CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 14/11/2023

10:45 14/11/2023

Giá gạo Việt xuất khẩu đắt nhất thế giới, vừa mừng vừa lo; - Sầu riêng trái vụ khan hiếm, thương lái vào tận vườn tranh mua; - Xuất khẩu rau quả năm 2023 có thể thu về 6 tỷ USD.

 

Giá gạo Việt xuất khẩu đắt nhất thế giới, vừa mừng vừa lo (10/112023)

Vượt qua top các quốc gia xuất khẩu lớn, giá gạo Việt đang đắt nhất thế giới. Song, chuyên gia cảnh báo rủi ro với mặt hàng này của nước ta khi giá tăng quá cao.

Giá gạo tăng cao

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, hôm 8/11, giá gạo 5% tấm của Việt Nam neo ở ngưỡng 653 USD/tấn, gạo Thái Lan ở mức 565 USD/tấn và Pakistan là 568 USD/tấn.

Với gạo 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam có giá 643 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan và Pakistan lần lượt là 526 USD/tấn và 488 USD/tấn.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 2/11, giá gạo xuất khẩu của nước ta lập kỷ lục lịch sử mới khi vọt lên 663 USD/tấn với hàng 5% tấm và 648 USD/tấn với hàng 25% tấm.

Hiện, giá gạo Việt vượt xa so với hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan 88 USD/tấn, hơn hàng Pakistan 85 USD/tấn; gạo 25% tấm của nước ta giá cũng cao hơn hàng Thái Lan 117 USD/tấn, hơn hàng Pakistan 155 USD/tấn. 

So với các quốc gia xuất khẩu top đầu, gạo Việt Nam đang có giá đắt đỏ nhất thế giới. Tại thị trường nội địa, theo cập nhật tuần mới nhất (26/10-2/11) từ VFA, giá lúa gạo tiếp đà tăng mạnh. Theo đó, giá lúa thường tại ruộng tăng lên mức 8.757 đồng/kg, lúa thường tại kho giá 10.033 đồng/kg, gạo xát trắng loại 1 có giá 15.775 đồng/kg, gạo 5% tấm là 15.636 đồng/kg, loại 15% tấm giá 15.408 đồng/kg, loại 25% tấm cũng tăng lên mức 15.033 đồng/kg. 

Theo các doanh nghiệp trong ngành, đây là mức giá cao nhất trong lịch sử ngành lúa gạo, đồng thời dự báo giá mặt hàng lương thực này sẽ còn tăng thêm khi nguồn cung không còn nhiều.

Trao đổi với PV.VietNamNet xung quanh câu chuyện giá gạo Việt đắt đỏ nhất thế giới, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng đó là điều dễ hiểu. Bởi, thời gian qua, chúng ta đã tận dụng được thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu. Nguồn cung gạo của nước ta luôn ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; chất lượng hạt gạo Việt dần được cải thiện trong những năm qua.

Những yếu tố trên đẩy giá gạo Việt tăng mạnh, vượt xa các đối thủ cạnh tranh.

Theo ông Xuân, giá gạo tăng cao khẳng định được chất lượng của gạo Việt trên thị trường thế giới, thu nhập của người nông dân trồng lúa cũng được cải thiện.

Cảnh báo nguy cơ mất thị trường 

Tuy nhiên, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch VFA - lại nhìn nhận, giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế. Vì khi đó, khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn với chất lượng tương đương. Đơn cử gạo Thái Lan, chất lượng gạo cũng như vậy nhưng giá đang thấp hơn gạo Việt. Từ đó, dẫn đến nguy cơ bị mất thị trường gạo thơm (DT8, OM 5451... ).

Ví như các gói thầu của Bulog (Indonesia), doanh nghiệp Việt Nam hầu như không thắng thầu do giá gạo trong nước đang rất cao, và loại Bulog gọi thầu là gạo 5% tấm đang khan hiếm.

Theo ông Nam, giá gạo tăng cao thường do tác động của các bên trong chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp ngành hàng này gặp không ít khó khăn vì thói quen ký hợp đồng xuất khẩu với thời gian giao hàng xa từ 1-3 tháng. Nay, giá gạo tăng cao, doanh nghiệp vẫn phải gom mua để trả đơn hàng xuất khẩu. Một số doanh nghiệp tiềm lực yếu phải hủy hợp đồng, ảnh hưởng đến uy tín.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn cũng thừa nhận rủi ro khi giá gạo ở nước ta quá cao. Bởi, với một số thị trường, ngưỡng chịu đựng của người tiêu dùng chỉ ở một mức nhất định. Khi giá quá cao, họ buộc phải tìm đến nguồn hàng khác có chất lượng tương đương nhưng giá thấp hơn. Do đó, doanh nghiệp Việt rất dễ mất những thị trường này.

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn ước tính, năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 4,5 tỷ USD. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay và là năm thắng lợi xuất khẩu gạo của Việt Nam. 

