CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Cây thuốc nam

Công dụng lá Dứa với sức khỏe

09:02 30/05/2017

Lá dứa hay còn được gọi: Dứa thơm, nếp thơm, cây cơm nếp. Tên khoa học là Pandanus amaryllifolius, thuộc họ dứa dại (Pandanaceae), là một loài thực vật dạng cây thảo, miền nhiệt đới, dùng làm gia vị trong ẩm thực Đông nam Á. Cây được trồng rộng rãi tại các tỉnh phía Nam dể lấy lá, gần như thu hái lá quanh năm.

Cây lá dứa dễ trồng, ít công chăm sóc, thích hợp trồng nơi dưới bóng râm, đất thịt ẩm ướt. Nếu để cây lá dứa nơi nhiều ánh nắng thì lá nhạt màu hơn.Nếu trồng làm cây cảnh thì chọn đất trồng giữ ẩm tốt. Thông thường, trong "ẩm thực dân gian", khi nấu cơm, nấu chè, làm kem, gói bánh, luộc khoai… đều bỏ vài lá dứa vào nồi để thức ăn có mùi thơm hấp dẫn hơn. Có nơi, người ta giã nát, hoặc xay nhuyễn lá dứa, vắt lấy nước cốt, dùng như tinh mùi.

          - Điều trị cho những người thần kinh yếu: Rửa sạch 3 miếng lá dứa, hãm với 3 chén nước sôi và uống 2 lần sáng, chiều đều đặn sẽ có tác dụng bồi bổ thần kinh.

          - Điều trị tăng huyết áp: Lá dứa đun sôi với nước, Chỉ uống 2 cốc mỗi ngày là đủ để đối phó với căn bệnh này.

          - Loại bỏ cảm giác lo lắng: Với những người hay lo lắng hoặc căng thẳng, người ta cũng dùng lá dứa nấu với nước, hiệu quả trong việc làm dịu căng thẳng thần kinh từ các chất tannin.

          - Cho cảm giác ngon miệng: Những người gầy gò do biếng ăn và không có cảm giác ngon miệng thì lá dứa có thể là một giải pháp. Đun sôi 2 miếng lá dứa, uống trước khi ăn 30 phút, uống thường xuyên có thể giúp tăng sự thèm ăn.

          - Hiệu quả với tóc: Lá dứa rất hữu ích để khắc phục những vấn đề về tóc. Một mớ lá dứa (khoảng 7 lá) đun đến khi nước ngả màu xanh đậm (khoảng 1 chén đầy), để qua đêm, sau đó thêm nước cốt của 3 trái nhàu, trộn thành hỗn hợp. Gội đầu 3 lần một tuần sẽ làm tóc đen bóng.

          - Trị gàu: Dùng 7-10 lá dứa, rửa sạch, cho vào cối giã hoặc máy xay. Thêm vào ½ chén nước lọc, khuấy đều rồi cho vào miêng vải mỏng vắt lấy nước. Lấy phần nước này thoa lên da đầu. Cách khoảng 45 phút thì thoa lên da đầu một lần nữa rồi gội đầu lại bằng nước sạch. Làm như vậy mỗi ngày, gàu sẽ mau chóng biến mất.

          - Diệt gián: Lá dứa là khắc tinh của gián. Nếu không chịu nổi mùi của các sản phẩm diệt gián, có thể dùng lá dứa để trị những con gián. Bằng cách: Cắt lá dứa từng khúc nhỏ rồi rải từng góc nhà, nơi mà những con gián hoành hành. Chú ý thay lá dứa khi lá dứa hết mùi thơm.

          - Chữa bệnh tiểu đường: Gần đây, một số người đã thành công làm hạ lượng đường trong máu xuống nhờ uống lá dứa, nhất là những người bị tiểu đường loại hai. Cách dùng như sau:

          Cách 1:Lá dứa phơi hơi khô (lá vẫn còn màu xanh lục diệp). Mỗi lần nấu khoảng 10 lá với 2 lít nước, nấu sôi, uống trước mỗi bữa ăn chừng 20 phútvà uống hết số nước ấy trong ngày. Uống sau 10 ngày là có kết quả. 

          Cách 2: Lá dứa cuộn lại chừng một nắm tay của bệnh nhân là đủ. Để nguyên, không cần thái nhỏ. Rửa sạch, cho vào nồi hay ấm sắc thuốc cũng được. Đổ nước ngập lá dứa chừng một gang tay là đủ. Để lửa lớn, đun thật sôi, hạ lửa nhỏ, nấu cho đến khi thấy nước ra màu giống như nước trà xanh là được. Lấy nước đó uống thay nước uống hàng ngày.

          Chú ý:  Trong quá trình uống, lưu ý, phải ăn kiêng theo chế độ và năng tập thể dục. Nên theo dõi số lượng nước lá dứa uống mỗi lần và nên đo lượng đường thường xuyên trong giai đoạn mới uống lá dứa, như vậy có thể gia giảm số lượng nước lá dứa chữa trị bệnh tiểu đường của mình cho thích hợp, và tránh đừng để lượng đường xuống thấp quá, nhất là lúc đang lái xe, đang tắm, đang ngủ, sẽ rất nguy hiểm.

 

Quang Hiển (st)