CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 20/02/2020

09:00 20/02/2020

Trái thanh trà sản lượng khá, giá cao - Đồng Nai: Năng suất điều tăng, giá giảm - Long An: Giá thanh long tăng trở lại, nhà vườn mừng nhưng vẫn lo - Giá gia cầm dần phục hồi, giá lợn đã bớt cao - Không có chuyện phải 'giải cứu' 40.000 tấn sầu riêng .

 

Trái thanh trà sản lượng khá, giá cao  (20/02/2020)

Theo một số nhà vườn, trái thanh trà (trồng nhiều ở xã Đông Thành) năm nay sản lượng khá hơn năm ngoái và giá bán lẻ khá cao.

Anh Trần Văn Vũ (ấp Đông Hưng 2, xã Đông Thành) cho biết, nhà trồng gần 20 gốc thanh trà cho thu hoạch khá. Đôi ba ngày anh hái một lần, mỗi ngày anh bán từ 10- 20kg trái thanh trà tươi, giá bán lẻ 60.000 đ/kg. Theo nhà vườn này, đó là giá bán trái thanh trà loại vừa chua vừa ngọt; còn trái thanh trà ngọt giá gấp đôi.

Có 3 sản phẩm từ cây thanh trà được các nhà vườn dọc QL54 (đoạn qua 2 ấp Đông Hưng 2 và Đông Hưng 3) bày bán cho khách: trái thanh trà tươi, mứt thanh trà (thanh trà ngào đường, 50.000 đ/keo) và cây giống (chiết nhánh, giá 30.000 đ/nhánh).

Theo nhà vườn ở đây, mỗi mùa thanh trà thường từ cuối tháng Chạp năm trước tới tháng 3 âm lịch năm sau.

Nguồn: Báo Vĩnh Long

 

 

Đồng Nai: Năng suất điều tăng, giá giảm  (20/02/2020)

Nhiều nông dân trồng điều ở các huyện Trảng Bom, Xuân Lộc cho biết, năng suất điều năm nay tăng nhưng giá bán lại giảm, dù lúc này mới chỉ là đầu mùa thu hoạch.

Nhiều hộ nông dân cho rằng, thời điểm điều trổ bông, đậu trái thì thời tiết khá thuận lợi, không bị ảnh hưởng bởi các trận mưa trái mùa và sương muối nên tỷ lệ đậu trái cao, ước khoảng 2 - 2,5 tấn hạt/hécta, tăng khoảng 30% so với năm trước. Hiện điều tươi thương lái mua tại vườn vào khoảng từ 26 - 27 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 5 - 7 ngàn đồng/kg so với đầu vụ năm trước.

Nông dân Nguyễn Văn Mười, ấp 2, xã An Viễn (huyện Trảng Bom) cho biết, do chủ động bón phân, phun thuốc phòng trừ bệnh cộng với thời tiết đỡ khắc nghiệt hơn các năm trước nên năng suất điều trong vườn của anh đạt khoảng 2,2 - 2,5 tấn hạt/hécta, tăng mạnh so với vụ trước. Cũng theo anh Mười, đây là năng suất của vườn cây 20 năm tuổi, các vườn cây khoảng 10 năm tuổi, vườn điều giống mới thì năng suất còn tốt hơn. Tuy nhiên, hiện tại giá bán hạt điều khá thấp. “Những năm trước khoảng 1 tháng đầu thu hoạch, tôi bán giá trên 30 ngàn đồng/kg, về sau mới giảm dần. Năm nay, mới đầu vụ nhưng tôi chỉ bán được giá 26,6 ngàn đồng/kg. Cuối vụ chắc điều xuống còn dưới 20 ngàn đồng/kg. Hiện công thu hoạch đang là 300 ngàn đồng/ngày. Tính ra, được mùa nhưng lãi không tăng” - anh Mười cho hay.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có trên 36 ngàn hécta điều. Điều là cây chủ lực có diện tích lớn nhất trong nhóm các cây chủ lực của tỉnh và cũng là mặt hàng nông sản đứng đầu về sản lượng và giá trị xuất khẩu. 3 địa phương có diện tích điều lớn là: Xuân Lộc, Trảng Bom, Định Quán.

