CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 15/12/2023

10:45 15/12/2023

Sầu riêng Việt đắt hàng ở Trung Quốc; - Triệu tấn cam bưởi đổ bộ, có loại cam giá mỗi kg chỉ bằng cốc trà đá; - Xuất khẩu gạo thuận lợi nhưng cần nâng chất lượng; - Giá bò, heo hơi giảm mạnh cuối năm.

Sầu riêng Việt đắt hàng ở Trung Quốc

Xuất khẩu chính ngạch từ năm ngoái, sầu riêng Việt Nam được thị trường Trung Quốc đón nhận mạnh mẽ với hàng chục container thu mua mỗi ngày.

Bằng Tường - cảng nhập khẩu sầu riêng lớn nhất Trung Quốc tại Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây) - từng xử lý sầu riêng nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan. Tuy nhiên, kể từ khi sầu riêng tươi của Việt Nam được tiếp cận chính thức thị trường Trung Quốc năm ngoái, cảng này tiếp nhận rất nhiều hàng từ Việt Nam.

Tang Shan, Cục trưởng Hải quan Cảng Bằng Tường, cho biết thời gian gần đây, sầu riêng đang trái vụ nhưng mỗi ngày có hơn 30 container từ Việt Nam nhập khẩu qua cảng.

Dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, 10 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang nước này đạt gần 1,94 tỷ USD, tăng 31 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nong Liqing, Tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu có trụ sở tại thành phố Bằng Tường, đơn vị nhập hàng chục container mỗi ngày, cho biết đến tháng 12 này, công ty đã nhập hơn 1.600 container sầu riêng. "Năm nay, ngoài hàng Thái, chúng tôi bắt đầu nhập nhiều sầu riêng từ Việt Nam", ông Nong chia sẻ.

Fu Jing, thương buôn ở tỉnh Quý Châu đã kinh doanh trái cây nhập khẩu hơn 10 năm, cũng cho hay thời gian gần đây, sầu riêng Việt Nam trở thành lựa chọn mới của bà. "Sầu riêng Thái Lan thường chín vào nửa đầu năm, trong khi sầu riêng Việt Nam vào nửa cuối năm, đã lấp đầy khoảng trống trên thị trường", bà nói.

Fang Chuangquan bán trái cây ở Bằng Tường cho biết bắt đầu nhập khẩu sầu riêng Việt Nam năm ngoái. "Loại này bán chạy nhất trong số các loại trái cây nhập khẩu. Chúng tôi bán trực tiếp và trực tuyến. Sau đó, chúng sẽ được đưa đi khắp đất nước", thương nhân này nói.

Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc rất lớn. Năm ngoái, thị trường này nhập khẩu 825.000 tấn sầu riêng. Kim ngạch mặt hàng này đứng đầu trong số các loại trái cây nhập khẩu của Trung Quốc, đạt 4,03 tỷ USD, theo số liệu hải quan.

Năm 2022, sầu riêng Việt Nam - với mùa thu hoạch dài và giá thấp hơn - đã được tiếp cận thị trường Trung Quốc theo khuôn khổ Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Nước này hiện là thị trường xuất khẩu sầu riêng chính của Việt Nam.

Wang Zhengbo, Chủ tịch một công ty trái cây có trụ sở tại Quảng Tây cho hay công ty ông năm ngoái đã ký hợp đồng với các trang trại Việt Nam có diện tích gần 3.000 ha. "Chúng tôi có kế hoạch nhập khẩu hơn 3.000 container, tương đương 60.000 tấn sầu riêng Việt Nam năm nay", Wang cho biết.

Đồng Quang Hải, doanh nhân Việt Nam đã trồng sầu riêng hàng chục năm, cũng nhìn nhận sầu riêng là một trong những loại trái cây phổ biến nhất ở Trung Quốc, có nhu cầu tiêu dùng cao và tiềm năng thị trường rất lớn.

Hiện Bằng Tường trở thành cảng đất liền sầm uất và thuận tiện nhất cho việc trao đổi hàng hóa qua biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đây cũng là cảng đất liền lớn nhất xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc, với gần 300 xe tải vận chuyển sầu riêng, thanh long, mít và các loại trái cây khác làm thủ tục hải quan mỗi ngày lúc cao điểm.

