CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Thông tin tổng hợp

Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang”

11:45 28/03/2023

An Giang là tỉnh phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trong những năm qua như: lúa gạo, cá tra, cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi bò, heo, cây dược liệu... đã trở thành những ngành hàng quan trọng, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập người dân. Xác định nông nghiệp là nền tảng, là “lõi kinh tế” của tỉnh, cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách linh hoạt dựa trên lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chủ lực tỉnh, nhu cầu của thị trường, thế mạnh của tỉnh trong liên kết vùng và tiểu vùng… UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 152/QĐ-UBND ngày 14/02/2023 về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang” (sau đây gọi tắt là Đề án).

Mục tiêu của Đề án là cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng giảm diện tích đất lúa hợp lý, đẩy mạnh phát triển rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi tập trung theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; Thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm; Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển mạnh các loại hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo chuỗi liên kết; Từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn thị trường quốc tế, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc; Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực; Hình thành tầng lớp nông dân chuyên nghiệp... Theo đó, một trong các mục tiêu cụ thể là duy trì tăng trưởng bình quân nông nghiệp ổn định trong giai đoạn 2021-2025 đạt 2,8%/năm thông qua nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm.

Nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 tập trung vào các cụm ngành hàng chủ lực (lúa gạo, lúa nếp; cá tra; cây ăn trái; rau màu) và các ngành hàng tiềm năng (nấm ăn, nấm dược liệu; chăn nuôi bò; chăn nuôi heo; cây dược liệu; ngành hàng hoa, cây cảnh). Việc thực hiện Đề án phải dựa trên cơ sở lồng ghép và tận dụng mọi nguồn lực, phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế cho phát triển ngành, nhất là trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, hướng đến “hệ thống lương thực xanh - các bon thấp”, hình thành văn hóa sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và lối sống xanh trong toàn ngành.

Có 02 nhóm giải pháp được đề xuất để triển khai Đề án: (1) Nhóm giải pháp ưu tiên, bao gồm: Giải pháp về thu hút đầu tư và phát triển thị trường; Giải pháp về tổ chức lại sản xuất theo kinh tế tập thể; Giải pháp chuyên nghiệp hóa nông dân; Giải pháp về Khoa học công nghệ, chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp củng cố, nâng chất các đơn vị sự nghiệp để phát triển các dịch vụ trong nông nghiệp và hỗ trợ nông dân. (2) Các giải pháp bổ trợ, bao gồm: Giải pháp về tuyên truyền; Giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Tăng cường liên kết vùng; Giải pháp về phát triển nông nghiệp bền vững.

Lộ trình thực hiện Đề án được chia làm hai giai đoạn, trong đó: Giai đoạn I (từ 2022-2023) trọng tâm thực hiện là các giải pháp đột phá về phát triển thị trường - thu hút đầu tư và giải pháp về tổ chức lại sản xuất theo kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, tập trung cho công tác công bố nội dung Đề án; hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng và trình phê duyệt các nội dung có liên quan đã được phê duyệt, có chủ trương và đang triển khai. Chỉ tiêu trọng tâm cần phấn đấu là đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp là 2,8 %; giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2023 đạt 240 triệu đồng/ha. Giai đoạn II (từ 2024-2025 và định hướng đến năm 2030): tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của giai đoạn 2022-2023, đồng thời, thực hiện các công tác rà soát, đánh giá rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng. Các chỉ tiêu trọng tâm cần là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp là 3,0%; giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đạt 250 triệu đồng/ha.

Các kế hoạch, dự án phục vụ Đề án (bao gồm: Xây dựng và triển khai các Kế hoạch chuỗi liên kết theo từng ngành; 13 dự án đã bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025; 08 dự án đang tiếp cận nguồn vốn ODA, vay ưu đãi và 15 dự án còn lại tiếp tục đề xuất giai đoạn 2021-2030) và Bảng phân công nhiệm vụ Sở, ban, ngành và địa phương triển khai Đề án được trình bày cụ thể tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 đính kèm Quyết định số 152/QĐ-UBND ngày 14/02/2023 của UBND tỉnh.

Xem chi tiết Văn bản:

- Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang” - Phần 1

- Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang” - Phần 2

- Quyết định số: 152/QĐ-UBND, ngày 14/02/2023 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang”

- Phụ lục 1: Các Kế hoạch, Chương trình, Dự án phục vụ Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang” (Kèm theo Quyết định số 152/QĐ-UBND, ngày 14 tháng 02 năm 2023 của UBND tỉnh An Giang.

- Phụ lục 1 (tiếp theo): Các dự án đã bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025

- Phụ lục 2: Bảng phân công nhiệm vụ Sở, ban, ngành và địa phương triển khai Đề án (Kèm theo Quyết định số 152/QĐ-UBND, ngày 14 tháng 02 năm 2023 của UBND tỉnh An Giang)

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang