CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Cây thuốc nam

Bất ngờ công dụng của trái khế nhiều người thường bỏ qua

09:02 10/12/2018

Ở Việt Nam, khế là loại cây hết sức thân thuộc trong vườn nhà. Không những thế nó còn là biểu tưởng của quê hương với câu thơ “Quê hương là chùm khế ngọt”.Khế cũng gắn bó với tuổi thơ của chúng ta bởi câu chuyện cổ tích ăn khế trả vàng. Khế không chỉ có ở Việt Nam mà còn có nhiều ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, Ả Rập, Mỹ….Ở Mỹ người ta xem khế là quả dinh dưỡng miền nhiệt đới. Trái khế thường dùng để chế biến thức ăn. Các bộ phận khác đều là vị thuốc được Đông y dùng từ lâu đời. Trong nhân dân, khế được dùng để chữa nhiều bệnh.

Lần đầu tiên ở thế kỷ thứ 12, khế được nhà triết học, bác sỹ, nhà thông thái Ả Rập Averrroes phát hiện nó có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Theo vị bác sỹ này thì khế có tác dụng chữ viêm ngứa, viêm họng, ho, đau khớp, làm ra mồ hôi…Tên khoa học của khế cũng được gọi theo tên của người phát hiện ra công dụng chữa bệnh của nó đầu tiên, vì vậy tên khoa học của khế là Averrhoa carambola L.

Theo Đông y, trái khế gọi là ngũ liễm tử, có vị chua chát, tính bình, không độc, tác dụng khử phong, thanh nhiệt, giải uế, giúp làm lành vết thương, dùng chữa cảm sốt, khát nước, ngộ độc rượu, đi tiểu ít, nhiệt độc, vết thương chảy máu. Hoa khế có vị ngọt, tính bình, tác dụng giải độc tiêu viêm, chữa sốt rét, ho khan, ho đờm, kiết lỵ, trẻ em bị kinh giản. Vỏ thân và lá khế có vị chua, chát, tính bình, tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm.

Dưới đây là những lợi ích từ quả khế mà ít người biết.

               - Chữa nhức đầu, đi tiểu ít: Lá khế tươi 100g sao thơm, nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Hoặc dùng lá khế tươi 100g, lá chanh tươi 20 - 40g, rửa thật sạch, giã nát, vắt lấy nước chia 2 lần uống trước bữa ăn.

               - Chữa lở loét, mụn nhọt, nước ăn chân: Nấu nước lá khế kết hợp với lá thanh hao, lá long não... làm nước tắm, hoặc nấu nước trái khế rửa chỗ đau hằng ngày, hoặc lấy 1 - 2 trái khế chín, vùi trong tro nóng để vừa ấm rồi áp lên chỗ đau.

               - Chữa dị ứng, mẩn ngứa: Lấy lá khế tươi giã nát bôi vào chỗ da nổi mẩn, kết hợp với uống nước sắc vỏ núc nác.

               - Chữa ngộ độc nấm: Lấy lá khế 20g, lá lốt 10g, đậu ván đỏ 20g. Tất cả đều dùng tươi, rửa sạch, cho vào cối giã nát, hòa với 200ml nước đun sôi để nguội, chắt lấy nước uống cả 1lần. Thường chỉ uống 2 - 3 lần là khỏi bệnh.

               - Phòng bệnh sốt xuất huyết: Sắc lá khế 16g với sắn dây, lá dâu, lá tre, mã đề, sinh địa mỗi thứ 12g lấy nước uống hằng ngày trong thời gian địa phương có dịch bệnh sốt xuất huyết có thể chủ động đề phòng được bệnh.

               - Chữa bí tiểu, đau tức bàng quang: 7 trái khế chua, mỗi trái chỉ lấy 1/3 phía gần cuống. Nấu với 600ml nước, sắc còn 300ml, uống lúc còn ấm nóng. Ngoài ra, lấy 1 trái khế và 1 củ tỏi giã nát nhuyễn, đắp vào rốn.

               - Chữa cảm cúm, mình mẩy đau nhức:  3 trái khế chua, nướng chín, vắt lấy nước cốt, hòa với 50ml rượu trắng, uống 1 lần hoặc chia làm 2 lần uống vào lúc không no không đói quá.

               - Chữa viêm họng cấp: Lá khế tươi 80 - 100g, thêm ít muối, giã nát, vắt lấy nước cốt, chia 2 - 3 lần để ngậm và nuốt dần.

               - Chữa ho khan, ho có đờm: Hoa khế (sao với nước gừng) 8 - 12g, cam thảo nam 12g, tía tô 8 - 10g, kinh giới 8 - 10g. Nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia làm 2 lần uống trước bữa ăn.

               - Chữa cảm nắng, cảm nóng: Lá khế bánh tẻ tươi 100g, lá chanh tươi 40g, rửa sạch, giã vắt lấy nước uống. Bã đắp vào thái dương và gan bàn chân. Hoặc lấy một quả khế già chưa chín, nướng qua, sắc nước uống.

 

Quang Hiển (st)