CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Mô hình hiệu quả

Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Phú Tân mang lại hiệu quả

10:45 29/08/2019

Theo báo cáo của UBND huyện Phú Tân, qua 7 năm (giai đoạn 2012 – 2019) thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh uỷ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC), với nỗ lực của huyện, sự đồng thuận của người dân, một số mô hình NNƯDCNC như: nhà lưới giá rẻ, trồng nấm rơm trong nhà, nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGap và ASC, chuyển đổi cây trồng… đạt được kết quả bước đầu, vừa tạo điều kiện nhân rộng vừa góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện.

Cụ thể, Phú Tân đã tổ chức cho cán bộ xã, huyện và nông dân học tập kinh nghiệm trồng rau màu trong nhà lưới, trồng rau thủy canh trong nhà lưới, trồng dưa lưới trong nhà màng, nuôi bò lai, trồng cây ăn quả... Bên cạnh đó, địa phương còn an hành chính sách phát triển đàn bò lai, nhằm giúp nông dân cải tạo đàn bò giống. Hỗ trợ từ nguồn ngân sách huyện và tổ chức thu mua 159 con bò lai từ tỉnh Bến Tre về nuôi tại huyện với tổng kinh phí hỗ trợ 01 tỷ đồng. Đồng thời hỗ trợ đầu tư thí điểm 07 mô hình nhà lưới sản xuất rau màu theo hướng an toàn (quy mô 342 m2/mô hình) với kinh phí hỗ trợ 129 triệu đồng vào năm 2014. Năm 2017, tiếp tục hỗ trợ cho 11 hộ với 13 nhà lưới (quy mô 1.000 m2/nhà lưới, hỗ trợ mỗi nhà lưới 30 triệu, nông dân đầu tư tương ứng 30 triệu) với kinh phí hỗ trợ 390 triệu đồng; hỗ trợ 2.650 cây giống chuối cấy mô với kinh phí 38 triệu đồng; hỗ trợ 02 nhà trồng nấm rơm với kinh phí 17 triệu đồng.

Qua đó đã có nhiều mô hình NNƯDCNC đạt hiệu quả; các mô hình sản xuất phù hợp cũng được triển khai thí điểm và được đánh giá để nhân rộng. Trong đó, mô hình trồng rau trong nhà lưới vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, đồng thời là tiền đề để ứng dụng cho các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, mô hình trồng rau trong nhà lưới, trên địa bàn huyện hiện có 14 nhà lưới với tổng diện tích 14.000 m2 đang hoạt động. Rau phát triển tốt, do trồng trong nhà lưới nên ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết và sâu bệnh, giá bán cho bạn hàng từ 8.000 - 16.000 đồng/kg, bán tại chợ khoảng 20.000 đồng/kg, cao hơn so với rau được trồng theo phương pháp truyền thống từ 3.000 đến 12.000 đồng/kg. Phát triển thêm 02 Tổ hợp tác sản xuất rau màu an toàn tại xã Tân Trung và xã Tân Hoà. Tổ hợp tác rau an toàn xã Tân Trung đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn, tổ chức sản xuất 5,9 ha gồm bắp, khoai cao và rau nhút.

Tương tự mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính (Dự án do tổ chức môi trường thế giới EDF tài trợ) tại HTX Phú Thượng, xã Phú Thành. Đã triển khai 5 vụ với diện tích mở rộng dần theo từng vụ, đến vụ thứ 5 là 286 ha. Theo đánh giá thì đây là quy trình canh tác tiên tiến nhất hiện nay vì vừa giảm chi phí, tăng lợi nhuận và quan trọng là rất thân thiện với môi trường. Qua thí điểm cho thấy, nếu áp dụng đúng quy trình 1P6G sẽ giảm được 30% chi phí sản xuất, tăng 40% lợi nhuận và giảm phát thải khí Metan 20-30% so với quản lý nước theo tập quán canh tác của nông dân hiện nay. Ngoài ra, mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt với diện tích 18.820 m2 và bổ sung thức ăn công nghiệp, tạo hướng đi mới vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng ở vùng đất vườn tạp, vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, huyện đã tổ chức cho nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nhãn Edor tại huyện Châu Thành - Đồng Tháp, bưởi da xanh tại Bến Tre, vườn cây ăn trái tại huyện Chợ Mới; tập huấn quy trình trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGap. Đồng thời hỗ trợ 2.650 cây giống chuối cấy mô cho 18 nông dân, diện tích 6,1ha.

Mới đây, UBND tỉnh An Giang đã thống nhất chủ trương hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi từ đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái tại 6 vùng của huyện. Theo đó, huyện Phú Tân đã hỗ trợ đầu tư hạ tầng thủy lợi 6 vùng và dân tự chuyển đổi 8 vùng. Đến nay, tư vấn đang thẩm tra hồ sơ “Hệ thống thuỷ lợi phục vụ chuyển đổi cây trồng vùng Bình Tây 2 – Bình Thạnh Đông và vùng ấp Phú Hiệp - Chợ Vàm” để chuẩn bị đầu tư trong năm 2018; diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện hiện có 258,7 ha…

 Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất không ngừng được nâng lên; công nghệ cao được ứng dụng rộng rãi theo từng công đoạn trong quy trình sản xuất. Tuy chưa phải là công nghệ tiên tiến nhất nhưng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của huyện nhà. Riêng với cây nếp thì việc ứng dụng CNC đã được thực hiện từ khâu làm đất, tưới tiêu, quy trình canh tác, thu hoạch và phơi sấy.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Phú Tân tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tích cực kêu gọi doanh nghiệp mở rộng diện tích liên kết; thường xuyên theo dõi các mô hình đã có; nghiên cứu, chọn lựa thêm các công nghệ phù hợp với đặc thù và thế mạnh của huyện để thử nghiệm, đánh giá, nhân rộng khi có hiệu quả ổn định.  Lựa chọn các đối tượng nuôi, trồng có tiềm năng để chuyển giao công nghệ, chú ý các loại cây hoa – kiểng, cây dược liệu; phối hợp, hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, mở rộng quy mô, từng bước đáp ứng yêu cầu xã hội.

Xuân Hiếu