ra nên người dân Trung Quốc hạn chế ra đường mua sắm dẫn đến sản lượng tiêu thụ bị giảm. Hàng tồn kho còn nhiều nên các đối tác phía Trung Quốc đã ngưng nhập hàng, gây ùn ứ tại các cửa khẩu, kho dự trữ.

Diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Long An là 11.825 ha. Trong đó diện tích cho trái khoảng 9.586 ha, năng suất khoảng 321,5 tạ/ha, sản lượng 317.932 tấn. Diện tích thanh long chủ yếu tại các huyện Châu Thành (9.100 ha), Tân Trụ (989ha), Bến Lức (350 ha), Thủ Thừa (381 ha), TP Tân An (781 ha).

Riêng diện tích đang thu hoạch khoảng 1.000ha, với sản lượng trên 20.000 tấn. Theo Sở NN-PTNT Long An, sản lượng sắp thu hoạch trong khoảng thời gian từ ngày 28/1-13/2/2020 vào khoảng 63.000 tấn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An có khoảng 160 HTX, THT, doanh nghiệp, có cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến, tiêu thụ thanh long. Có có trên 100 cơ sở thu gom sơ chế có kho lạnh bảo quản với năng lực bảo quản kho lạnh khoảng 10.000 tấn.

Theo Sở Công thương Long An, hiện nay chỉ các hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc là gặp cố, còn hợp đồng sang các nước khác như: Châu Âu, Mỹ, Malaysia,… thì vẫn giữ giá bình thường. Tuy nhiên, sản lượng thanh long tiêu thụ sang Trung Quốc quá lớn cho nên các kho lạnh hiện nay đã quá tải chưa giải phóng hết được. Vì vậy, các cơ sở đã ngưng thu mua, với những hộ đã ký hợp đồng có thời gian thu hoạch từ ngày 27/1 đến 3/2, thương lái hỗ trợ nông dân 5.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Tiền Giang, diện tích trồng thanh long gần 10.000ha, số đang cho trái khoảng 7.000ha, diện tích đang thu hoạch đợt này cũng hơn 1.000ha. Hiện hiệp hội các nhà kho thanh long 2 tỉnh Tiền Giang, Long An đang bàn các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng trên.

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

 

 

Lại đến mít Thái, cua biển rớt giá, ế thảm  (04/02/2020)

Không chỉ dưa hấu, thanh long... các nông sản khác như mít Thái, cua biển ở miền Tây đều đang ế đồng dội chợ, giá giảm mạnh.

Theo nhiều chủ vườn trồng trái cây ở ĐBSCL, chưa có năm nào giá trái cây sau tết rớt thảm hại như năm nay.

Tại vùng chuyên trồng mít Thái ở H.Châu Thành (Hậu Giang) được xem lớn nhất nhì ĐBSCL, chỉ sau tết vài ngày các cơ sở thu mua mít và thương lái mít vẫn còn đóng cửa. Anh Nguyễn Thanh Luân ở thị trấn Ngã Sáu, H.Châu Thành, cho biết thông thường sau mùng 6 tết anh khai trương cơ sở để thu mua mít Thái. Nhưng mấy ngày qua nghe phía Trung Quốc không ăn mít nữa, thế nên giá mít trước tết 40.000 - 55.000 đồng/kg, nay giảm xuống còn 10.000 - 15.000 đồng/kg mà vẫn không dám mua vào. Chính vì vậy từ tết đến nay cơ sở vẫn còn đóng cửa.

Anh Luân làm nghề thu mua mít hơn 3 năm nay nhưng cũng thừa nhận, thương lái vào thời điểm thu hoạch rộ vựa mua khoảng 5 - 6 tấn/ngày nhưng giá cả phụ thuộc phía thương lái Trung Quốc đưa ra mỗi ngày. “Thời điểm này phía Trung Quốc đang bị đại dịch do virus Corona nên phía thương lái bên đó lặng mất tăm, không thấy alo đặt hàng như trước đây. Lúc này phía thương lái các tỉnh như Vĩnh Long, Sóc Trăng và TP.Cần Thơ vẫn chưa dám đi mua mít trở lại sau nhiều ngày nghỉ tết vì giá đang rớt thê thảm. Chúng tôi cũng kêu người dân nên neo mít lại vài ngày nữa qua đợt dịch này, hy vọng giá mít tăng trở lại hãy cắt bán”, anh Luân nói.

Ông Trần Hồng Đức, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Châu Thành, cho biết toàn huyện có gần 5.000 ha trồng mít Thái siêu sớm, mang lại kinh tế cao cho nhà vườn nhiều năm nay. Thế nhưng từ sau tết đến nay, giá mít rớt thảm hại và có rất ít thương lái thu mua. Hiện do mít không đi Trung Quốc được nên việc thu mua chỉ thực hiện cầm chừng để tiêu thụ nội địa là chính.

Tương tự những ngày gần đây, tại các vùng nông thôn ở tỉnh Cà Mau, người nuôi cua đứng ngồi không yên vì giá giảm nghiêm trọng. Cua gạch hiện chỉ từ 300.000 - 350.000 đồng/kg, cua thịt 200.000 - 250.000 đồng/kg, giảm từ 250.000 - 300.000 đồng/kg so với thời điểm cận tết.

Bà Ngô Kim Thanh (ngụ xã Tân Hưng Đông, H.Cái Nước), chia sẻ: “Trước và cận tết, giá cua tăng mạnh, khoảng 600.000 - 650.000 đồng/kg nhưng hiện giảm chỉ còn một nửa. Nhiều nông dân lo lắng vì có thể sẽ còn tiếp tục giảm khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp”.

Theo nhiều nông dân ở H.Đầm Dơi, các thương lái thu mua cua cho biết từ khi có dịch bệnh thị trường Trung Quốc không ăn hàng nên giá cua giảm liên tục. Thương lái Trung Quốc đã ngưng mua từ mùng 2, 3 tết nên trong nước cũng không dám thu mua mạnh. Hiện họ đã mua trở lại, nhưng giá thấp và chỉ lựa chọn những con cua tốt, đẹp để mua.

Anh Nguyễn Văn Đen, một thương lái thu mua cua ở H.Đầm Dơi, thông tin: “Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính, bây giờ bên đó không nhập nên nhiều thương lái chỉ thu mua cầm chừng. Hiện, mặt hàng cua được tiêu thụ chủ yếu ở nội địa, ở các nhà hàng, quán ăn”.

Anh Lê Quân, một người thu mua ở H.Năm Căn than: "Cứ nghĩ như những năm trước, tết tôi vẫn đi thu mua cua, trữ lại sau tết giao cho các thương lái xuất đi Trung Quốc. Nhưng đùng cái, mùng 3 tết các thương lái thông báo họ ngưng mua cua vì Trung Quốc không ăn hàng. Khi đó, tôi đã mua được hơn 100 kg cua với giá hơn 500.00 đồng/kg. Buộc tôi phải bán lỗ lại, để cứu vốn và tránh cua chết".

Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch Hội Thủy sản H.Năm Căn, cho biết: “Nông dân nuôi cua theo kiểu gối đầu, mỗi vụ cua dao động từ 4-6 tháng nên thời điểm nào cũng có cua để thu hoạch. Đến lứa thu hoạch, nông dân bắt buộc phải thu, nếu không thì cua sẽ chết hoặc bỏ đi. Chính vì vậy, tình hình này gây nhiều khó khăn cho nông dân. Hiện nay, nông dân đành chấp nhận bán với giá rẻ, lựa chọn vựa mua giá cao để bán”.

Nguồn: Báo Thanh Niên

 

 

Công nhân "rón rén" mua rau vì giá tăng  (04/02/2020)

Giá sau xanh sau Tết tăng so với thời gian trước Tết, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của công nhân khu trọ.

Tại chợ Mun (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội), theo khảo sát của phóng viên với một số loại rau xanh, giá đều tăng so với trước Tết: Rau muống 10.000 đồng/mớ; rau cần 15.000 đồng/mớ...

Khi phóng viên kêu rau đắt, một chủ hàng bán rau cho hay: “Giá nhập vào tăng thì giá bán cũng phải tăng thì người bán mới có lãi chứ”.

Hai nữ công nhân sau một hồi hỏi giá, ngần ngừ một lúc rồi rời cửa hàng tay không để tìm cửa hàng khác bán rẻ hơn. Cuối cùng, một người mua một ít rau cải với giá 15.000 đồng; một người mua mớ rau khoai lang hết 7.000 đồng. "Do ở nhà vẫn còn thịt mang từ quê lên, nên chúng tôi chỉ mua rau thôi. Nhưng. Mà rau đang đắt quá, ăn mà xót"- một nữ công nhân chia sẻ.

