CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 19/01/2024

10:45 19/01/2024

Hoa kiểng Tết: nỗi lo âu mang tên ‘ẩn số’ sức mua! - Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long được tài trợ 260 tỉ đồng để chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo - Heo nhập lậu ồ ạt vào Việt Nam, người chăn nuôi cầu cứu Thủ Tướng - Chuyện hiếm dịp cận Tết, giá thịt lợn trong siêu thị rẻ hơn ở chợ.

Hoa kiểng Tết: nỗi lo âu mang tên ‘ẩn số’ sức mua!

Sản xuất hoa kiểng Tết ở một số địa phương trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được duy trì ổn định về sản lượng, nhưng sức tiêu thụ tại ruộng được đánh giá sụt giảm đáng kể. Trong khi đó, việc đem hoa ra bán ở chợ hoa Tết cũng không khiến nông dân vơi bớt nỗi lo khi sức tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán luôn luôn là “ẩn số”.

Ổn định sản xuất, nhưng tiêu thụ sụt giảm?

Trao đổi với Kinh tế SG Online, bà Lê Thị Diễm, ngụ ấp Long Huê, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre- một hộ dân sản xuất 3.000 chậu cúc mâm xôi cung cấp thị trường Tết- đánh giá, dù tình hình kinh tế khó khăn, nhưng việc sản xuất hoa kiểng Tết năm nay nhìn chung vẫn khá ổn định về sản lượng.

Theo bà Diễm, sức tiêu thụ sản phẩm hoa kiểng Tết năm nay yếu hơn so năm trước, nhưng đến thời điểm hiện tại, ngoài 300 chậu cúc mâm xôi được bà để lại đem lên TPHCM bán Tết, thì toàn bộ số lượng còn lại đã được thương lái mua hết tại ruộng.

“Năm ngoái chỉ cần 1-2 thương lái là đã tiêu thụ hết toàn bộ (3.000 chậu cúc mâm xôi- PV), nhưng năm nay phải đến cả chục lái mới bán hết, tức số lượng mua của mỗi thương lái ít hơn năm ngoái”, bà nói và cho biết, thương lái mua số lượng nhiều chủ yếu là từ thị trường Hà Nội.

Còn về giá bán, theo bà Diễm, nhìn chung cúc mâm xôi năm nay vẫn giữ ổn định như năm ngoái, trong đó, khách sỉ được bà bán với giá 150.000-160.000 đồng/cặp (tuỳ chất lượng); khách lẻ có giá 170.000 đồng/cặp. “Với giá này, nông dân sản xuất có lợi nhuận khoảng 60.000-80.000 đồng/cặp”, bà nói.

Ông Mai Văn Nam, ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, hộ dân dân trồng 3.000 chậu hoa vạn thọ cho biết, việc sản xuất hoa kiểng Tết phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, tức có hộ sản xuất cho hoa nở đúng dịp Tết, nhưng cũng có hộ hoa nở sớm hoặc muộn hơn. “Người nào có hoa nở đúng dịp Tết thì vui, trễ thì buồn”, ông nói.

Theo đánh giá của ông Nam, số lượng hoa kiểng Tết năm nay ổn định so với năm ngoái, nhưng việc tiêu thụ chậm hơn do kinh tế khó khăn. “Cúc mâm xôi thì khả quan hơn, chứ các loại khác như bông giấy, tắc kiểng thì ít người mua. Còn riêng vạn thọ, hiện mới bắt đầu bung nụ và chào bán nên cũng chưa biết thế nào”, ông cho biết.

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết, năm nay địa phương sản xuất khoảng 9,5 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại, không có sự thay đổi đáng kể so với năm trước do điều kiện sản xuất của địa phương đã ổn định.

Tuy nhiên, theo ông, giá bán và sức tiêu thụ hoa kiểng Tết tại ruộng trong năm nay sụt giảm đáng kể so với năm ngoái. Trong đó, giá bán chỉ bằng 60-70% so với năm ngoái, trong khi sản lượng tiêu thụ, tức đã có thương lái đến mua chỉ bằng 30-40% so với cùng kỳ. “Ngoài cúc mâm xôi có “sáng hơn”, thì những sản phẩm khác như mai vàng, tắc kiểng, bông giấy tiêu thụ còn rất chậm”, ông cho biết.

