CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Cây thuốc nam

25 tác dụng y học của cây cỏ mực

09:00 10/07/2019

              Cây cỏ mực còn có tên gọi khác là cỏ nhọ nồi hay hạn liên thảo… Tên khoa học gọi là Eclipta Alba Hassk, hoa họ cúc. Sở dĩ gọi nó là cỏ mực vì khi vò nát thấy có nước chảy ra đen như mực. Thành phần hóa học trong cây cỏ mực bao gồm Alcaloid như ecliptin, nicotin và coumartin lacton. Theo Đông y, cỏ mực có tính lạnh, không độc, vị ngọt chua, có công dụng mát huyết (lương huyết), dưỡng thận âm, thanh can nhiệt, cầm máu, làm đen râu tóc.Tất cả các bộ phận của cây như lá, thân, hoa đều được sử dụng làm thuốc chữa bệnh có thể dùng tươi hoặc sấy khô để sử dụng.

               Sau đây là những tác dụng trị bệnh của cây cỏ mực, dựa theo tài liệu Y học cổ truyền, sách Nam dược thần hiệu, Đường bản thảo đã được lưu truyền trong dân gian:

               1. Chữa bệnh ho ra máu: 25g cây cỏ mực, 20g bạch cập, 10g a giao. Cỏ mực cùng bạch cập sắc lấy nước, sau đó cho vào chén, thêm a giao vào trộn đều uống một ngày 2 lần. Uống liên tục 7 trong ngày.

               2. Chữa chảy máu cam và thổ huyết (nôn ra máu từ dạ dày): 30g cỏ mực, 15g lá sen, 10g trắc bá diệp. Đun sôi hỗn hợp, lấy nước uống chia làm 3 lần trong ngày. Hoặc lấy cành và lá tươi cây cỏ mực đem giã nát, vắt lấy nước uống trị chảy máy cam và thổ huyết rất tốt.

               3. Cầm máu: Trong cây cỏ mực chứa chất tanin có tác dụng cầm máu rất tốt. Có một câu chuyện ở Trung Quốc rằng, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm: Cắt đứt động mạch trên đùi một con chó, sau đó lấy bột cỏ mực đã được tán mịn đắp vào chỗ vết cắt, khẽ ấn nhẹ và thấy có tác dụng cầm máu rất tốt.

               4. Chữa chảy máu tử cung: 15g cây cỏ mực, 15g lá trắc bá diệp. Đem sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang, uống liên tiếp trong vòng 7 ngày.

               5. Chữa tiêu ra máu: Lấy một ít cây cỏ mực đem nướng trên miếng ngói sạch tới khi khô, rồi tán thành bột mịn. Lấy 8g bột cỏ mực hòa với nước cơm, một ngày uống 2 lần.

               6. Chữa tiểu ra máu: Nấu cháo cỏ mực với gừng. Nguyên liệu gồm: 100g cỏ mực cùng 3 lát gừng, ăn vào những lúc đói.

               7. Chữa chảy máu dạ dày, hành tá tràng: Cỏ mực 50g, 4 quả đại táo, cam thảo 15g và bạch cập 25g sắc lấy nước uống mỗi ngày 2 lần.

               8. Chữa bệnh trĩ ra máu: Lấy một nắm cỏ mực còn nguyên rễ đem giã nát cho vào một chén rượu nóng, để đợi chén nước trong rồi uống, còn phần bã đắp vào búi trĩ.

               9. Chữa vết thương trên da nhỏ chảy máu: Giã nhuyễn hoặc nhai nhỏ 1 nắm cỏ mực sạch rồi đắp vào vết thương hở.

               10. Giúp đen tóc và dưỡng da: Cỏ mực có tác dụng cải thiện quá trình tuần hoàn máu ngoài da (nhất là da đầu), làm cho da, tóc được cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ, do đó da dẻ sẽ mịn màng, tóc sẽ đen mượt hơn.

               11. Trị râu tóc bạc sớm: Lấy một nắm cỏ mực rửa sạch, đun sôi rồi cô đặc thành cao, sau đó thêm vào một lượng vừa đủ mật ong và nước gừng, rồi cô đặc lại lần nữa. Bỏ cao vào chai để dùng dần, mỗi lần dùng 1 đến 2 muỗng canh hòa với nước sôi để ấm hay cho ít rượu gạo vào để uống. Mỗi ngày uống 2 lần, cao này có công dụng bổ thận, ích tinh huyết, làm đen râu tóc.

               12. Trị di mộng tinh do tâm thận nóng: 30g cỏ mực, sắc lấy nước uống mỗi ngày, hoặc có thể phơi khô rồi tán thành bột mịn, mỗi ngày lấy 8g bột hòa với nước cơm uống.

               13. Trị loét ống tiêu hóa chảy máu: 30g cỏ mực và 30g cỏ bấc, đem đun sôi, lấy nước uống

               14. Trị rong kinh: Nếu phụ nữ bị rong kinh nhẹ, dùng cỏ mực đã phơi khô sắc lấy nước uống hoặc cỏ mực tươi giã nhuyễn vắt lấy nước cốt uống. Nếu ra máu nhiều, cần thêm vào cây huyết dụ hoặc trắc bá diệp, làm tương tự.

               15. Trẻ bị tưa lưỡi: Cỏ mực tươi 4g, lá hẹ tươi 2g. Đem hỗn hợp giã nhuyễn, lấy nước cốt hòa với mật ong chấm lên lưỡi, cách 2 giờ chấm 1 lần

               16. Chữa cơ thể suy nhược, kém ăn, ăn không ngon, thiếu máu, gầy yếu: Cỏ mực 100g, cỏ mần trầu 100g, gừng khô 50g. Đem hỗn hợp cắt nhỏ, sao sơ, khử thổ, thêm vào hỗn hợp 3 chén nước dừa tươi nấu đến khi còn 8 phân, mỗi ngày chia làm 2 lần uống.

               17. Tác dụng ức chế ung thư, giúp tăng cường miễn dịch: Cây cỏ mực còn có tác dụng ức chế quá trình phát triển của các tế bào ung thư, đặc biệt là ở ung thư dạ dày. Ngoài ra còn kích hoạt hệ miễn dịch, tác dụng mạnh đối với tế bào Limphô T.

               18. Trị chóng mặt, hoa mắt do can thận âm hư tổn: Cỏ mực và sinh địa mỗi loại 15g. Đem  sắc nước uống mỗi ngày 2 lần. Uống liên tiếp trong vòng 30 ngày. Bài thuốc này cũng giúp trị râu tóc bạc sớm và rụng tóc.

               19. Hỗ trợ trong chữa trị chứng giảm tiểu cầu máu: 10g cỏ mực, 5g nhân sâm, một ít gạo tẻ và đường trắng. Cắt nhân sâm thành từng lát mỏng rồi hấp chín. Cỏ mực rửa sạch sắc lấy nước để nấu cháo. Cháo chin cho nhân sâm vào, thêm vào ít đường cho vừa ăn. Dùng thay bữa ăn sáng mỗi ngày, dùng liên tục trong 5 ngày.

               20. Phòng và điều trị viêm da: Lấy một nắm cỏ mực tươi rửa sạch, rồi vò nát, lấy bã sát lên chân tay cho tới khi màu da chuyển thành tím đen nhạt.

               21. Chữa bệnh sỏi thận: 25g cỏ mực, 15g xa tiền thảo. Sắc lấy nước uống, có thể thêm vào 1 ít đường trắng cho dễ uống. Dùng thay trà, uống trong vòng 30 ngày.

               22. Chữa sốt xuất huyết: 16g cỏ mực, 16g bông mã đề, 16g kinh giới (sao đen), 12g lá cúc tần, 20g sắn dây, 3 lát gừng. Đem tất cả nấu với 600ml nước, đun sôi. Uống ngày 3 lần.

               23. Chữa suy thận: Cỏ mực đem rửa sạch, thái nhỏ , phơi khô rồi sao vàng trên lửa than. Đậu đen rang hơi cháy có mùi thơm là được . Mỗi ngày dùng 30g cỏ mực đã được sao vàng và 40g đỗ đen rang cháy nấu trong 2 lít nước, nấu khi nước sôi một lúc có thể chắt lấy nước uống cả ngày . Sau khi chắt hết nước, có thể nấu lại 2 hoặc 3 lần, rồi mới thay thang thuốc mới.

               Khi sử dụng bài thuốc này, người bệnh cần kiên trì thực hiện trong thời gian dài sẽ thấy hiệu quả. Bài thuốc này rất tốt đối với những người bệnh giai đoạn đầu có thể chữa khỏi, đối với những người suy thận nặng phải chạy thận, lọc máu…Uống thuốc này chỉ có thể hỗ trợ,  giảm phát triển của bệnh.

               24.  Chữa mày đay: Cỏ mực, rau diếp cá, lá xương sông, lá huyết dụ, lá khế, lá dưa chuột,l á nhài, lá cải tươi. Tất cả giã nát, chế nước vào, vắt lấy nước uống, bã dùng xoa, đắp chỗ sưng.

               25. Khạc ra máu: Cỏ mực 60g cỏ mực, 40g rễ cỏ tranh, thêm ít thịt heo nạc, ninh lấy nước uống.

               Những lưu ý khi sử dụng cây cỏ mực:

               - Những người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy, âm hư không có nhiệt: Không được dùng cỏ mực

               - Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi khi bị sốt chỉ nên sử dụng lá cỏ mực để đắp (bẹn, nách). Hạn chế cho uống, để đảm bảo vệ sinh vô trùng cho trẻ.

               - Đối với những bệnh nhân có tiền sử bị rối loạn chức năng đại tràng, đầy bụng, chậm tiêu thì không sử dụng thuốc từ cỏ mực.

               - Đặc biệt cỏ mực kỵ với phụ nữ mang thai vì nếu uống cỏ mực có thể bị sảy thai.

               Khi dùng những bài thuốc từ cây cỏ mực để điều trị bệnh, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng, cách sử dụng để đạt hiệu quả tốt nhất.

 

Sưu tầm - Tổng hợp