số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc
1
Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh
Điện thoại: 02963.957.006
Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn
2
Tổ kiểm tra công vụ
Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247
Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn
đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang
1
Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)
Điện thoại: 0913.979.245
Email: nslam@angiang.gov.vn
2
Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)
Điện thoại: 0919.199.392
Email: lhtam@angiang.gov.vn
09:30 23/11/2024
Việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, đã được các Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện An Phú nói chung, xã Khánh An nói riêng đặc biệt quan tâm. Nhằm đổi mới phương thức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của HTX trên địa bàn xã. Điển hình như HTX Khánh An đã trở thành đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất.
Năm 2019, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện An Phú từ nguồn vốn Nông thôn mới, HTX đã mạnh dạn đầu tư nhà màng trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 1.000m2. Bước đầu thu nhập rất khả quan và được lợi nhuận 40 triệu đồng từ mô hình này. Từ nguồn lợi nhuận đó HTX đã mở rộng diện tích sản xuất, đến nay HTX đã có được 4000m2 nhà màng sản xuất dưa lê, dưa lưới ứng dụng công nghệ cao. Sản lượng hàng năm khoảng 40 tấn, lợi nhuận mang lại khoảng 300 triệu đồng/năm, sản phẩm tạo ra cung cấp cho thị trường trong nước cũng như nước bạn Campuchia.
Ông Đoàn Phi Long - Giám Đốc HTX Nông nghiệp Khánh An cho biết: sản xuất dưa lưới, dưa lê trong nhà màng có thể sản xuất quanh năm không lệ thuộc vào thời tiết, hạn chế được côn trùng gây hại, giảm chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật so với trồng bên ngoài. Trong quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ theo quy trình khép kín từ khâu chuẩn bị giá thể đến hạt giống. Khâu chăm sóc được ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động của Israel, cung cấp lượng nước kèm theo dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu của cây trồng theo từng giai đoạn, giúp cây phát triển tốt tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Về quy trình sản xuất được ông Long chia sẻ: đầu tiên là chọn hạt giống phải sạch không nhiễm mầm bệnh, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng và loại giống được chọn phải được thị trường ưa thích. Hạt giống trước khi gieo phải được ngâm ủ trong nước 2 sôi 3 lạnh khoảng 2 giờ, sau đó rửa sạch cho vào túi vải giữ ẩm khoảng 24-36 giờ, hạt giống nức nanh tiến hành gieo hạt vào vĩ xốp, tưới nước hàng ngày để giữ ẩm cho hạt nảy mầm tốt. Khi cây đã nẩy mầm phát triển được 2-3 lá, chiều cao 10-15cm thì tiến hành trồng vào bịch giá thể đã chuẩn bị trước.
Giá thể được sử dụng để trồng dưa lưới gồm: mụn dừa, phân bò, tro trấu được ngâm xử lý trộn với tỷ lệ nhất định, sau đó bổ sung thêm nấm Tricodera để ủ khoảng 45 ngày có thể sử dụng được, cho giá thể vào bầu nylon trồng cây loại 2 mặt kích thước bầu 30 x40cm. Mật độ trồng 2.800 cây/1000m2, khoảng cách trồng 0,35x1m (cây/bầu).
Về chăm sóc: sau khi cây trồng vào bầu chỉ tưới nước 1-2 ngày đầu, sau đó cung cấp dinh dưỡng được pha vào phi nước thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp cho cây. Lượng nước và dinh dưỡng được điều chỉnh theo từng giai đoạn phát triển của cây và điều kiện nhiệt độ, ẩm độ trong nhà trồng. Khi cây cao từ 20-30cm thì tiến hành quấn dây cho dưa lưới, cứ 2 ngày quấn lại một lần, khi cây xuất hiện chồi nách thì tiến hành tỉa hết các cành nách từ lá 12 trở xuống, để lại chồi nách từ lá 13-15 và tiến hành thụ phấn. Khi cây đã đậu quả thì tiến hành bấm chồi của cành mang trái và chỉ để lại 1-2 lá trên cành. Khi cây cao khoảng 28- 30 lá, có thể bấm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi trái.
Phòng trừ sâu bệnh: trong quá trình sản xuất nên chú ý đến các đối tượng gây hại như: nhện đỏ, bọ phấn trắng, bọ trĩ….; về bệnh hại như bệnh: chết cây con, bệnh chạy dây, bệnh thối gốc… Khi phát hiện bệnh nên phun trị kịp thời để không ảnh hưởng đến năng suất. Thu hoạch trái phải đảm bảo đúng độ ngọt theo chuẩn. Trái khi thu hoạch được làm sạch, bao xốp đóng vào thùng cactol và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Hướng tới HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất, năm 2024 được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX đã đăng ký sản phẩm OCOP theo chương trình mỗi xã một sản phẩm và được hội đồng xét OCOP của tỉnh, huyện đánh giá sản phẩm đạt OCOP. Đây là hướng đi giúp cho sản phẩm của HTX ra thị trường lớn dễ dàng hơn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn và làm cho quê hương Khánh An ngày càng giàu đẹp.
AP