Thực hiện đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp, từ đó tăng giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian qua, nhiều hộ trồng điều đã mạnh dạn chặt bỏ điều già cỗi trồng điều cao sản, tiến hành ghép điều trên những vườn cây đang thu hoạch, xen canh các loại cây trồng khác vào vườn điều, nhờ đó, năng suất, thu nhập có phần được cải thiện hơn so với vài năm trước.

Nguồn: Báo Đồng Nai

 

 

Long An: Giá thanh long tăng trở lại, nhà vườn mừng nhưng vẫn lo  (20/02/2020)

Sau nhiều ngày im ắng vì giá thanh long rớt thê thảm, trong mấy ngày qua, vùng trồng thanh long huyện Châu Thành, tỉnh Long An bỗng sôi động khi giá mua loại trái cây này hồi phục trở lại.

Sáng ngày 19.2, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bé Hai (xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, Long An) thu hoạch thanh long trên 2.000m² đất nhà trồng. Ông Bé Hai cho biết, số thanh long này ông đã bán “non” cho thương lái cách đây 1 tuần với giá 12.000 đồng/kg. Vì vậy, dù mấy ngày nay giá thanh long đã tăng lên 25.000 đồng/kg, ông vẫn phải giao hàng cho thương lái theo giá cũ.

Tuy có tiếc, nhưng ông Bé Hai tự an ủi là mình còn may mắn hơn đứa cháu ở nhà kề bên khi phải bán thanh long với giá 3.000 - 4.000 đồng/kg cách đây hơn 10 ngày. Cũng theo ông Bé Hai, vừa qua nhiều hộ dân trong xóm thậm chí còn hái bỏ thanh long để chờ vụ sau vì giá bán xuống quá thấp, không đủ chi phí thu hoạch, vận chuyển…

Khảo sát thực tế trên các tuyến đường ở huyện Châu Thành, cảnh thu hoạch, vận chuyển, thu mua, sản xuất thanh long đã sôi động trở lại chứ không im ắng như cách đây 10 ngày. Nhiều kho thanh long đã xuất hàng lên xe container, đồng thời nhận hàng mới trở lại. Công nhân đã đi làm trở lại ở các nhà kho, cơ sở chế biến thanh long…

Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công thương Long An - cho biết, những ngày qua thương lái Trung Quốc tăng giá mua thanh long ruột đỏ ở Long An, từ 5.000 - 10.000 đồng/kg nhích dần lên 15.000 - 20.000 đồng/kg, thậm chí có lúc phát giá lên 30.000 - 40.000 đồng/kg, gần bằng với mức giá trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng chủ yếu là giá đặt cọc để cuối tháng nhận hàng, chứ không phải là giá mua ngay bây giờ.

Theo ông Đức, việc thương lái Trung Quốc tăng giá mua (đặt cọc) thanh long, là nhờ một lượng thanh long đáng kể bị ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc được thông quan thời gian qua, giúp cho thanh long đang nằm kho ở Long An có thể xuất đi tiếp.

Bên cạnh đó, theo ông Đức, thời gian qua Bộ NNPTNT và các tỉnh đã có nhiều nỗ lực giúp tiêu thụ thanh long (như tăng cường tiêu thụ nội địa, xuất khẩu đường biển, tìm thị trường khác…). Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vào cuộc đẩy mạnh tiêu thụ thanh long nội địa và xuất khẩu. Việc ấy làm cho các thương lái Trung Quốc sợ mất nguồn hàng, buộc phải có động thái để giữ nguồn thanh long. Nhất là khi tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu giảm nhiệt, một khi mọi việc trở lại bình thường, nhu cầu tiêu thụ thanh long ở thị trường Trung Quốc là rất lớn.