Dữ liệu từ Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) cho biết 10 tháng đầu năm, giá trị trái cây nhập khẩu từ Việt Nam qua cảng Bằng Tường là 11,71 tỷ nhân dân tệ (1,64 tỷ USD) tăng gần 638%. Riêng giá trị nhập khẩu sầu riêng qua cảng này đạt 11,19 tỷ nhân dân tệ (1,57 tỷ USD) tăng hơn 3.000% so với cùng kỳ 2022.

Ngoài Bằng Tường, cảng Hà Khẩu ở tỉnh Vân Nam cũng đã trở thành cảng nhập khẩu sầu riêng nổi tiếng ở Trung Quốc.

Yao Qi, nữ cảnh sát tại trạm kiểm tra biên giới xuất nhập cảnh Hà Khẩu, cho biết nhập khẩu sầu riêng tăng đáng kể đã thu hút nhiều người đến cảng thành lập chi nhánh hoặc văn phòng tại quận nơi có cảng.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày cảng có khoảng 700 lượt xe ra vào. Theo Yao, nước này đã thiết lập luồng xanh để thông quan nhanh chóng các sản phẩm nông nghiệp và phụ phẩm, đồng thời liên tục tối ưu hóa quy trình thông quan. "Quy trình thông quan thuận lợi tại cảng cũng là lý do quan trọng để lựa chọn sầu riêng Việt Nam", bà Fu Jing đánh giá.

Việc Trung Quốc chuộng sầu riêng Việt Nam giúp giá mặt hàng này luôn duy trì mức cao. Hiện, giá sầu riêng của Việt Nam bán tại vườn cho hàng loại 1 là 130.000 đồng với Monthong, 110.000 đồng với Ri 6. Còn hàng loại 2,3 có giá 60.000-90.000 đồng một kg.

Dẫu vậy, đi cùng với nhu cầu tiêu thụ lớn thì mức độ cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc cũng ngày càng tăng.

Sầu riêng Việt Nam có lợi thế về giá và thời gian vận chuyển, chỉ mất khoảng 2 ngày so với 7 ngày từ Thái Lan, nhưng các nhà cung cấp khác cũng có thế mạnh riêng. Thái Lan giữ ưu thế về sản lượng, là nhà cung cấp sầu riêng nhập khẩu chính cho Trung Quốc với khoảng 85% thị phần. Nước này đang chuyển sang vận chuyển bằng tàu cao tốc Lào - Trung Quốc để rút ngắn thời gian vận chuyển.

Hiện sầu riêng Thái không cạnh tranh trực tiếp hoàn toàn với Việt Nam vì có mùa vụ lệch, nhưng sầu riêng tươi Philippines lại khá tương đồng. Nước này đang cung cấp sầu riêng ra thị trường từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Dù mới tham gia xuất sầu riêng tươi từ tháng 4/2023, Philippines đặt mục tiêu xuất ít nhất 54.000 tấn sang Trung Quốc năm nay.

Ở phân khúc cao cấp, Malaysia đã xuất khẩu múi sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc từ 2011. Đến 2018, họ được phép xuất sầu riêng nguyên trái đông lạnh sang Trung Quốc. Dự kiến sầu riêng tươi Malaysia có thể thâm nhập thị trường tỷ dân này vào năm sau, trở thành nguồn cung sầu riêng tươi thứ tư cho Trung Quốc.

Ngoài các đối thủ này, về dài hạn, thị trường Trung Quốc sẽ còn có sầu riêng nội địa, hiện đã có thu hoạch . Theo một số thương nhân, doanh nhân Trung Quốc đã đầu tư trồng sầu riêng tại Campuchia thời gian qua. Do đó, có nhiều triển vọng Campuchia sẽ là quốc gia tiếp theo được cấp phép xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.

Nguồn: vnexpress.net

Triệu tấn cam bưởi đổ bộ, có loại cam giá mỗi kg chỉ bằng cốc trà đá

Những tháng cuối năm là chính vụ thu hoạch cam, bưởi ở nước ta với sản lượng ước khoảng gần 1,5 triệu tấn. Hai loại trái cây này đang dội chợ với giá bán siêu rẻ, có loại giá chỉ 2.000-4.000 đồng/kg.

Giá bấp bênh, 1kg cam bằng cốc trà đá

Cam và bưởi là cây ăn quả chủ lực của nước ta. Năm nay, sản lượng của hai loại trái cây có múi này ước đạt gần 2,9 triệu tấn. Trong đó, bưởi khoảng 1,03 triệu tấn, cam ước đạt 1,84 triệu tấn. Đáng chú ý, do có nhiều vùng trồng trải khắp từ Bắc vào Nam nên cam, bưởi gần như được thu hoạch quanh năm.

Hiện, trái bưởi của Việt Nam đã xuất khẩu sang một số thị trường như Mỹ, Anh và New Zealand. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group, cho biết, tại thị trường Mỹ, bưởi Việt có giá 9 USD (khoảng 220.000 đồng/kg). Theo ông, lượng bưởi xuất khẩu sang thị trường này đang tăng dần. Tương tự, cam cũng bắt đầu được xuất khẩu sang một số thị trường.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của cam và bưởi còn khá khiêm tốn so với các loại trái cây chủ lực khác của nước ta. Thế nên, áp lực tiêu thụ tại thị trường nội địa vẫn rất lớn. Chưa kể, nước ta cũng nhập khẩu lượng lớn cam, bưởi từ nhiều quốc gia.

Quý IV/2023 là thời điểm chính thu hoạch cam và bưởi với sản lượng ước gần 1,5 triệu tấn. Những ngày này một số loại cam, bưởi có giá bán siêu rẻ bởi hàng dội chợ.

Tại tỉnh Vĩnh Long - thủ phủ cam sành lớn nhất ĐBSCL, giá cam sành trong những ngày qua chạm đáy, chỉ 2.000-3.000 đồng/kg. 

Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), cho biết, đang là mùa thuận nên giá cam rất bấp bênh. Những hộ trồng cam sành có liên kết bán được giá 4.000-5.000 đồng/kg, còn những hộ trồng bên ngoài có lúc bán giá 1.000-2.000 đồng/kg. 

Chi phí sản xuất cam sành khoảng 350 triệu đồng/ha. Thế nên, giá này nông dân chịu lỗ khá nặng.

Tại TP.HCM, nhiều người chung tay bán cam sành hỗ trợ bà con nông dân Vĩnh Long với giá chỉ 6.000 đồng/kg. Còn ở Hà Nội, cam sành chỉ 9.000-10.000 đồng/kg tùy loại, thậm chí một số cửa hàng rao bán cam sành hữu cơ nhưng giá cũng chỉ 13.000 đồng/kg.

Không chỉ cam sành, trên thị trường nhiều nơi bán bưởi da xanh với giá 10.000-20.000 đồng/kg hoặc bán theo quả với giá phổ biến khoảng 20.000-30.000 đồng/quả. Đây là mức giá tương đối rẻ, bởi dịp giữa năm bưởi danh xanh có giá từ 30.000 đồng/kg trở lên, bán theo quả giá dao động từ 45.000-60.000 đồng/kg.

Chị Phạm Như Thanh - đầu mối bán trái cây ở Cầu Giấy (Hà Nội) - thừa nhận, dịp này giá cam và bưởi rất rẻ. Tại cửa hàng của chị, cam sành miền Tây 9.000 đồng/kg, bưởi danh xanh hàng Vip 1,3-2 kg/quả có giá 14.000 đồng/kg.

Bưởi Diễn trọng lượng 0,7-1kg/quả giá 150.000 đồng/bao 30 quả (5.000 đồng/quả); bưởi Diễn trọng lượng 0,4-0,7 kg/quả có giá 60.000 đồng/bao 20 quả (3.000 đồng/quả).

Một số đầu mối cũng đang rao bán bưởi Diễn trồng ở Hoà Bình, Tuyên Quang... với giá 6.000-9.000 đồng/quả áp dụng cho hàng trọng lượng trên 0,8kg/quả. Trọng lượng dưới 0,7kg/quả giá dao động trong khoảng 3.000-4.000 đồng/quả.

Tăng chất lượng, người trồng vẫn lãi tiền tỷ

Thực tế, vài năm trở lại đây, giá cam và bưởi khá bấp bênh. Như ở Vĩnh Long, cam sành rớt giá đã thành “điệp khúc”. Nguyên nhân là do ồ ạt trồng dẫn đến cung vượt cầu.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), từng cho biết, sẽ không có quy hoạch cụ thể diện tích các loại cây trồng. Bộ chỉ cảnh báo, hay đưa ra định hướng phát triển từng loại cây trồng thông qua các đề án, chiến lược,... sao cho phù hợp với cung cầu và thị hiếu của thị trường.