Đơn vị này dự báo, năm 2024 còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao, khó giảm xuống dưới 640-650 USD/tấn. Lý do bởi nguồn cung gạo trên toàn cầu khan hiếm, trong khi các quốc gia tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trước những biến động khó lường. 

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, các vựa lúa gạo ở châu Á bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu (hạn hán, mưa lũ) dẫn đến sản lượng mặt hàng lương thực này sụt giảm. Còn Việt Nam lợi thế trồng được 3 vụ lúa một năm. Trong đó, có vùng trồng 1,5 triệu ha không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên đảm bảo vấn đề an ninh lương thực. Các vùng trồng khác ở Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng hạn mặn, song chúng ta có các giống lúa ngắn ngày cùng kinh nghiệm né hạn mặn nên sản lượng lúa vẫn ổn định. Do vậy, Việt Nam luôn có lượng gạo lớn để xuất khẩu với giá tốt trong năm 2024.

Nguồn: Vietnamnet.vn

 

Sầu riêng trái vụ khan hiếm, thương lái vào tận vườn tranh mua

Tiền GiangThương lái thuê "cò" vào tận vườn săn lùng sầu riêng nghịch vụ đang khan hiếm với giá 135.000-145.000 đồng mỗi kg.

"Thủ phủ" sầu riêng Tiền Giang những ngày này nhộn nhịp cảnh nhân công vào vườn thu hoạch. Sầu riêng sau khi hái sẽ được gánh hoặc đẩy bằng xe cút kít đến điểm tập kết. Do đường quê nhỏ hẹp, sầu riêng tiếp tục được cho vào các giỏ xách, chở bằng xe máy ra đường lớn, lên xe tải về kho phân loại.

Đang đầu vụ nghịch mùa, sản lượng sầu riêng còn hạn chế nên cách một tuần trước khi thu hoạch, các thương lái địa phương đều vào tận vườn đặt cọc thu mua với giá 135.000-145.000 đồng một kg.

Anh Phan Minh Quân, thương lái tại thị xã Cai Lậy cho biết mỗi ngày, nơi này thu mua từ 2 đến 5 tấn sầu riêng ở Cai Lậy, Cái Bè và Chợ Lách (Bến Tre) với giá cao nhất 135.000 đồng mỗi kg.

Ngoài ra, để đủ nguồn hàng, các thương lái còn thuê "cò" là những người dân địa phương vào vườn tìm mua sầu riêng với mức phí 1.000-1.500 đồng mỗi kg.

Ông Nguyễn Văn Linh, 55 tuổi (Phú Quý, thị xã Cai Lậy) cho biết gia đình có 4.000 m2 (4 công) sầu riêng giống Monthong 8 năm tuổi. Hai vụ trước, ông đều trồng sầu riêng nghịch mùa cho năng suất cao, 4 công đạt khoảng 10 tấn quả, bán với giá từ 70.000-85.000 đồng một kg. Trừ chi phí, gia đình ông thu lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng một vụ.

Năm nay, ông cho rằng do thời tiết mưa nhiều vào ban đêm nên việc xử lý ra hoa rất khó khăn, 4 công sầu riêng chỉ đạt năng suất 8-8,5 tấn. Tuy nhiên, do năm nay nguồn hàng khan hiếm, sầu riêng của vườn ông được thu mua với giá 130.000 đồng một kg, gần gấp đôi so với những năm trước.

"Trừ chi phí phân thuốc, công chăm sóc khoảng 200 triệu đồng, gia đình tôi lãi khoảng 900 triệu đồng cho vụ này", ông Linh nói.

Các nhà vườn cho biết trước đây thường trồng sầu riêng thuận mùa. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích cây trồng này trong vùng lẫn các nơi khác tăng cao, nhiều nhà vườn vì thế đã thay đổi "chiến thuật" sang trồng nghịch vụ, dù kỹ thuật xử lý phức tạp, nhiều bất lợi do thời tiết, bù lại sẽ bán được giá cao hơn.

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tiền Giang, cũng nhìn nhận do thời tiết bất lợi nên sản lượng sầu riêng vụ này không đạt như các năm trước.

"Nhưng do sầu riêng miền Đông đã hết vụ, cao điểm thu hoạch nghịch vụ còn khoảng một tháng nữa dẫn đến khan hiếm nguồn hàng. Sầu riêng vì thế có giá cao", ông Men lý giải.

Cũng theo ông, do giá tăng vọt, thời gian qua một số nơi có tình trạng nông dân lẫn thương lái thu hoạch sầu riêng "non", không đạt tiêu chuẩn. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tiền Giang đã có nhiều văn bản khuyến cáo nhà vườn lẫn đơn vị thu mua không vì lợi ích trước mắt làm ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín của sầu riêng địa phương.

