CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Thông tin lụt bão - Sạt lở

An Giang sẽ xây 63 đập tạm để phòng, chống hạn, mặn

03:49 16/03/2021

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn An Giang,  hiện nay, mực nước trên các kênh rạch xuống thấp kèm theo nắng nóng khiến nguồn nước từ các giếng, suối, nguồn nước dự trữ không đảm bảo sử dụng, nên có khả năng thiếu nước sinh hoạt cục bộ cho các hộ dân ở vùng cao ven các đồi núi, vùng đồng bằng. Trong đó đặc biệt ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên. Trường hợp mặn từ tỉnh Kiên Giang xâm nhập vào sâu trong nội đồng, sẽ bị ảnh hưởng đến diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện Tri Tôn và Thoại Sơn của An Giang.

Nhằm chủ động phòng chống hạn và xâm nhập mặn, An Giang sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những vùng thiếu nước tưới, chuyển trồng lúa sang trồng cây cạn với diện tích gần 3.000ha ở TP. Châu Đốc và huyện Tri Tôn. Đồng thời thực hiện xây dựng 63 đập tạm phòng chống khi có xâm nhập mặn vào sâu các kênh rạch nội đồng vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang, theo báo cáo của các địa phương dự kiến có khoảng 63 vị trí có thể đắp đập tạm khi cần, với tổng kinh phí hơn 6,2 tỷ đồng. Các địa phương trên địa bàn tỉnh  và Cty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi An Giang  đã chủ động lập kế hoạch triển khai phòng, chống hạn, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất với diện tích gieo trồng lúa, màu trên 250 ngàn ha.

Theo đó, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các huyện thường xuyên theo dõi diễn biến nguồn nước, độ mặn trên các sông, kênh rạch, nhất là khu vực miền núi, vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang, chủ động công tác thông tin, tuyên truyền để người dân chủ động phòng tránh và đảm bảo cấp đủ nước ngọt cho sinh hoạt, không để ảnh hưởng sức khỏe của Nhân dân và phục vụ tốt cho sản xuất. Đồng thời rà soát kiểm tra các hệ thống trạm bơm điện, chủ động tu bổ, sửa chữa các sự cố hư hỏng, theo dõi mực nước thủy triều để lấy nước phục vụ bơm tưới cho những vùng bị thiếu nước cục bộ đảm bảo sản xuất nông nghiệp, tổ chức bơm cấp 2 khi cần thiết. Riêng hai huyện Thoại Sơn và Tri Tôn chuẩn bị phương án các đập tạm phòng chống xâm nhập mặn vào sâu các kênh rạch nội đồng bảo vệ sản xuất và có phương án cấp nước ngọt cho dân sinh hoạt, khi nguồn nước của các nhà máy cấp nước bị nhiễm mặn.

Đối với vùng cao Tri Tôn, Tịnh Biên bị thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất cần phải tổ chức cấp, chuyển nước đảm bảo đủ sinh hoạt cho Nhân dân, thực hiện bơm chuyền cấp 2, cấp 3 để cứu lúa và hoa màu; tăng cường trữ nước cho các hồ chứa hỗ trợ cấp nước sinh hoạt và phục vụ tưới chống hạn cho sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp trữ nước và sử dụng nước hiệu quả để đảm bảo nhu cầu về nước uống, sinh hoạt và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm trong sản xuất. Khuyến cáo người dân sản xuất tại các vùng giáp ranh tỉnh Kiên Giang thường xuyên kiểm tra nguồn nước, lấy nước tưới theo các đợt nước lớn từ sông Hậu chảy vào. Thường xuyên kiểm tra và có phương án đảm bảo nguồn nước không ô nhiễm cho khoảng 2.000 ha nuôi trồng thuỷ sản nhất là vùng nuôi tôm càng xanh tại huyện Thoại Sơn, Châu Phú và Khu vực sông Cái Vừng (Phú Tân) hoặc có phương án di dời đến nơi an toàn.

Nguồn:  Kế hoạch số 14/KH-BCĐ

Xuân Hiếu