Ông Đức nhận định, nếu sắp tới thương lái Trung Quốc mua đúng giá đang đặt cọc, đó là điều rất tốt. Còn nếu họ không giữ đúng cam kết đặt cọc, điều đó càng tiếp tục gây khó khăn cho tiêu thụ thanh long.

“Thời gian qua, nhờ sự nỗ lực kết nối, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vào cuộc tiêu thụ thanh long. Nhưng khi các thương lái Trung Quốc đẩy giá lên (cao hơn giá tiêu thụ nội địa), nhiều nhà vườn ngưng giao cho các doanh nghiệp trong nước, chờ giao cho thương lái Trung Quốc. Nếu đến hẹn mà thương lái Trung Quốc không nhận hàng hoặc hạ giá mua, mọi chuyện sẽ càng thêm khó khăn”, ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, tỉnh Long An đang nỗ lực xúc tiến thương mại cho trái thanh long xuất khẩu đi nhiều thị trường khác, trước mắt là Ấn Độ, Dubai,…, đồng thời tăng cường tiêu thụ nội địa, để giảm dần phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường. 

Theo Sở Công thương Long An, hiện toàn tỉnh có hơn 10.000ha thanh long, trong đó gần 9.600ha thanh long đang cho trái, sản lượng gần 300.000 tấn/năm. Trong đó 70 - 80% tiêu thụ thị trường Trung Quốc. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra, sản lượng thanh long tồn chưa tiêu thụ được cuối tháng 1 và trong tháng 2.2020 ước tính vào khoảng 30.000 tấn. Trong đó đang tồn trong kho khoảng 2.000 tấn, thanh long đang chín tới trên cây khoảng 28.000 tấn.

Nguồn: Báo Lao Động

 

 

Giá gia cầm dần phục hồi, giá lợn đã bớt cao  (19/02/2020)

Sau khi giảm mạnh do ảnh hưởng của Covid-19 và dịch cúm giá cầm A/H5N6, hai tuần gần đây giá vịt cơ bản phục hồi còn giá gà bắt đầu khởi sắc.

Sau khi giảm xuống 17.000 - 20.000 đồng/kg, bắt đầu từ giữa tuần trước giá vịt đã phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, giá trứng gà hiện cũng tăng từ 1.000 đồng/quả lên 1.400 - 1.500 đồng/quả khoảng hơn tuần nay mang lại niềm vui cho người nuôi gà trứng sau thời giá trứng dưới giá thành kéo dài.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Duy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, vịt bầu cánh trắng hiện có giá 35.000 - 36.000 đồng/kg, vịt siêu nạc super 25.000 - 27.000 đồng/kg. Với giá thành chăn nuôi vịt hiện tại khoảng 30.000 - 31.000 đồng/kg người nuôi vịt bầu cánh trắng đã có lãi trở lại còn vịt super cũng giảm bớt lỗ.

Lý giải nguyên nhân giá vịt giảm, ông Nguyễn Văn Duy cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các lễ hội, trường học gần như không hoạt động, cộng việc Trung Quốc chưa mở cửa biên giới khiến lượng tiêu thụ thịt vịt giảm mạnh dịp đầu năm.

Bên cạnh đó, thông tin cúm gia cầm xuất hiện lác đác tại một số tỉnh trong bối cảnh nguồn cung vịt thịt trên thị trường vẫn còn tương đối phong phú nên trong một thời điểm nào đó người chăn nuôi lo lắng giá sẽ giảm tiếp nên sẽ bán ra ào ạt khiến giá đang thấp lại giảm sâu hơn. Nhưng khi tâm lý ổn định trở lại, nhu cầu tăng lên, hiện tượng tranh bán không còn nữa giá vịt ngay lập tức phục hồi từ giữa tuần trước đến nay.

