CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 19/02/2020

09:00 19/02/2020

Giá thanh long Bình Thuận tăng gấp ba lần chỉ sau 3 ngày - Người trồng tiêu Bình Phước lao đao vì mất mùa, rớt giá - Đồng Tháp: Nông dân trúng mùa, trúng giá vụ lúa đông xuân 2020 - Người tiêu dùng 'xanh mắt' vì giá rau xanh tăng cao - Phú Yên: Tôm hùm đại dương giá chỉ 200.000 đồng/kg .

 

Giá thanh long Bình Thuận tăng gấp ba lần chỉ sau 3 ngày  (19/02/2020)

Ba ngày qua, giá thanh long tại tỉnh Bình Thuận liên tục tăng mạnh, lên đến gấp 3 lần so với trước đó không lâu.

Bên cạnh sản lượng trái chín đang ít dần thì việc các bên liên quan tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ ngoài Trung Quốc đã giúp giá loại trái cây này tăng đột biến.

Sau khi được nhiều thương lái liên tiếp tìm đến vườn hỏi mua, sáng 18/2, anh Trương Bá Toàn thôn Xuân Điền, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc đã bán 900 tấn thanh long trong vườn. Mấy ngày trước, anh chỉ ước lứa thanh long này có thể bán với giá khoảng 10.000 đồng/kg để mong huề vốn thì nay thương lái hỏi mua với giá đến 15.000 đồng/kg.

Anh Toàn chia sẻ: “Tôi cảm thấy hết sức may mắn. Vì giá thanh long này thì không ai có thể canh trước được. Thậm chí lứa này trước đó tôi chuẩn bị tinh thần là bán với giá rất thấp, chứ không nghĩ lại được giá như vậy".

Từ ngày 16/2 đến nay, giá thanh long tại Bình Thuận liên tiếp tăng chóng mặt. Trước đó 3 ngày, nhiều chủ vườn còn lo lắng vì trái chín đỏ cây nhưng không ai mua thì nay giá đã lên gấp ba lần, từ 5.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg, thậm chí là 18.000 đồng/kg với loại tốt.

Chị Nguyễn Thị Hiền - một thương lái thu mua tại huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Giá chỉ tăng 2 - 3 hôm nay. Từ 5.000, 6.000 đồng rồi mỗi ngày lên hai ba giá. Cứ hôm trước hỏi mua một giá hôm sau lại tăng gấp đôi”.

Theo ghi nhận, nguồn thanh long đang chín tại Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc đã giảm đáng kể so với trước đó. Sản lượng ít, trong khi nhu cầu của các thương lái đang rất cao khiến giá thanh long tăng đột biến.

Ngoài ra, theo ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận, trong thời gian giao thương với phía Trung Quốc gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì địa phương đã chủ động mở thị trường tiêu thụ.

Từ đầu tháng 2/2019 đến nay, trái thanh long Bình Thuận đã tiếp cận được với thị trường các nước như: Ấn Độ, Singapores, Canada, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất…cũng giúp cho giá thanh long tăng mạnh.

Tỉnh Bình Thuận cũng đã kết nối với các đơn vị phân phối để thúc đẩy sản lượng tiêu thụ trong nước nhằm tìm đầu ra ổn định cho loại trái cây này, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc./.

Nguồn: Vov.vn

 

 

Người trồng tiêu Bình Phước lao đao vì mất mùa, rớt giá  (19/02/2020)

Do đầu tư ồ ạt, giá cả xuống thấp cùng với tình trạng mất mùa, khan hiếm nhân công thu hoạch khiến người trồng tiêu Bình Phước đang trong cảnh lao đao.

Khoảng 3 năm nay, giá tiêu liên tục lao dốc, từ xấp xỉ 200.000 đồng/kg vào những năm 2015 - 2016, hiện nay, giá tiêu chỉ dao động trong khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg khiến các hộ trồng tiêu khốn đốn.

Là hộ trồng tiêu lâu năm ở ấp Sóc Rung, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh, bà Vũ Thị Hoa cho biết, với 3.000 trụ tiêu, những năm trước đây gia đình bà lãi hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, nhưng 2 năm nay liên tục lỗ.

“Năm ngoái, nhà tôi thu hoạch được 6 tấn tiêu, nhưng năm nay thu hoạch chưa nổi 1 tấn tiêu. Trong khi nhiều chi phí phải chi trả như trả tiền điện tưới hàng tháng, tiền phân bón, thuê nhân công hái. Với sản lượng và giá cả như vậy chỉ đủ để trả tiền điện với công hái thôi. Công nhà và phân bón bỏ ra coi như không có”, bà Hoa nói.