Chị Dương Thị M. (công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) cho biết, so với thời điểm trong Tết, sau Tết, khi công nhân lên nhiều, giá rau xanh đã tăng mạnh, nhiều loại rau tăng gấp đôi. Trong Tết, một bữa nhà chị ăn chỉ hết 5 nghìn đồng tiền rau, giờ ít nhất phải 10.000 đồng tiền rau. Đấy là trong trường hợp mua các loại rau như muống, khoai lang; còn các loại rau khác như: súp lơ có giá 25.000 đồng/cây (cây bé, phải mua 2 cây mới đủ cho gia đình ăn); cải bắp (cây bé): 20.000 đồng/cây. 

“Chồng tôi bảo 15.000 đồng bây giờ đi mua rau chỉ đủ để nấu canh thôi, không đủ để luộc hay xào…”- chị M. cho hay.

Rất may là sau Tết, gia đình chị M. mang nhiều loại thịt ở quê lên để tủ lạnh ăn dần, nên không phải mua thịt, nếu không, với giá rau tăng, chắc chắn chi phí ăn uống của cả gia đình sẽ tăng lên. Trong khi thu nhập của hai anh chị (đều là công nhân) khá khiêm tốn, lại phải nhiều thứ phải chi, nên một đồng dành dụm được cũng là quý.

Nhiều công nhân cho biết, trước tình hình dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây nên, nhiều người trong số họ đều muốn tăng cường ăn rau xanh, các loại hoa quả để tăng sức đề kháng, nên dù giá rau có tăng thì vẫn mua đều đặn để gia đình có bữa ăn lành mạnh, có sức khỏe chống lại bệnh tật. Họ mong giá rau xanh sớm trở lại bình ổn như thời gian trước Tết để đỡ ảnh hưởng đến đời sống của mình.

Cầm trên tay một nhúm rau cải ngọt sau khi rời chợ Mun (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội), một nữ công nhân lè lưỡi: 15 nghìn đồng đấy anh ạ.

Nguồn: Báo lao động

 

 

Giá heo hơi: Thêm nhiều nơi giảm giá  (04/02/2020)

Giá heo hơi hôm nay giảm giá ở nhiều nơi ở các vùng miền.

Giá heo hơi tại các tỉnh miền Nam: dao động trong khoảng 77.000 - 82.000 đồng/kg.

Các tỉnh miền Tây Nam bộ, giá heo hơi giao dịch ở mức chung, 81.000 - 82.000 đồng/kg  như tại Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ. Vài nơi giá thấp hơn, từ 80.000 - 81.000 đồng/kg.

Tại miền Đông Nam bộ, giá heo vẫn duy trì mức ổn định. Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và TP HCM giá heo hơi nằm ở khoảng từ 80.000- 82.000 đồng/kg. Thủ phủ nuôi heo của vùng là tỉnh Đồng Nai giá heo hơi đạt 78.000- 80.000 đồng/kg.

Giá heo hơi tại các tỉnh miền Trung:

Thanh Hóa, Nghệ An và Lâm Đồng đang là những tỉnh có giá heo hơi cao nhất vùng, ở mức 83.000 - 84.000 đồng/kg. Còn tại Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận giá heo giảm xuống mức 80.000 - 82.000 đồng/kg.

Các khu vực còn lại của miền Trung đều ổn định từ 75.000 - 85.000 đồng/kg.

Giá heo hơi tại các tỉnh miền Bắc:

Mức giá cao nhất đang ghi nhận tại Thái Nguyên ở mức 83.000 – 84.000 đồngkg. Tương tự, Hưng Yên và Ninh Bình giá cũng ổn định tại 83.000 đồng/kg bằng với Vĩnh Phúc.

Trong khi đó, Tuyên Quang là địa phương có giá thấp nhất trong khu vực với 78.000 đồng/kg, giảm 4.000 – 6.000 đồng/kg. Hà Nam, Nam Định và Lào Cai cùng giảm 2.000 đồng/kg, đạt mức 80.000 đồng/kg. Cùng mức giảm 2.000 đồng/kg, Bắc Giang, Thái Bình cùng có mức giá 82.000 đồng/kg.  Hà Nội giảm giá nhẹ còn 81.000 đồng/kg.

Giá thịt heo tại chợ truyền thống:

Tại chợ Hóc Môn,heo mảnh loại 1 giá 105.000 đồng/kg, heo mảnh loại 2 giá 95.000 đồng/kg, đùi rọ 105.000 đồng/kg, sườn non 140.000 dồng/kg, cốt lết  giá 100.000 đồng/kg, nạc dăm giá 110.000 ngàn đồng/kg, giò trước 90.000 ngàn đồng/kg. Mức giá này đã giảm từ 10.000 - 30.000 đồng/kg (tùy loại so với ngày mùng 6 tết).

Nguồn: Voh.com.vn