CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Chăn nuôi - Thú y

Cách phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi

08:00 04/07/2019

Ngày 06/6/2019, UBND tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 1354 về việc Thành lập Ban Chỉ đạo, Tiểu Ban và Tổ Giúp việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) trên địa bàn tỉnh An Giang do ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban.

1. Bệnh dịch tả heo châu Phi là gì?

Dịch tả heo châu Phi (DTHCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, nếu heo bị nhiễm mầm bệnh có thể gây chết đến 100%. Đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, cũng như chưa có thuốc điều trị khi heo mắc bệnh. Tuy nhiên, Vi rút này không gây bệnh cho người.

2. Các con đường lây bệnh?

Vi rút dịch tả heo châu Phi lây nhiễm vào cơ thể heo qua đường hô hấp và tiêu hóa; thông qua sự tiếp xúc trực tiếp (từ heo mắc bệnh hoặc sản phẩm heo mang mầm bệnh sang heo khỏe) hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: Chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo, giày dép, thức ăn thừa (đặc biệt là thức ăn thừa từ quán ăn, hộ gia đình không qua xử lý bằng nhiệt độ cao), nước uống chứa mầm bệnh (từ nguồn nước sông, kênh rạch nhiễm mầm bệnh).

3. Dấu hiệu nhận biết?

Bệnh Dịch tả heo châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3-15 ngày. Heo sốt cao (40,5- 42°C) heo bỏ ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, heo thích nằm chỗ mát hoặc gần nước. Trước khi chết, heo có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, thở gấp, khó thở. Tỷ lệ chết cao, có thể đến 100%. Nếu heo khỏi bệnh, chúng sẽ là vật chủ mang vi rút dịch tả heo châu Phi trong suốt cuộc đời.

4. Một số khuyến cáo để phòng và chống bệnh dịch tả heo châu Phi.

4.1. Đối với người chăn nuôi heo:

Tuyệt đối không đến vùng đang có ổ dịch tả heo châu Phi; đồng thời hạn chế tối đa người và động vật khác (chó, mèo, chuột...) ra vào khu vực chăn nuôi heo.

Phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, đây là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và quan trọng nhất. Lối ra vào khu vực chăn nuôi có hố tiêu độc chứa vôi hoặc hoá chất sát trùng cho người và phương tiện vận chuyển đi qua. Rửa tay bằng xà phòng, thay đổi giày, dép trước và sau khi ra vào khu vực chuồng nuôi.

Thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình sức khỏe của đàn heo; kịp thời phát hiện, cách ly khi heo nuôi có biểu hiện bất thường (sốt, bỏ ăn, khó thở, da xuất huyết...) thì thông báo với UBND xã, phường, thị trấn hoặc Nhân viên Chăn nuôi và Thú y để được hướng dẫn xử lý kịp thời (lấy mẫu xét nghiệm đối với heo bị bệnh, nghi bị bệnh.).

Thức ăn chăn nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán ăn, hộ gia đình để cho heo ăn mà chưa qua xử lý nhiệt. Nguồn nước cho heo uống phải được xử lý chlorine với liều 5-10ppm ít nhất 24 giờ hoặc sử dụng nước máy, nước giếng; tuyệt đối không sử dụng nước từ sông, kênh, rạch để sử dụng trong chăn nuôi heo.

Tuyệt đối không bán heo nghi mắc bệnh, heo bệnh, heo chết; không vứt xác heo chết bừa bãi ra môi trường. Xác heo chết phải được thu gom, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Việc vận chuyển heo để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh DTHCP phải tuyệt đối thực hiện theo Hướng dẫn số 4249/HD-BNN-TY ngày 18/6/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Hướng dẫn Kiểm soát vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

4.2. Đối với phương tiện vận chuyển, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán heo, sản phẩm thịt heo:

Thực hiện nghiêm theo hướng dẫn số 3708/HD-BNN-TY ngày 28/5/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn Một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Tuyệt đối không mua bán, vận chuyển, giết mổ heo bệnh, heo chết.

Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo, sản phẩm của heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Heo đưa vào giết mổ phải có nguồn gốc rõ ràng, nghiêm cấm không được giết mổ heo khi có dấu hiệu lâm sàng của bệnh, khi nghi ngờ heo có biểu hiện mắc bệnh phải dừng ngay việc giết mổ thông tin cho cơ quan chuyên môn biết để kiểm tra xác minh và có biện pháp xử lý kịp thời.

Hàng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc phương tiện vận chuyển, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán heo và sản phẩm của heo.

4.3. Đối với người tiêu dùng và cộng đồng:

Bệnh dịch tả heo châu Phi không lây bệnh trên người, do đó người tiêu dùng không nên e ngại khi sử dụng thịt heo và các sản phẩm từ heo. Nên chọn mua thịt heo có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ của ngành thú y và chế biến đúng cách.

Tiếp nhận thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, không tin vào những tin đồn thất thiệt, gây hoang mang trong xã hội và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Theo dõi thông tin trên loa phóng thanh, báo, đài phát thanh truyền hình, trang website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, qua địa chỉ: http://sonongnghiep.angiang.gov.vn trên chuyên mục “Thông tin dịch tả heo châu Phi”.

5. Chính sách hỗ trợ người chăn nuôi:

Nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi, bắt đầu từ ngày 27 tháng 6 năm 2019, mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy thực hiện theo khoản 1, 2, 3 Điều 1 và hiệu lực thi hành thực hiện theo khoản 1, Điều 4, Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính Phủ.

Mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do bệnh DTHCP từ ngày 26 tháng 6 năm 2019 trở về trước được thực hiện theo Điều 3 Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính Phủ “Trường hợp tiêu hủy lợn để phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trước ngày Quyết định này có hiệu lực, việc hỗ trợ cho chủ vật nuôi thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 và Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 07 tháng 03 năm 2019 của Chính Phủ ”

Để chung tay góp phần ngăn chặn bệnh Dịch tả heo Châu Phi lây lan, đề nghị các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi heo thực hiện nghiêm túc việc báo cáo dịch bệnh kịp thời.

 

Nguồn: Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang