CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Chăn nuôi - Thú y

Tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi heo để phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi

08:00 11/08/2019

Hiện nay, bệnh dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) vẫn đang diễn biến phức tạp trên đàn heo, gây thiệt hại rất nặng nề cho ngành chăn nuôi. Để giảm thiểu thiệt hại và góp phần hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh DTHCP được tốt hơn. Ngày 9/8/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan, hướng dẫn triển khai sâu rộng đến các địa phương, cơ sở/hộ chăn nuôi chấp hành thực hiện một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học theo hướng dẫn tại công văn số 5329/BNN-CN và đặc biệt chú ý một số điểm quan trọng sau:

Yêu cầu về chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi: Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín. Nước thải ô chuồng nào thoát riêng ô chuồng đó ra đường thoát nước chung.

Thức ăn và nước uống cho heo: Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng, mốc và còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và an toàn. Trường hợp sử dụng thức ăn tận dụng phải được xử lý nhiệt trước khi cho ăn. Không sử dụng thức ăn thừa trong máng ăn của đàn heo đã xuất chuồng hoặc thức ăn của đàn heo đã bị dịch bệnh cho đàn heo mới.

Nguồn nước cho chăn nuôi heo phải đảm bảo an toàn. Nên bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa, sức đề kháng cho heo.

Chăm sóc, nuôi dưỡng: Nên áp dụng phương thức nuôi khô, không sử dụng nước tắm cho heo. Sử dụng các chế phẩm sinh học trong nước uống, độn chuồng và định kỳ phun sương trong chuồng nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng cường phòng, chống dịch.

Vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào chuồng nuôi: Hạn chế tối đa người ngoài ra, vào khu vực chuồng nuôi, không để thương lái vào chuồng nuôi để chọn heo. Phải vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. Thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi phải được tiêu độc khử trùng thường xuyên. Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa heo vào nuôi. Trong trường hợp chuồng bị dịch, nếu tái đàn nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày và được sự đồng ý của chính quyền địa phương.

Kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi: Phương tiện vận chuyển trước và sau khi vào chuồng nuôi phải được khử trùng, tiêu độc. Đặc biệt, không để phương tiện vận chuyển của thương lái, phương tiện vận chuyển thức ăn đến khu vực nuôi heo. Phương tiện vận chuyển phải dừng ở bên ngoài để vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và sử dụng xe nội bộ của khu chuồng nuôi để vận chuyển. Nên có phương tiện vận chuyển chuyên dụng, trường hợp dùng chung thì phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi sử dụng.

 Quản lý dịch bệnh: Khi xảy ra dịch tại ô chuồng hay cả chuồng cần tiêu độc, khử trùng tại chỗ: Cần che bạt, bao vây kín ô chuồng hoặc cả chuồng, với heo nuôi con loại ngay nái và toàn bộ heo con, đối với các loại heo khác loại toàn bộ ô chuồng hoặc cả chuồng nếu dịch xảy ra cả chuồng hoặc cả ô chuồng. Heo bệnh phải tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Không rửa ngay ô chuồng hoặc chuồng heo bị bệnh, tiến hành che bạt, bao vây kín, phun chất sát trùng đẫm gấp 2 lần bình thường liên tục 3-4 ngày, sau đó rửa lại bằng nước sạch, tránh làm bắn nước sang ô chuồng hoặc chuồng kế bên, tiếp tục phun sát trùng 2-3 ngày.

Nguồn: CV Số: 1408 /SNN&PTNT-CCCN&TY

Xuân Hiếu