CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Cây thuốc nam

Tác dụng chữa bệnh của lá tía tô

09:00 05/07/2022

Lá của cây tía tô không chỉ là một loại rau xanh thêm vào bữa ăn hằng ngày mà còn là một loại thảo mộc đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo đó, khi biết được lá tía tô có tác dụng gì, mọi người sẽ yêu thích loại rau mùi thơm ngon này hơn và thường xuyên sử dụng.

Cây tía tô, còn có tên khác: É tía, tử tô, xích tô (gọi là tử, xích tía vì cây có màu tím).

Tên khoa học: Perilla frutescens.

Họ: Lamiaceae

Cây tía tô có lá màu xanh đậm và gân màu đỏ tía. Lá tía tô là một loại rau gia vị phổ biến đối với người dân Việt Nam. Lá tía tô có mùi thơm, vị cay đặc trưng, tính ấm. Tía tô là một loại cây dễ trồng và được trồng nhiều ở vùng nông thôn, lá được dùng để ăn sống hoặc nấu chín làm gia vị cho một số món ăn ngon. Đồng thời, tía tô cũng là một loại thuốc chữa bệnh và phòng bệnh theo y học cổ truyền.

Với giá trị dinh dưỡng khá cao, giàu vitamin A, C, giàu hàm lượng Ca, Fe, và P, loại cây tía tô không những có thể dùng để chế biến các món ăn ngon miệng mà có tính năng chữa bệnh khá cao. Từ thân lá, cành đến hạt của tía tô đều có thể sử dụng làm thuốc.

Tía tô là vị thuốc được Đông y xếp vào loại giải biểu (làm cho ra mồ hôi) thuốc nhóm phát tán phong hàn (nhóm do lạnh gây bệnh) cần chữa bằng cách cho ra mồ hôi, khỏi sốt.

Tía tô có tính ấm, vị cay, vào 3 kinh phế - tâm - tỳ, không độc. Lá dùng làm gia vị rất phổ biến đồng thời là vị thuốc rất hay dùng để trừ cảm mạo. Hạt làm trà uống và thuốc hạ khí, cành làm thuốc an thai. Trường hợp không có thì dùng thay thế cho nhau cũng được.

Theo PGS.TS. Trần Công Khánh, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền, cho biết trong đông y, hương vị của tía tô được đánh giá là sự pha trộn giữa hồi hương, cam thảo, quế và bạc hà sát khuẩn. Chính vì vậy, tía tô được y học cổ truyền xếp vào loại giải biểu, thuộc nhóm phát tán phong hàn, chữa bệnh bằng cách cho ra mồ hôi, giải cảm, khỏi sốt. Khi cộng với hành (một thứ gia vị cũng kích thích tăng tiết dịch vị) thì cháo hành - tía tô sẽ có tác dụng giải cảm cho những người bị cảm.

Ngoài ra, lá tía tô non khi vò ra đem sát vào các mụn cơm vài lần thì mụn cơm sẽ bay mất. Khi các mụn cơm chính bay, mụn cơm nhỏ cũng sẽ tự mất đi.

Theo PGS.TS. Trần Công Khánh, ngoài tác dụng của lá tía tô, hạt tía tô (gọi là tô tử) có đên 40% là dầu béo. Dầu được ép từ hạt tía tô cũng có thể làm dầu ăn và làm thành một thứ thuốc.

Các bài thuốc từ tía tô:

          - Chữa mẩn ngứa, làm đẹp da: vò lát lá tía tô vào nước tắm, bã lá tía tô có thể đắp vào vùng da bị ngứa.

          - Chữa cảm ho: lá tía tô tươi 150g, 3 củ hành tươi thái nhỏ cho vào cháo nóng, ăn lúc còn nóng.

          - Chữa cảm lạnh: một nắm lá tía tô nấu với nước uống hoặc dùng lá tía tô với kinh giới, hương nhu, lá xả, lá tre nấu với nước để xông.

          - Chữa cảm sốt, nhức đầu, ngạt mũi: hạt tía tô 120g, vỏ quít 8g, cam thảo nam 10g, gừng tươi 3 lát sắc với nước uống nóng 1 lần 1 ngày.

          - Chữa đau bụng, đầy chướng: giã lá tía tô lấy một bát nước, hòa một chút muối cho uống một lần.

Nguồn: Tổng hợp từ Internet