CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Thông tin tổng hợp

Tận dụng thứ cây bỏ đi, nông dân xã Bình Thạnh vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường

10:15 10/04/2024

Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, bên cạnh những sản phẩm chính thu được thì khối lượng phụ, phế phẩm trồng trọt cũng rất lớn. Như vậy, những phụ, phế phẩm này nếu không được xử lý tốt, đúng cách sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Phụ, phế phẩm có thể tận dụng cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó sử dụng để chế biến thành thức ăn phục vụ cho việc chăn nuôi là hướng đi tích cực. Điển hình tại xã Bình Thạnh, trong quý I năm 2024, diện tích trồng bắp đạt gần 50ha; sau khi thu hoạch xong, người dân địa phương thường vứt bỏ hoặc đem đốt các loại thân, lá bắp già. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thạnh, ngụ tại ấp Thạnh Nhơn, xã Bình Thạnh lại kiếm cả trăm triệu đồng mỗi năm nhờ thứ thân cây này.

Từ sáng sớm, ông Nguyễn Văn Thạnh đã tất bật quanh địa bàn xã Bình Thạnh để thu gom và xử lý cả ngàn thân cây bắp. Sau đó, ông cắt nhỏ rồi ủ chua bằng cách lên men với bột ngô, men vi sinh và muối. Số bắp này ông dùng để xuất bán sang tỉnh Đồng Tháp cho các trang trại chăn nuôi bò. Ông Thạnh cho biết: “Nhìn thấy mỗi khi vào vụ thu hoạch, thân cây bắp thường bị nông dân bỏ đi hoặc dùng làm chất đốt gây ô nhiễm môi trường và tốn kém chi phí vận chuyển rác thải. Vì vậy, tôi nảy ra ý định và tiến hành đầu tư máy móc để cắt nhỏ và chế biến thân cây bắp thành thức ăn cho bò. Đây là nguồn thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, bò ăn vào sẽ phát triển tốt, giảm bớt chi phí chăn nuôi và bảo đảm nguồn phân hữu cơ phục vụ sản xuất”. Đặc biệt, số thức ăn này có thể dự trữ lâu ngày, nhất là thời điểm mùa khô, có thể kéo dài đến 4-5 tháng. Bên cạnh đó, phương pháp ủ cũng dễ dàng thực hiện, tận dụng các điều kiện sẵn có ở nơi chăn nuôi như bể xây, ô chuồng trống, thùng nhựa... sử dụng một số nguyên liệu trộn cùng rơm, sau đó nén chặt, không để không khí lọt vào. Ông Thạnh còn cho biết thêm: “Mỗi ngày tôi xuất bán được khoảng 02 tấn thân bắp đã được cắt nhỏ. Sau khi trừ đi tất cả chi phí, tôi có thể thu về khoảng 300-400 nghìn đồng/ngày.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh đánh giá: “Bình Thạnh có nhiều nguồn phụ phẩm nông nghiệp rất phong phú và đa dạng như: trấu, rơm rạ, thân cây bắp, chuối... Thay vì bỏ đi, nông dân ở địa phương đã biết tận dụng các loại phụ phẩm này để trồng nấm, làm nhiên liệu, nuôi trùn, phân bón, đặc biệt là làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí mà còn thu lợi nhuận cao. Trong đó, thân cây bắp sau thu hoạch có giá trị dinh dưỡng cao nhất trong tất cả các loại phụ phế phẩm từ ngũ cốc, và vì thế nó có tiềm năng lớn trong việc cải thiện dinh dưỡng cho gia súc. Theo kết quả nghiên cứu thì thân cây bắp sau thu hoạch có 25-26% chất khô; 32% xơ thô; 68,7% NDF; Tỷ lệ tiêu hoá chất hữu cơ: 53,3% và năng lượng trao đổi cho trâu bò: 7,46 MJ/kg chất khô. Do đó, việc làm của ông Nguyễn Văn Thạnh không chỉ giúp những người nông dân tiết kiệm được các chi phí xử lý phụ phẩm, tăng hiệu quả kinh tế mà còn góp phần giúp địa phương thực hiện Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới”.

Nhìn chung, giá thức ăn chăn nuôi đang có chiều hướng tăng cao, phương pháp tận dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp được người chăn nuôi ở các địa phương ứng dụng rộng rãi. Từ thân cây bắp, lõi, rơm, rau màu... người dân thái nhỏ, phơi khô, ủ chua, vừa có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, đầu tư thấp, mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, việc tận dụng phụ, phế phẩm trồng trọt phơi khô làm thức ăn cho gia súc là cách giúp người dân dự trữ trong thời gian dài, nhất là chủ động được nguồn thức ăn cho trâu, bò vào mùa mưa lạnh. Tuy nhiên, số hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn chế biến từ phụ, phế phẩm trồng trọt còn ít so với nhu cầu thực tế do người dân chưa nắm rõ kỹ thuật chế biến, phối trộn, bảo quản thức ăn… Để chế biến thức ăn chăn nuôi từ phụ, phế phẩm nông nghiệp đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, người dân cần nâng cao kỹ thuật xử lý phụ phẩm trồng trọt, từ cắt ngắn, phơi, sấy khô, nghiền nhỏ đến xử lý kiềm để gia súc dễ tiêu hóa, hay phương pháp ủ men chua để bảo quản thức ăn lâu mà không mất chất dinh dưỡng. Khi trộn cám, người chăn nuôi cần nắm vững kỹ thuật, lựa chọn nguyên liệu bảo đảm chất lượng, xác định được nhu cầu tỷ lệ dinh dưỡng với từng loại vật nuôi ở các giai đoạn khác nhau. Đồng thời, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu mô hình tận dụng phụ phẩm trồng trọt hiệu quả để người chăn nuôi học tập…

 

Hoa Võ

Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thanh huyện Châu Thành