Nguyên nhân khiến việc tiêu thụ hoa kiểng Tết năm nay chậm, theo ông Liêm, thứ nhất, do điều kiện kinh tế khó khăn, một số doanh nghiệp không có đơn hàng phải đóng cửa cho công nhân về quê sớm dẫn đến không có nhu cầu trang trí Tết, thậm chí cơ quan Nhà nước sử dụng hoa kiểng trang trí Tết cũng không nhiều, khiến việc tiêu thụ chậm; thứ hai, hiện nay nhiều nơi cũng phát triển sản xuất hoa kiểng, thậm chí hoa giả sản xuất nhiều và rất đẹp, nhưng có giá rất cạnh tranh cũng là nguyên.

Trao đổi với KTSG Online, bà Võ Thị Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp- địa phương sản xuất hoa kiểng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, đến thời điểm hiện tại, Sa Đéc đã kết thúc việc xuống giống hoa kiểng Tết, với diện tích sản xuất đạt 111,1 héc ta, giảm nhẹ khoảng 2,9 héc ta so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà, với diện tích sản xuất như nêu trên, địa phương sẽ cung cấp cho thị trường Tết khoảng 1,2 triệu sản phẩm, trong đó, các sản phẩm chủ lực như cúc mâm xôi truyền thống, cúc mâm xôi Hàn Quốc (nhiều màu), hoa đồng tiền, vạn thọ, cát tường và hoa hồng các loại…

“Ẩn số” sức mua hoa chợ Tết

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Hạnh, một thương lái thu mua hoa kiểng để bán Tết ngụ quận 5, TPHCM cho biết, số lượng hoa kiểng được ông thu mua để bán chợ Tết sắp đến chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. “Nếu năm ngoái mua 100 chậu, thì năm nay mình mua chỉ 60 chậu thôi”, ông nói và giải thích, kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ của thị trường vẫn là “ẩn số” nên không dám lấy nhiều để bán.

Ngoài bán cho thương lái, bà Diễm cho biết, dịp Tết năm nay bà chỉ đem lên TPHCM 300 chậu cúc mâm xôi cùng với một số mai vàng để bán Tết, chứ không dám đem nhiều vì không biết được sức mua của thị trường.

Trong khi đó, ông Liêm của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách khuyến cáo, nông dân nên bán hoa tại ruộng khi đầu ra đảm bảo có lợi nhuận, chứ không nên “neo” lại chờ đem ra chợ Tết tiêu thụ. “Thị trường ở chợ năm nay mình cũng không biết như thế nào, nhưng rõ ràng đánh giá chung là khó khăn, cho nên, nông dân không nên mạo hiểm để tránh tình trạng phải đem đổ bỏ như những năm trước”, ông khuyến cáo.

Trước nhận định tình hình tiêu thụ hoa kiểng Tết năm nay khó khăn, thành phố Cần Thơ đã quyết định miễn phí tiền thuê mặt bằng, điện, nước tại chợ hoa Tết năm 2024 (quảng trường trung tâm 586 thuộc khu dân cư 586, phương Phú Thứ, quận Cái Răng).

Theo đó, việc miễn phí như nêu trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để giúp bà con nông dân tiêu thụ được sản phẩm hoa kiểng Tết. “Chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp cho bà con có điểm bán hoa Tết”, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết.

Kế hoạch được thành phố Cần Thơ đưa ra, đó là từ ngày 19-1 (mùng 9 tháng Chạp) sẽ bàn giao mặt bằng cho người dân bán hoa kiểng Tết. Thế nhưng, thời gian chợ chính thức hoạt động là từ ngày 25-1 (ngày 15 tháng Chạp) và kéo dài đến ngày 9-2 (ngày 30 Tết).

Nguồn: thesaigontimes.vn

 

Nông dân ĐBSCL được tài trợ 260 tỉ đồng để chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo

Chính phủ Úc tài trợ 16 triệu đô la Úc cho nông dân Đồng bằng song Cửu Long chuyển đổi 200.000ha sang sản xuất lúa phát thải thấp.

Ngày 16-1, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo công bố Dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL (TRVC). Dự án được Đại sứ quán Úc tài trợ 16 triệu đô la Úc, tương đương khoảng 260 tỉ đồng, theo TTXVN.

Theo đó, dự án hỗ trợ người dân chuyển đổi trên 200.000 héc ta sang sản xuất lúa phát thải thấp ở khu vực ĐBSCL đồng thời nâng cao sinh kế của các hộ nông dân sản xuất nhỏ ở khu vực này.

Theo Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT dự án này góp phần tạo động lực để thu hút các công ty trong chuỗi giá trị lúa gạo tham gia liên kết sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính trên quy mô lớn. Kết quả của dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp vào việc thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với Tăng trưởng Xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, trước mắt là giai đoạn 2023-2027.

ĐBSCL là vùng sản xuất lúa trọng điểm của Việt Nam. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng là một trong những tác nhân gây phát thải khí nhà kính, chiếm tỷ lệ cao trong các nguồn gây phát thải. Vì thế, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình hành động nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và cũng như kêu gọi các tổ chức, chính phủ hỗ trợ cho người nông dân

Nguồn: thesaigontimes.vn

 

Heo nhập lậu ồ ạt vào Việt Nam, người chăn nuôi cầu cứu Thủ Tướng

Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai mong Chính phủ có giải pháp bảo vệ heo nội địa trước việc nhập lậu ồ ạt từ Campuchia, ảnh hưởng tới tiêu thụ trong nước và nguy cơ dịch bệnh.

Trong đơn gửi tới Thủ tướng mới đây, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết 2 tuần đầu năm, mỗi đêm có 6.000-7.000 con heo từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam. Theo tính toán của hiệp hội này, số lượng heo nhập lậu đang chiếm khoảng 30% sản lượng chăn nuôi trong nước bán ra mỗi ngày. Với giá bán chỉ trên dưới 50.000 đồng một kg heo hơi, khiến người chăn nuôi trong nước thua lỗ vì phải bán dưới giá thành sản xuất.

Ngoài ra, hiệp hội cho rằng heo nhập lậu tràn lan làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tương lai, đàn heo nội địa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng gây thiếu hụt nguồn cung trong nước.

"Nhiều năm qua, ngành chăn nuôi trong nước đã chịu áp lực từ dịch bệnh Covid-19, dịch tả heo Châu Phi ... nên thua lỗ liên miên. Nhiều trang trại hoặc hộ chăn nuôi phải giảm đàn, ngưng sản xuất", ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nêu trong đơn.

Do đó, hiệp hội này kiến nghị Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng lập các đoàn công tác kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán trái phép heo vào Việt Nam trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn. Đồng thời, nhà chức trách chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân khu vực biên giới trong công tác phòng, chống dịch, gian lận thương mại, cũng như hỗ trợ việc tiêu hủy khi có số lượng lớn heo buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Trước đó, trong năm 2023, hiệp hội này đã 2 lần kiến nghị Thủ tướng về tình trạng heo nhập lậu ồ ạt vào Việt Nam. Trong đó, hiệp hội cũng từng gửi tâm thư tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng mong muốn có những chính sách cứu nguy khẩn cấp cho ngành chăn nuôi.

Theo hiệp hội, cách đây 10 năm, cả nước có 10 triệu hộ chăn nuôi, đến 2021 còn 4 triệu hộ, nay còn không tới 2 triệu hộ. Nếu không sớm ngăn chặn nhập lậu và có các giải pháp đồng bộ, nhiều vùng có nguy cơ bị xóa sổ về chăn nuôi.

Ghi nhận của VnExpress cho thấy, từ tháng 10/2023 đến nay, giá heo hơi liên tục giảm mạnh về 46.000 đồng một kg, thấp hơn so với giá thành 8.000-10.000 đồng, điều này khiến nhiều hộ nuôi heo lâm cảnh khó khăn.

Vài ngày gần đây, giá heo hơi đã bắt đầu tăng trở lại nhưng nhiều khu vực vẫn còn ở mức thấp, dao động 52.000-58.000 đồng một kg.

Nguồn: vnexpress.net

 

Chuyện hiếm dịp cận Tết, giá thịt lợn trong siêu thị rẻ hơn ở chợ

Cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giá lợn có xu hướng tăng cao. Thế nhưng, một số hệ thống siêu thị lại bất ngờ bán thịt lợn với mức giá rẻ hơn cả ở các chợ truyền thống.

Đầu giờ chiều trên đường đi làm về, bà Nguyễn Thị Xuân ở Trần Điền (Thanh Xuân, Hà Nội) tranh thủ vào siêu thị mini gần nhà mua mấy lạng thịt lợn để tối làm món thịt kho tàu. Sau khi xem giá, bà bất ngờ vì nhiều loại thịt lợn bán tại siêu thị có giá rẻ hơn cả ngoài chợ. 

Cầm trên tay khay thịt đùi lợn, bà Xuân xem thấy giá chỉ hơn 76.000 đồng/kg. Mức giá này rẻ hơn khoảng 20.000 đồng/kg so với giá thịt bán ngoài chợ truyền thống.

“Bình thường tôi hay mua thịt lợn ngoài chợ vì nghĩ trong siêu thị giá đắt hơn. Nay tiện đường đi làm về sớm tôi tạt vào siêu thị mua do đầu giờ chiều chợ chưa mở bán. Ai ngờ, giá thịt ở siêu thị tương đối rẻ”, bà nói.

Nhiều hệ thống siêu thị đang giảm giá sâu các mặt hàng thịt lợn (Ảnh: Anh Nguyễn)

Thực tế, thịt lợn bán trong siêu thị luôn có nền giá cao hơn giá bán ngoài chợ.

Theo các doanh nghiệp, nếu ở ngoài chợ truyền thống, thịt lợn sau khi giết mổ có thể đem thẳng ra sạp bán thì tại siêu thị, khi giết mổ xong phải đóng khay, bảo quản mát, kiểm tra vệ sinh an toàn, kiểm dịch, đóng thuế... Chưa kể, mặt hàng thịt lợn mát sản xuất theo chuỗi khép kín, có công nghệ riêng nên có mức giá cao hơn. 

Song, những ngày cận kề Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, một số hệ thống siêu thị tung hàng loạt chương trình giảm giá sâu sản phẩm thịt lợn để kích cầu tiêu dùng.

Đơn cử, hệ thống Wincommerce (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Winmart/Winmart+) giảm giá 20-28% một số sản phẩm thịt lợn mát MEATDeli cho khách hàng hội viên, áp dụng từ 11/1-8/2. 

Theo đó, tại khu vực miền Bắc, thịt đùi lợn giảm còn 76.248 đồng/kg; khu vực miền Nam giá giảm về mức 84.888 đồng/kg. Thịt vai giá từ 128.900-135.900 đồng/kg giảm còn 92.808-97.848 đồng/kg tuỳ khu vực. 

Bắp giò xông khói loại 300 gram giá 110.000 đồng/cây giảm về mức 77.000 đồng/cây; giò lụa lá chuối giá 244.500 đồng/kg nay chỉ còn 180.000 đồng/kg...

Hệ thống siêu thị của Central Retail cũng tung ra chương trình lễ hội thịt lợn để bình ổn thị trường hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán. Chương trình này áp dụng tại hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market trên toàn quốc, kéo dài đến hết ngày 24/1, áp dụng đối với khoảng 40 sản phẩm thịt lợn tươi chủ lực.

Cụ thể, tại siêu thị GO!, Big C, Tops Market miền Bắc, giá thịt ba chỉ CP VietGAP giảm còn 139.000 đồng/kg; thịt vai và đùi giá 99.000 đồng/kg; bắp giò không xương 125.000 đồng/kg, thịt lợn xay 89.000 đồng/kg. 

Giá thịt lợn ngoài chợ dịp cận Tết Nguyên đán lại tăng khá mạnh. (Ảnh: Anh Nguyễn)

Ở khu vực miền Nam, giá thịt ba chỉ tại hệ thống này giảm về mức 115.000 đồng/kg; thịt vai và đùi, cốt lết có giá 89.000 đồng/kg; sườn non giá 215.000 đồng/kg...

Thương hiệu thịt lợn Vissan giảm giá 10-20% cho một số mặt hàng thịt lợn áp dụng đến hết ngày 31/1. Ngoài giảm giá kéo dài, ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng giám đốc Vissan - cho biết, từ 6-9/2 (tức 27-30 tháng Chạp) công ty sẽ có các chương trình giảm giá sốc dành cho khách hàng mua sắm Tết trễ với giá ưu đãi 10-30% tuỳ sản phẩm.

Tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra của Saigon Co.op cũng giảm giá từ 15-20% cho các sản phẩm thịt lợn dịp này.

Trái với mức giá giảm mạnh tại các siêu thị lớn, ở chợ truyền thống giá nhiều mặt hàng thịt lợn lại tăng thêm 10.000-20.000 đồng/kg khi Tết Nguyên đán cận kề. 

Ở chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), thịt ba chỉ và sườn lợn có giá 140.000 đồng/kg; thịt vai, mông sấn có giá 120.000 đồng/kg; chân giò và nạc thăn giá 130.000 đồng/kg; sườn non giá 190.000 đồng/kg...

Các tiểu thương bán thịt lợn tại chợ cho biết, những ngày gần đây giá lợn hơi tăng khá mạnh nên giá thịt lợn ngoài chợ cũng được điều chỉnh tăng theo.

Hiện, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc tăng lên mức 56.000-58.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam dao động trong khoảng 50.000-56.000 đồng/kg.

Xu hướng tăng giá lợn hơi được dự báo tiếp tục diễn ra, bởi nguồn cung đang thấp so với nhu cầu cao điểm mùa Tết Nguyên đán. 

Ngoài giá lợn hơi ở thị trường tự do, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán lợn hơi lên mức 55.000-58.500 đồng/kg, tuỳ khu vực.

Nguồn: vietnamnet.vn