Những nội dung thay đổi tích cực của Nghị định số 55/2017/NĐ-CP
Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ ban hành về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra trước đây đã không đạt được sự đồng thuận của doanh nghiệp vì những quy định tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp và không phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu như: Hộ nuôi phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra; cơ quan hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng của hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra đã được khi được đăng ký xác nhận sản lượng tại địa phương; tỷ lệ mạ băng cá tra phile (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) không được vượt quá 10%; hàm lượng nước không được vượt quá 83% khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phile sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm.
Nghị định số 55/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ mới ban hành, không quy định doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra qua Hiệp hội Cá tra Việt Nam; không quy định về tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước. Tuy nhiên, Thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT đã quy định cụ thể: Tỷ lệ mạ băng cá tra phile không được lớn hơn 20% khối lượng tổng của sản phẩm; hàm lượng nước không được lớn hơn 86% khối lượng tịnh của sản phẩm. Như vậy, quy định mới đã hướng đến tháo gở khó khăn cho doanh nghiệp.
Điều kiện nuôi cá tra thương phẩm
Nghị định 55/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 cũng quy định điều kiện nuôi cá Tra thương phẩm phải đáp ứng 4 điều kiện:
(1) Có địa điểm, diện tích nuôi cá tra phù hợp với quy hoạch về sử dụng đất của UBND cấp tỉnh;
(2) Có cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về nuôi cá tra thương phẩm; có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt; có nơi xử lý chất thải, bùn thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và vệ sinh thú y;
(3) Đáp ứng các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm;
(4) Có Giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá tra theo quy định.
Về mã số nhận diện ao nuôi, Nghị định 55/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định: Mã số gồm 11 số và có cấu trúc AA-BB-CCCC-DDD, trong đó: AA là mã số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương áp dụng trong quản lý nuôi trồng thủy sản; BB là mã số đối tượng nuôi (đối với cá tra là 01); CCCC là số thứ tự cơ sở nuôi được cấp từ 0001 đến 9999; DDD là số thứ tự ao nuôi của cơ sở nuôi cá tra, được cấp theo thứ tự từ 001 đến 999. Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh thực hiện cấp mã số nhận diện ao nuôi. Mỗi ao nuôi được cấp duy nhất một mã số nhận diện. Chủ cơ sở nuôi phải thực hiện đăng ký mã số nhận diện ao nuôi lần đầu hoặc đăng ký lại khi thay đổi chủ cơ sở nuôi hoặc thay đổi diện tích ao nuôi.
Điều kiện chế biến xuất khẩu sản phẩm cá Tra
Quy định mới đã hướng đến tháo gở khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, sản phẩm cá Tra xuất khẩu phải đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Sản phẩm cá Tra xuất khẩu phải được chế biến từ cơ sở chế biến cá tra đáp ứng được điều kiện chế biến cá Tra (theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này). Trường hợp không đáp ứng quy định tại Điều 5 Nghị định thì phải đáp ứng một trong hai điều kiện sau:
- Có hợp đồng mua sản phẩm cá tra được chế biến tại cơ sở chế biến cá tra đáp ứng quy định tại Điều 5 Nghị định này;
- Có hợp đồng gia công, chế biến với chủ sở hữu cơ sở chế biến đáp ứng quy định tại Điều 5 Nghị định này.
(2) Sản phẩm cá Tra xuất khẩu phải đáp ứng các quy định về điều kiện chất lượng, an toàn thực phẩm (quy định tại Điều 6 Nghị định này) và quy định của quốc gia nhập khẩu. Trường hợp quốc gia nhập khẩu có quy định khác với pháp luật Việt Nam thì áp dụng theo quy định của quốc gia nhập khẩu.
(3) Trình tự, thủ tục hải quan đối với sản phẩm cá Tra xuất khẩu thực hiện theo quy định của Luật hải quan. Tổ chức, cá nhân không phải xuất trình giấy tờ chứng minh đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm cá tra cho cơ quan hải quan.
Nghị định 55/2017/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; hội, hiệp hội ngành nghề có liên quan; tổ chức, cá nhân chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra...
Kết luận của Vũ Văn Tám- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Hội nghị triển khai Nghị định 55/2017/NĐ-CP và bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng cá tra tại tỉnh Tiền Giang đã đề ra một số giải pháp để phát triển bền vững cá tra trong thời gian tới cụ thể như:
Về cơ chế chính sách:
Nghị định 55/2017/NĐ-CP sẽ chuyển hình thức kiểm tra từ tiền kiểm sang hậu kiểm, vì vậy đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước các cấp tăng cường công tác kiểm tra đối với với chấp hành Nghị định 55/2017/NĐ-CP của các doanh nghiệp liên quan;
Về mặt thị trường:
(1) Tập trung tháo gở một số khó khăn của 2 thị trường lớn và truyền thống đó là Mỹ và EU bằng nhiều giải pháp vừa hợp tác với phía bạn để thực hiện các điều kiện về tương đồng cho sản phẩm xuất khẩu vừa đấu tranh về mặt pháp lý kể cả kiện phía bạn ra WTO, đặc biệt là sử dụng truyền thông để quảng bá về hình ảnh của cá tra Việt Nam. Mục đích để giữ tăng trưởng cho 2 thị trường này;
(2) Thị trường xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc là thị trường tiềm năng cần nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu khi xuất sang thị trường này. Tiếp tục xúc tiến thương mại đối với sản phẩm cá tra vào thị trường tiềm năng Nhật Bản trong thời gian tới;
(3) Thời gian tới các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần tập trung khai thác thị trường tiêu thụ trong nước với hơn 93 triệu dân và văn hóa ẩm thực đa dạng vùng miền. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tổ chức hội chợ triển lãm cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam vào tháng 10/2017 để quảng bá sản phẩm cho thị trường tiêu thụ trong nước nhiều tiềm năng này.
(4) Đề nghị VASEP phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá sản phẩm cá tra cho thị trường xuất khẩu nhằm tạo hình ảnh, thương hiệu tốt đối với sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới đặc biệt là thị trường Mỹ và EU.
Về mặt sản xuất:
(1) Các đơn vị chuyên môn của Bộ phối hợp với doanh nghiệp nuôi cá tra cần tập trung giải quyết sản xuất con giống chất lượng cao, sạch bệnh cung cấp cho nhu cầu nuôi cá tra thương phẩm.
(2) Đề nghị tỉnh An Giang sớm hoàn thiện đề án giống cá tra 3 cấp để triển khai sản xuất giống chất lượng cao cung cấp nhu cầu nuôi cá tra thương phẩm vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tại An Giang tháng 10/2016.
(3) Khuyến khích các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ và các doanh nghiệp thủy sản tham gia liên kết vào chuỗi giống cá tra 3 cấp theo mô hình thí điểm của tỉnh An Giang.
(4) Đề nghị công ty Vĩnh Hoàn sớm hoàn thiện triển khai dự án, đề tài nghiên cứu khoa học đổi với “Phát triển sản phẩm fillet cá tra chất lượng cao” để tạo ra sản phẩm cá tra chất lượng, giá trị kinh tế cao.
Theo đó, UBND tỉnhAn Giang đã có công văn số 2745/VPUBND-KT ngày 27/6/2017 giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố rà soát quy hoạch nuôi gắn với quy hoạch phát triển đất theo thực tế của địa phương, quán triệt, triển khai sâu rộng Nghị định số 55/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 của Chính phủ và sẽ không ban hành thông tư hướng dẫn vì nghị định đã nêu rõ tất cả nội dung, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và PTNT về tình hình nuôi, chế biến, xuất khẩu cá Tra tại địa phương.