Tiền Giang có gần 18.000 ha sầu riêng, tập trung chủ yếu tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy. Trong đó, hơn 10.000 ha đã cho trái với năng suất trung bình đạt 26,4 tấn một ha, sản lượng gần 300.000 tấn mỗi năm. Sầu riêng Tiền Giang đã được cấp 72 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 2.600 ha.

Thời điểm từ đây đến tháng 1 năm sau, nông dân sẽ thu hoạch sầu riêng nghịch vụ với sản lượng bình quân 200.000 tấn.

Nguồn: vnexpress

 

Xuất khẩu rau quả năm 2023 có thể thu về 6 tỷ USD

10 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,8 tỷ USD và dự kiến cả năm nay sẽ thu về 6 tỷ USD. Rau quả đang là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông sản Việt.

Xuất khẩu rau quả duy trì đà tăng trưởng

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 10/2023 đạt 608,8 triệu USD, giảm 8,8% so với tháng 9/2023, nhưng tăng 99,8% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 4,8 tỷ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu rau quả tiếp tục là điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa của cả nước, mặc dù tháng 10/2023 giảm so với tháng 9/2023, nhưng vẫn tăng rất mạnh so với tháng 10/2022. Điều này góp phần nâng trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt khoảng 5,8 đến 6 tỷ USD trong năm 2023.

Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 10 tháng năm 2023 và có tốc độ tăng trưởng rất cao, đạt 3,2 tỷ USD, tăng 164,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài thị trường Trung Quốc, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Hà Lan, UAE cũng tăng đáng kể trong 10 tháng năm 2023. 

Đáng chú ý, trong báo cáo mới nhất từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong tháng 10/2023 có thể đạt mức cao kỷ lục từ 450 - 500 triệu USD. Lũy kế 10 tháng năm 2023, giá trị sầu riêng xuất khẩu lên tới 2,2 tỷ USD.

Với kết quả trên, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo trong hai tháng cuối năm, nước ta có thể thu về khoảng 200 - 300 triệu USD từ xuất khẩu sầu riêng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm lên 2,4 - 2,5 tỷ USD.

Cùng với sầu riêng, bưởi cũng trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu rau quả bởi theo số liệu sơ bộ từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong năm 2023, bưởi đã ghi danh là loại quả có kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu trái bưởi đạt 29,6 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ 2022, mức tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.

Kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm

Dù tình hình xuất khẩu rau quả đang ghi nhận những điểm sáng nổi bật, tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần kiểm soát tốt chất lượng các mặt hàng, bảo đảm chặt chẽ các quy định về phía nhập khẩu.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm mít, thanh long…

Năm nay, đã có một số thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân và áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.

Do đó, các doanh nghiệp và các địa phương cần kiểm soát tốt chất lượng để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu.

Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm dịch từ các thị trường nhập khẩu. Có như vậy, ngành hàng rau quả và xuất khẩu rau quả mới đạt được tăng trưởng bền vững trong những năm tới.

Đối với EU, trong 10 tháng vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra gần 3.900 cảnh báo về an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu, trong đó có 55 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm từ Việt Nam. Con số này đã giảm khoảng 15% so với năm 2022.

Rau quả là nhóm hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 23 trường hợp, tiếp đó là sản phẩm thủy sản, bánh kẹo và các sản phẩm chế biến khác. Trong đó vi phạm do dư lượng hóa chất chiếm cao nhất với gần 60%

Theo các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh, cứ 6 tháng một lần, EU sẽ rà soát tất cả doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm. Nếu chấp hành tốt các quy định, EU sẽ giảm tần suất kiểm tra, giảm quy định, thủ tục đối với nông sản, thực phẩm Việt Nam nhập vào.

Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản, thực phẩm quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường nhiều thách thức khi liên tục thay đổi các biện pháp về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật.

Do vậy vấn đề đặt ra lúc này là các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ những quy định để kịp thời điều chỉnh sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn mới. Đồng thời, các cơ quan hữu quan cũng cần đồng hành với doanh nghiệp trong chiến lược đưa hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này.

Theo ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, 10 tháng năm 2023, EU đã đưa ra 103 thông báo dự thảo lấy ý kiến các thành viên WTO về việc thay đổi các biện pháp về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật. Khi hàng hóa đến cảng nhập mà không đảm bảo các tiêu chuẩn nhà nhập khẩu đưa ra chỉ có 2 cách xử lý hoặc là trả về hoặc là tiêu hủy. Nguy cơ bị cảnh báo cũng đến từ quá trình vận chuẩn không đúng quy trình, đặc biệt là hàng nông sản tươi sống.

Ông Ngô Xuân Nam khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU muốn đáp ứng được tín hiệu thị trường thì phải nắm chắc, hiểu đúng các thông báo, dự thảo thông báo này để áp dụng vào thực tiễn. Bởi vì quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh, quy định SPS là quy định bắt buộc áp dụng.

Nguồn: congthuong.vn