CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Thông tin tổng hợp

Bệnh dại căn bệnh nguy hiểm chết người

10:45 21/03/2024

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 cả nước vẫn có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố, 674.888 người bị động vật cắn đã phải điều trị dự phòng bệnh Dại, tăng 45% so với năm 2022 (trong đó 80% trường hợp là do chó, 18% do mèo, còn lại do các loài động vật khác như khỉ, chuột, dơi); trong 2 tháng đầu năm 2024 đã có 18 người tử vong do bệnh Dại ở 14 tỉnh, thành phố, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023, số người phải điều trị dự phòng bệnh Dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Gần đây, tại tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra trường hợp dại chó cắn 14 học sinh và giáo viên trong trường học.

Đặc biệt trong tỉnh An Giang,  theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2023, có gần 35.200 người tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại do chó, mèo cắn; Riêng trong tháng 1/2024, có 3.754 người tiêm vaccine phòng dại, tiêm huyết thanh kháng dại do chó, mèo cắn. Hiện nay, tại huyện Châu Phú phát hiện 02 trường hợp cho bị bệnh Dại với kết quả dương tính, đã có 06 người bị phơi nhiễm và tiêm vắccine phòng Dại. Như vậy, nguy cơ dịch bệnh Dại tiếp tục xảy ra rất cao, đặc biệt khi thời tiết chuyển sang mùa hè nắng nóng, mầm bệnh lưu trú ngoài môi trường rất cao do việc di chuyển cơ học, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại trên chó mèo còn rất thấp chưa bảo đảm tỷ lệ bảo hộ cho đàn chó, mèo nuôi.

Bệnh Dại là bệnh truyền lây giữa động vật và người; là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở động vật máu nóng có vú, do vi rút gây ra, làm viêm não tủy cấp (VR có hướng thần kinh), làm động vật có những biểu hiện kích thích, hung dữ tấn công hoặc bại liệt dẫn đến tử vong.

Nguồn bệnh: nguồn mang mầm bệnh chủ yếu là chó (trên 90%), mèo nuôi và động vật hoang dã như chó sói, chó rừng, chồn, cầy, cáo, gấu trúc, dơi hút máu … Ở nước ta, chủ yếu vi rút dại có ở đàn chó nuôi và mèo.

Vi rút có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt ở nhiệt độ (560C trong vòng 30 phút, 600C trong 5 - 10 phút, 700C trong vòng 2 phút). Vi rút mất độc lực bởi ánh nắng mặt trời và các chất sát trùng thông thường ở nồng độ 2 - 5%. Vi rút được bảo tồn chủ yếu trong cơ thể vật chủ.

Vi rút dại có thể truyền giữa động vật với động vật hoặc giữa động vật mang mầm bệnh sang người bằng 02 cách: (1) trực tiếp qua các vết cắn, vết cắn, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở; (2) gián tiếp: người có vết thương hở tiếp xúc với chất tiết, nước dãi của động vật nghi mắc bệnh, mắc bệnh Dại.

1. Triệu chứng

Thời gian ủ bệnh có thể thay đổi từ vài ngày đến vài tháng tùy thuộc vào vị trí của vết cắn. Đa số bệnh phát ra trong vòng 21 - 30 ngày sau khi bị con vật nhiễm bệnh Dại cắn.

Triệu chứng lâm sàng của chó bị bệnh Dại thể hiện ở 02 thể:

a) Thể dại điên cuồng: chó thay đổi thói quen thuờng ngày, có dấu hiệu thần kinh, hung dữ khác thường, chạy lung tung, hoảng loạn, cào cắn người, động vật khác, có biểu hiện vô tri không nhận biết chủ, luôn thè lưỡi ra ngoài, chảy nhiều nước bọt, mắt đỏ, sợ gió, sợ nước. Sau vài ngày chó kiệt sức, bị liệt dần rồi chết.

 b) Thể dại câm (bại liệt): chó buồn bã, thích nằm trong tối, luôn thè lưỡi ra ngoài, chảy nhiều nước bọt, không nhai, không nuốt, biểu hiện con vật bại liệt bắt đầu từ hai chân sau lan dần đến toàn thân, không sủa, không cắn được.

          2. Bệnh tích: không điển hình

          3. Phòng bệnh

           a) Phòng bằng biện pháp quản lý chó nuôi:

          (1) Trách nhiệm của chủ nuôi: phải đăng ký việc nuôi chó mèo với chính quyền địa phương; xích nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên của gia đình; khi dắt chó ra ngoài phải có rọ mõm; phải tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo nuôi.

          (2) UBND cấp xã, phường: lập sổ quản lý cho nuôi trên địa bàn; thành lập đội chuyên trách bắt chó thả rông, chó nghi mắc bệnh, mắc bệnh Dại trên địa bàn; phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức các đợt tiêm phòng vắc xin Dại cho toàn đàn chó, mèo nuôi thuộc diện tiêm phòng trên địa bàn.

          b) Phòng bệnh bằng vắc xin

          Hàng năm triển khai đợt tiêm phòng chính vào tháng 3 – 4; tiếp tục tiêm bổ sung những tháng còn lại trong năm. Việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn chó, mèo nuôi bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm (chó trên 3 tháng tuổi, khỏe mạnh) mới an toàn phòng bệnh.

          4. Trị bệnh: theo Phụ lục số 01: Danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch bệnh; Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người; Danh mục động vật cấm giết mổ, chữa bệnh (Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT), bệnh Dại thuộc Danh mục động vật cấm giết mổ, chữa bệnh.

Bệnh Dại là bệnh nguy hiểm chết người. Khi bệnh nhân lên cơn Dại thì khả năng tử vong là 100%. Tuy nhiên, bệnh Dại vẫn có thể phòng, tránh và loại trừ được bằng cách tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo nuôi; tiêm phòng vắc xin hoặc kháng huyết thanh Dại cho người bị động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh Dại cắn phải./.

Hồng Thắm