Giá tiêu giảm mạnh, nhà nông không có lời khiến các hộ không mấy mặn mà đầu tư chăm sóc cho vụ mùa sau dẫn đến tình trạng cây tiêu kiệt sức nên mất mùa. Cùng với đó, thời tiết tại Bình Phước diễn biến thất thường cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến sinh trưởng và năng suất của cây tiêu... Hàng loạt vườn tiêu chết do các mầm bệnh như thán thư, bệnh chết chậm, chết nhanh... trong những mùa mưa.

Nỗi buồn mất mùa rớt giá chưa nguôi, người trồng tiêu tại Bình Phước lại “như ngồi trên đống lửa” vì không tìm được người hái dù đã làm mọi cách để thu hút nhân công, như: tăng giá thuê hay thuê hái khoán ăn theo sản lượng hoặc chia đôi sản lượng.

Bà Lê Thị Nghĩa, ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp có 2000 trụ tiêu đang chín rộ nhưng không tìm được nhân công hái cho biết: “Năm nay nhân công thu hái không có, cả vườn mà chỉ có 2  vợ chồng tôi và 2 công hái. Mỗi năm tiêu trúng mùa thì trung bình mỗi công hái được khoảng 15kg tiêu khô, chứ giờ thất mùa chỉ tầm 10kg thôi mà tiền công lên đến 150.000 - 160.000/ngày/người”.

Vụ tiêu 2019 - 2020 đang vào chính vụ, hầu hết các vườn tiêu của người dân đều chín rộ. Theo các hộ trồng tiêu, trung bình 100kg tiêu chuỗi tươi sau khi xay, phơi khô thì được khoảng được 10kg tiêu khô. Với giá tiêu như hiện nay dao động 37.000 - 40.000 đồng/kg, quy ra 10 ký tiêu khô nhà nông thu được khoảng 400.000 đồng, trừ chi phí thu hái chỉ còn 100.000 đồng, không đủ chi trả công xay, phơi khô, tưới tiêu, chăm sóc, phân bón... Không tìm được công hái, nhiều hộ đã bỏ ra hàng chục triệu đồng mua lưới trải dưới gốc để hứng những chuỗi tiêu chín rụng.

Ông Trần  Văn Tuân, ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp xót của nói: “Nếu chia đều ra nhân công hái lấy mất hai phần, chủ nhà chỉ được một phần mà thôi. Tính hết chi phí đầu tư chăm sóc suốt một năm thì người nông dân không còn một chút nào, cho nên trắng tay. Rải lưới là để tránh thất thoát, vì tiêu không phải chín đồng loạt một lần mà chín từ từ. Bắt buộc phải rải lưới để giảm bớt thất thoát tiêu rơi xuống đất, chứ không chi phí thuê nhân công lượm lặt lại càng tốn thêm”.

Không chấp nhận giá tiêu xuống thấp, nhiều nhà vườn “găm hàng” chờ giá lên để bán. Nhưng họ không ngờ giá tiêu ngày càng xuống chứ không thấy lên, cá biệt có hộ đang ôm đến 20 tấn tiêu sau nhiều năm... Vì những khó khăn trên mà diện tích trồng tiêu của Bình Phước hiện đã giảm 132ha so với cùng kỳ năm 2018.

Trước tình trạng trên, chính quyền và hội nông dân các địa phương cũng đã vận động tuyên truyền người dân không mở rộng thêm diện tích, đồng thời có thể trồng xen canh các loại cây khác trên diện tích cây tiêu. Bên cạnh đó kiến nghị khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ trồng tiêu đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Anh Trung, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh cho hay: "Chính quyền địa phương cũng đang cố gắng tuyên truyền, vận động bà con trồng những cây xen canh để giải quyết cái trước mắt, cầm cự cây tiêu. Hy vọng giá tiêu thời gian tới lên lại. Đồng thời, cũng đang đề xuất với các ngân hàng mong muốn giải quyết gia hạn cho những hộ khó khăn, trong lúc người dân đang gặp khó khăn để người dân có thêm điều kiện sinh hoạt, ổn định vực lại kinh tế".

Bình Phước là một trong những địa phương có diện tích trồng tiêu lớn của cả nước với khoảng 16.855ha, tập trung ở các huyện biên giới như: Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập... Trong bối cảnh giá tiêu tiếp tục lao dốc, trong khi giá vật tư, phân bón, công thu hái ngày một tăng thì nguy cơ nhiều gia đình bị vỡ nợ, bỏ vườn đang hiển hiện trước mắt nếu không có sự can thiệp hỗ trợ kịp thời từ các cấp, ngành./.