Còn ông Nguyễn Hoàng Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco cho rằng, thực tế dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra lác đác nhiều năm gần đây, nguyên nhân chủ yếu do người dân chủ quan không làm đầy đủ vacxin.

Ông Nguyên chia sẻ, ngay sau khi thấy thời tiết có những điều kiện thuận lợi do cúm gia cầm phát triển, Dabaco ngay lập tức lấy mẫu xét nghiệm đàn gà bố mẹ để kiểm tra xem mật độ kháng thể vacxin cúm gia cầm cao hay thấp, nếu thấy thấp cho tiến hành tiêm nhắc bổ sung nên đến nay 100% đàn gà bố mẹ và gà thương phẩm của Dabaco đều an toàn trước dịch cúm gia cầm.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Nguyên, dịch cúm AH5N6 hiện nay chủ yếu là các ổ dịch nhỏ lẻ tại một số địa phương, không phải dịch quy mô cấp tỉnh hay cấp quốc gia như dịch tả lợn Châu Phi năm 2019, đặc biệt vacxin cúm gia cầm rẻ và dễ mua nên người chăn nuôi bình tĩnh, không quá hoang mang, hoảng loạn, gà đến tuổi bán bình thường, đến lứa vào đàn mới cứ vào theo kế hoạch bởi chia bình quân cả năm có lãi mới là cái đích cuối cùng người chăn nuôi hướng tới.

Ông Nguyễn Thế Chinh, Giám đốc Ban quản lý Chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam cho biết, ngay sau khi các doanh nghiệp lớn như C.P, Dabaco giảm giá lợn ngày 15 - 16/2, đến ngày hôm nay (18/2) giá lợn tại chợ đầu mối Hà Nam đã giảm xuống còn 74.000 - 75.000 đồng/kg với lợn 3 máu.

Nhưng ông Chinh cho biết, số lượng lợn tiêu thụ qua chợ hiện nay so với bình quân trước lúc có dịch chỉ bằng 1/2 do nông dân không dám hoặc không có tiền để tái đàn bởi nguy cơ bệnh tả lợn Châu Phi tái bùng phát vẫn còn rất lớn.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi cho rằng, tổng kết giá lợn từ năm 2015 đến nay cộng diễn biến giá gia cầm gần đây cho thấy, giá cả gia súc gia cầm bị ảnh hưởng chủ yếu bởi cung cầu và tâm lý người chăn nuôi.

Không đâu xa, năm 2019 khi cao điểm của dịch tả lợn Châu Phi khiến giá lợn hơi xuống xung quanh 30.000 đồng/kg trong vòng nhiều tháng không thể lên nổi mặc dù tổng đàn lợn nái, lợn thịt cả nước đã giảm mạnh do cơn bão giá và dịch lở mồm long móng năm 2017 và 2018 trước đó.

Nguyên nhân do người chăn nuôi, đặc biệt là nông hộ nhỏ lẻ vì lo sợ dịch tả lợn Châu Phi đã bán lợn ra bằng mọi giá, thậm chí bán cả lợn biểu cân 50 - 60kg khiến nguồn cung tăng đột biến nên giá không thể lên được.

Tuy nhiên, khi lượng lợn bán tháo trong dân dần cạn kiệt, nguồn cung của doanh nghiệp vẫn duy trì ổn định, ngay lập tức từ cuối năm 2019 đến nay giá lợn tăng một mạch lên ngưỡng 80.000 - 90.000 đồng/kg và nay giảm xuống còn 75.000 đồng/kg.

Vì vậy, có thể nhận định từ nay đến cuối năm 2020 giá lợn hơi sẽ rất khó để giảm sâu về ngưỡng 45.000 - 50.000 đồng theo chỉ đạo của Ban điều hành giá của Chính phủ, tuy nhiên giá lợn cũng sẽ giảm dần bởi việc tái đàn của doanh nghiệp, HTX bắt đầu sẽ cho ra sản phẩm trong thời gian tới. Do đó, những tháng còn lại của năm 2020 giá lợn được dự báo sẽ dao động quanh trục 60.000 đồng/kg.

Việc cùng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đầu năm 2020, nhưng giá gia cầm ngay lập tức giảm mạnh xuống dưới giá thành, nhưng giá lợn gần như không bị tác động là chỉ dấu cho thấy có thể nguồn cung lợn trên thị trường đang thiếu hụt lớn và lượng lợn trong dân còn rất ít, bởi hiện tượng bán tháo gần như không có.

Còn với gia cầm, nguồn cung hiện không thiếu cũng không thừa, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cúm gia cầm đầu năm 2020 khiến giá đang tốt trước tết ngay lập tức giảm sau tết do tâm lý lo sợ bán tháo của nhóm chăn nuôi nhỏ lẻ.

Nhưng theo dự báo của nhiều chuyên gia, thời gian tới khi thời tiết ấm dần, dịch Covid-19, cúm gia cầm cơ bản được khống chế, Trung Quốc mở cửa hoàn toàn biên giới, học sinh đi học trở lại bình thường, chắc chắn giá gia cầm sẽ sớm hồi phục.

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

 

 

Không có chuyện phải 'giải cứu' 40.000 tấn sầu riêng  (19/02/2020)

Một số phương tiện truyền thông đưa tin “Hơn 40.000 tấn sầu riêng cần giải cứu” tại tỉnh Tiền Giang.

Để tìm hiểu rõ vấn đề này, chiều ngày 18/2, PV NNVN đã trao đổi qua điện thoại với bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Cty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (có địa chỉ tại ấp Nhơn Phú, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).

Bà Thu cho biết, giá sầu riêng đang ổn định trở lại. Hiện tại, Cty thu mua tại nhà vườn từ khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg. Riêng sầu riêng loại 1 được mua với giá từ 45.000 - 47.000 đồng/kg. Trong thời gian tới giá sầu riêng sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung giảm vì đã qua chính vụ.

Nói về thông tin hơn 40.000 tấn sầu riêng cần giải cứu tại tỉnh Tiền Giang, bà Thu cho rằng, hiện tại mua còn chưa đủ thì lấy đâu ra lượng sầu riêng lớn thế mà giải cứu?

Bà Thu dẫn chứng, hiện Cty của bà Thu đang cần thu mua 10 container sầu riêng đạt yêu cầu để cấp đông xuất khẩu sang thị trường Mỹ với giá 45.000 đồng/kg (mua của nông dân), nhưng không có nguồn cung. “Tôi hỏi mua nửa tháng nay chưa được 2 container hàng, lấy đâu ra 40.000 tấn”, bà Thu khẳng định.

Ngoài ra, theo bà Thu, thông tin 40.000 tấn sầu riêng cần giải cứu rất nguy hiểm, bởi sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường, giá cả rẻ rúng, mất giá trị của sầu riêng Việt Nam.

 “Trước hết là thiệt thòi cho doanh nghiệp, bán không được giá cao, tất nhiên sẽ không thể thu mua lại giá cao cho nông dân.

Ngoài ra, còn tác động đến tình hình tiêu thụ trong lúc không có chuyện sầu riêng tồn đọng cần phải giải cứu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc mua bán, xuất khẩu loại sản phẩm này của Việt Nam”, bà Thu nhấn mạnh.

Trước đó, trên một số phương tiện truyền thông có thông tin giá sầu riêng ở Tiền Giang đã giảm xuống chỉ còn 28.000- 30.000 đồng/kg so với mức giá 55.000- 60.000 đồng/kg trước thời điểm bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19). Có thông tin còn cho rằng, toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 40.000 tấn sầu riêng cần phải giải cứu vì không ai mua.

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam