CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Cây thuốc nam

Cỏ mần trầu, vị thuốc chữa nhiều bệnh

09:00 02/01/2023

 (02/01/2023)

Cỏ mần trầu được biết đến là một loại cây cỏ mọc hoang dại ven đường ở các làng quê Việt Nam. là một loại cây rất quen thuộc đối với chúng ta nhưng ít ai biết rằng nó có những công dụng rất tốt đối với sức khoẻ. Từ lâu, loại thảo dược này đã được sử dụng rất nhiều trong y học cổ truyền. Đây là dược liệu quý được sử dụng nhiều trong các bài thuốc làm đẹp da,  bổ máu, giải độc gan, chữa nhiều bệnh.

          Cỏ mần trầu còn được gọi với tên khác như ngưu cân thảo, cỏ vườn trầu, thanh tâm thảo, cỏ chi tía, cỏ bắc...

          Tên khoa học:Eleusine indica (L.) Gaertn, thuộc họ Lúa (Poaceae).

          Cỏ mần trầu cũng thường dễ nhầm lẫn với cỏ chân vịt (Dactyloctenium aegyptium (L.) Richt), cùng họ lúa, nhưng không có bông tách rời, mọc thấp hơn.

          Ở nước ta, mần trầu mọc ở khắp nơi, thường mọc thành đám trong các bãi đất, ở vùng đồng bằng, trung du cho đến vùng núi cao.

          Bộ phận sử dụng làm thuốc của cây mần trầu là cả cây, được thu hái quanh năm, có thể dùng tươi hay phơi khô.

          Tác dụng của cỏ mần trầu theo nghiên cứu hiện đại: Chống viêm, hạ sốt. Hoạt chất C-glycosylflavones chiết suất từ mần trầu có tác dụng kháng viêm hiệu quả.

          Theo Y học cổ truyền, cỏ mần trầu có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, hạ sốt, làm ra mồ hôi, mát gan, giải độc, lợi tiểu, điều trị ho.

          Bài thuốc trị bệnh từ cỏ mần trầu:

          - Chữa cao huyết áp: Dùng cả cây cỏ mần trầu (500g) rửa sạch, băm nhỏ, giã nát, cho thêm một bát nước sôi để nguội, lọc lấy nước cốt, thêm ít đường uống. ngày uống 2 lần sáng và chiều.

          - Chữa sốt cao: Cỏ mần trầu tươi 120g, sắc với 600ml nước, cho còn 400ml, sau đó thêm ít muối, uống làm nhiều lần trong 12 giờ.

          - Chữa bệnh gan: Cỏ mần trầu tươi 60g, sơn chi ma 30g, sắc nước uống.

          - Chữa chứng nhiệt, nổi mẩn, ghẻ lở, tiểu són: Dùng 80 – 120g cỏ mần trầu sắc nước uống hoặc phối hợp cùng với rễ cỏ tranh và ngấy tía, mỗi thứ 40g cùng sắc uống hằng ngày.

          - Chống rụng tóc: Sử dụng cỏ mần trầu kết hợp với bồ kết đun nước gội giúp giảm rụng tóc.

          - Chữa đại tiện ra máu đen do chảy máu dạ dày: Cỏ mần trầu, muồng trâu (cành lá), cam thảo nam, cây ké, trắc bá diệp, rễ tranh (sao đen), rau má mỗi thứ 1 nắm; cỏ mực 2 nắm, ngải cứu 9 lá, củ sả 5 lá, gừng sống 3 lát, than tóc rối 2 muỗng, lọ nồi chảo gang (bách thảo sương) 1 muỗng canh. Đổ ngập nước sắc còn 2 chén, chia 2 lần uống trong ngày.

          - Nóng sốt, môi nứt, lưỡi tưa: Cỏ mần trầu, rau má, rau bồ ngót, rễ tranh, cỏ mực, rau sam, lá muồng trâu, cây ké, mỗi thứ 1 nắm. Bí đao 2 khoanh, đậu xanh 1 muỗng to. Sắc uống như trên.

          - Nổi mụn trong miệng: Do ăn uống nhiều đồ cay nóng nên cần thanh nhiệt giải độc lợi tiểu tiện. Dùng cỏ mần trầu, cây muỗng trâu, rễ cỏ tranh, rau sam, rau má, rau ngót, rau dền trắng, cỏ mực, cây ké, cây đậu săng, cam thảo nam, mỗi thứ 1 nắm; bí đao 2 khoanh mỏng, củ sả 10 lát mỏng, gừng tươi 3 lát, vỏ quýt 1 cái. Sắc với nước ngập 1 lóng ngón tay còn 1 chén để uống.

           Lưu ý khi sử dụng cỏ mần trầu

          - Làm sạch cây mần trầu trước khi sử dụng, bởi vì đây là loại cỏ mọc dại nên thường có nhiều bụi bẩn.

          - Những đối tượng cần chú ý khi sử dụng cỏ mần trầu đó là người có cơ địa nhạy cảm, trẻ nhỏ. Không lạm dụng cỏ mần trầu trong thời gian dài. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

 

 

 

 

Nguồn: Quang Hiển (Tổng hợp từ Internet)