Nguồn: Vov.vn

 

 

Đồng Tháp: Nông dân trúng mùa, trúng giá vụ lúa đông xuân 2020  (19/02/2020)

Những ngày qua, nông dân huyện Hồng Ngự bắt đầu thu hoạch vụ lúa đông xuân năm 2020 trong tâm thế vui tươi, phấn khởi vì lúa vượt năng suất dự kiến, giá bán cao. Vụ lúa đông xuân năm nay, ông Nguyễn Văn Le (xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự) canh tác 6ha với giống Đài Thơm 8, sau thu hoạch, năng suất đạt 900 kg/công, tăng 200 kg/công so với vụ trước khi không xả lũ. Ngoài ra, chi phí sản xuất cũng thấp do đất có phù sa, lúa ít sâu bệnh. “Theo tính toán của tôi, với giá lúa hiện tại là 5.200 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 2,5 triệu đồng/công” - ông Nguyễn Văn Le phấn khởi nói.

Ông Đặng Văn Te (xã Thường Lạc) vui mừng cho biết, 8ha lúa của ông cho năng suất hơn 900kg/ha, tăng khoảng 300 kg/ha so với năm trước. Niềm vui nhân đôi khi giá lúa cũng tăng cao, ông Te tính nhẩm vụ lúa đông xuân này ông “bỏ túi” trên 150 triệu đồng. Vụ lúa đông xuân 2020, nông dân huyện biên giới Hồng Ngự đặt nhiều kỳ vọng vào vụ mùa bội thu, bởi trước đó huyện đã thực hiện việc xả lũ lấy phù sa cho khoảng 9.000ha đất lúa. Được biết, vụ lúa đông xuân năm nay, toàn huyện Hồng Ngự sản xuất khoảng 11 ngàn ha, chủ yếu là giống lúa Đài Thơm 8. Hiện các diện tích lúa trên địa bàn huyện đang bước vào mùa thu hoạch. Theo nhiều thương lái thu mua lúa tại ruộng đối với giống Đài Thơm 8 là 5.200 đồng/kg; IR 50404: 4.600 đ/kg. Với giá bán này, cộng với năng suất cao, đa phần nông dân làm lúa đều có lợi nhuận.

Nguồn: Báo Đồng Tháp

 

 

Người tiêu dùng 'xanh mắt' vì giá rau xanh tăng cao  (18/02/2020)

Mặc dù điều kiện thời tiết ủng hộ, rau xanh phát triển tốt, nhưng giá rau tại các chợ đang ở mức rất cao gần 1 tháng nay, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người tiêu dùng.

Chị Trần Thị An, bán rau xanh tại chợ Đồng Xa, Mai Dịch, Cầu Giấy cho biết sau trận mưa đá dữ dội đêm 30 và ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, từ mùng 2 Tết khi một số chợ họp rải rác trở lại, giá rau xanh bất ngờ tăng mạnh.

“Tôi đi chợ đầu năm lấy hàng để bán lấy hên, mà giá một cây súp lơ xanh lên đến 25.000 - 30.000 đồng đối với cây bé chỉ như nắm tay trẻ em. Với giá này, phải bán 50.000 đồng mới bõ công lọ mọ chợ búa từ mùng 2 Tết. Thế nhưng, vẫn chỉ dám bán ra 35.000 đồng mà vẫn bị khách hàng kêu quá trời đất” - chị Hà chia sẻ.

Thực tế, câu chuyện rau xanh tăng giá không phải mới, mỗi khi gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi như bão lụt, mưa nhiều gây úng ngập, hạn hán, mưa đá, giông lốc…

Thế nhưng, trận mưa đá diễn ra cả gần 1 tháng, thời tiết đợt vừa rồi có nhiều trận nồm ẩm, mưa nhiều… thuận lợi để rau xanh phát triển, tại sao giá rau tại các chợ vẫn cao ở mức khó chấp nhận?

Hiện tại, giá rau tại các chợ phổ biến ở mức: Bắp cải: 15.000 đồng/kg (trong khi tại Lâm Đồng chỉ khoảng 1.000 đồng/kg, nhiều nông dân đang muốn đổ bỏ); su hào: 8.000 đồng/củ; cải cúc: 15.000 đồng/mớ (bình thường chỉ 5.000 đồng/mớ); cần ta, rau muống: 15.000 đồng/mớ (bình thường chỉ 5.000 - 7.000 đồng); hành, mùi tím, xà lách, rau thơm các loại: 50.000 đồng/kg (bình thường chỉ 15.000 - 20.000 đồng); nấm đùi gà: 150.000 đồng/kg (bình tường chỉ 50.000 - 60.000 đồng); bí xanh: 20.000 đồng/kg; bí đỏ: 15.000 đồng/kg…

“Nhìn chung, các loại rau đều đắt gấp 3 lần và rất khó bán vì người tiêu dùng chê đắt” - chị Nguyễn Thị Hà, kinh doanh rau tại chợ Thái Hà (Hà Nội) chia sẻ.

Còn theo chị Nguyễn Thị Nga, kinh doanh rau xanh tại chợ Cửa Đông (Vinh, Nghệ An), rau xanh tại Nghệ An gần 1 tháng nay cũng có giá rất cao và chất lượng rau không tốt.