Cam, bưởi giá ngày càng rẻ cũng là hậu quả nhãn tiền khi nông dân ồ ạt mở rộng diện tích, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc HTX Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn, Bắc Giang), cho biết, giá cam và bưởi phụ thuộc vào chất lượng nên trên thị trường luôn có loại giá rẻ cũng có loại giá đắt.

HTX của ông có 15 ha trồng các loại bưởi Diễn, cam Vinh và cam Canh. Ngoài ra còn liên kết sản xuất khoảng hơn 100 ha với các hộ dân trong vùng. 

Từ năm 2018, HTX đã ký kết hợp đồng với các hệ thống siêu thị lớn. Theo đó, các hộ dân của HTX trồng cam và bưởi theo đúng tiêu chuẩn và chất lượng của phía siêu thị yêu cầu. Đến mùa thu hoạch, cam và bưởi đều được bao tiêu với giá ổn định. 

Năm nay, bưởi Diễn của HTX xuất bán được với giá 15.000 đồng/quả, cam Vinh có giá 18.000 đồng/kg, cam Canh giá từ 45.000-50.000 đồng/kg.

Với mức giá này, 1 ha trồng bưởi Diễn cho doanh thu khoảng 300 triệu đồng, cam Vinh cho thu 300-400 triệu đồng/ha, còn cam Canh đạt doanh thu 500-600 triệu đồng/ha. Trừ chi phí, nông dân lãi một nửa. Theo ông Dũng, khi liên kết sản xuất, giá cả ổn định, nông dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm, thu nhập cũng tốt hơn rất nhiều.

Tại xã Đồng Thành (Yên Thành, Nghệ An), các hộ đều sản xuất theo quy trình sạch, được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Cam đến kỳ thu hoạch được xuất bán vào các siêu thị ở Vinh, Hà Nội, TP.HCM.

Cam Vinh ở Yên Thành cũng có thương hiệu riêng, thị trường cũng rất ổn định, tiêu thụ tốt. Mỗi vụ hàng nghìn tấn cam được thu hoạch, người trồng cam Vinh thu lãi vài trăm triệu đến tiền tỷ mỗi năm.

Nguồn: vietnamnet.vn

Xuất khẩu gạo thuận lợi nhưng cần nâng chất lượng

Dự báo nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục thuận lợi nhưng cần nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng.

Tại hội thảo thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới, tổ chức tại tỉnh Hậu Giang ngày 13-12, ông Lê Thanh Hòa - phó cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết thị trường xuất khẩu gạo số một của Việt Nam vẫn là Philippines, chiếm khoảng 35% thị phần xuất khẩu.

Trong 11 tháng năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang nước này đạt 2,63 triệu tấn, tương đương 1,41 tỉ USD; kế đến là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi. Giá xuất khẩu thời điểm cao nhất được ghi nhận vào tháng 10-2023, đạt 640 USD/tấn nhưng có một số doanh nghiệp có thể đạt thỏa thuận sát ngưỡng 800 USD/tấn.

Dự báo về thị trường xuất khẩu cuối năm và nửa đầu năm 2024, ông Hòa cho rằng tình hình tiếp tục thuận lợi tuy nhiên cần tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng.

 

Có ý kiến tại hội thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi cho rằng Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới.

Ông dẫn chứng giai đoạn 2018-2023 tăng trưởng sản lượng lúa thế giới chỉ 0,8% trong khi tăng trưởng tiêu thụ là 1,25% cho nên nhu cầu lúa gạo đã cao hơn so với nguồn cung. Đồng thời nguồn cung thế giới tiếp tục gặp thách thức do dân số tăng, biến đổi khí hậu…

Trong khi đó, ông V Subramanian - chuyên gia nghiên cứu thị trường Công ty SSRESOURCE MEDIA (Singapore) - nhận định việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu thì năm 2024 thị trường có những phản ứng có lợi cho lúa gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, ông khuyến nghị để cập nhật được thông tin về thị trường có thể khai khác từ nhiều nguồn mở trên Internet. Qua đó có thể hiểu được quan hệ cung - cầu trong thời gian tới, hiểu được về xu hướng giá của lúa gạo…

Nguồn: tuoitre.vn