“Bình thường chúng tôi vẫn lấy rau từ Hà Nội về bán, nhưng nay rau ở Hà Nội rất đắt, xe chạy đường dài dễ bị dập, hỏng nên tôi không dám ôm vào, đành quanh quẩn bán các loại rau lấy từ đầu mối chợ địa phương nên không ngon mắt, khách hàng không ưng ý” - chị Hà cho hay.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), tổng hợp của các địa phương tại các tỉnh phía Bắc cho thấy vụ đông 2019 - 2020, tổng diện tích rau đậu các loại ước đạt khoảng 180.000ha, giảm khoảng 5.000ha so với vụ đông năm 2018-2019. Tuy nhiên, mức giảm này không có nhiều tác động tới nguồn cung rau trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Nguyên do bởi, hầu hết diện tích rau vụ đông trên chân đất lúa đã được thu hoạch dứt điểm từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý. Điều này lí giải tại sao trước tết, mặc dù nhu cầu tiêu thụ rau các loại tăng mạnh, nhưng giá rau vẫn ổn định.

Tuy nhiên, kể từ sau tết, do nguồn cung rau (đã giải phóng đất để đổ ải) giảm mạnh, đa số chỉ còn lại trên chân đất chuyên màu, nên nguồn cung rau nhìn chung đã giảm mạnh ở giai đoạn chuyển giao mùa vụ, nhất là các loại rau ăn lá ưa lạnh như rau cải các loại, xà lách, rau gia vị, hành tỏi, cải bắp, su hào… nên giá rau có xu hướng tăng.

Dự báo, khoảng 2-3 tuần nữa, khi thời tiết ấm hơn, rau phát triển tốt sẽ tăng nguồn cung trên thị trường, kéo giá rau xuống thấp.

Nguồn: Báo Lao Động

 

 

Phú Yên: Tôm hùm đại dương giá chỉ 200.000 đồng/kg  (18/02/2020)

Những ngày này, ngư dân Bình Định, Phú Yên bước vào vụ thu hoạch ruốc và tôm hùm. Mặc dù sản lượng không giảm nhưng nhiều đơn vị thu mua thủy sản đóng cửa.

Ghi nhận tại cửa biển xã Sương Hải, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, ngư dân đang bắt đầu vào chính vụ ruốc. Theo ước tính, mỗi chuyến cào ruốc một thuyền có thể thu bắt được từ 200 - 300kg ruốc.

Giá ruốc cùng kì năm ngoái khoảng 25.000 đồng/kg, nhưng năm nay mới đầu vụ giá chỉ còn 20.000 đồng/kg. Lí do được các thương lái đưa ra là không thể xuất được đi Trung Quốc, do dịch bệnh Covid-19.

Bà Lê Thị Lan, người dân địa phương cho biết: "Mới đi đc 2 chuyến biển mà giá đã như thế này thì chúng tôi rất lo lắng".

Tương tự, giá tôm hùm cũng bắt đầu lao dốc. Chỉ trong vòng một tuần, 1 kg tôm hùm giảm từ 700.000 đồng/kg xuống chỉ còn 200.000 đồng/kg.

Bà Lê Thị Lý, chủ tàu đánh bắt tôm hùm ở xã Sương Hải cho biết: "Mỗi chuyến biển may mắn cũng bắt được khoảng 50 - 70 kg tôm hùm tự nhiên. Với giá như thế này chưa đủ tiền dầu và tiền công cho các thuyền viên. Vì thế những ngày tới chắc chắn tàu không thể ra khơi".

Theo người dân địa phương, giá của những loại hải sản này giảm cũng là điều dễ hiểu. Bởi lượng khách du lịch về khu vực Quy Nhơn, Sông Cầu gần như rất ít. Nhiều nhà hàng hải sản chẳng thấy có bóng dáng khách nhậu.

Ghi nhận tại vùng nuôi tôm hùm thành phố Quy Nhơn, nhiều hộ nuôi tôm hùm cho biết tôm hùm thương phẩm cũng đang giảm giá, vì thế khiến họ rất lo lắng.

Tại nhiều ngư trường, những người đánh bắt tôm hùm cũng đang ở thời điểm khó khăn. Bởi tôm hùm giống không còn là mặt hàng được nhiều hộ nuôi tôm săn đón như mọi năm.

Hiện nay, một số chuỗi cửa hàng thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đang triển khai chiến dịch "giải cứu tôm hùm". Siêu thị Vinmart tuyên bố bán hàng không lợi nhuận.

Theo đó, giá tôm hùm xanh baby đông lạnh trọng lượng 0,2 - 0,3kg/con giá 495.000 đồng/kg (áp dụng từ ngày 16/2 đến 23/2).

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam