Vừa qua, Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp An Giang phối hợp Trạm Khuyến nông Châu Thành tổ chức Hội thảo mô hình sản xuất lúa giống xác nhận tập trung ứng dụng tổng hợp tiến bộ kỹ thuật gắn với liên kết tiêu thụ vụ Thu Đông năm 2024 tại xã Vĩnh Nhuận. Đến tham dự có ông Trần Thanh Tuyến – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Dịch vụ nông nghiệp An Giang, đại diện Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Châu Thành và 50 nông dân trên địa bàn xã Vĩnh Nhuận.
|
Với mục tiêu nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo, giúp nông dân sử dụng có hiệu quả diện tích đất trồng lúa, canh tác đúng kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái và gắn với liên kết tiêu thụ. Đồng thời giúp nông dân tiếp cận cơ giới hóa, ứng dụng tổng hợp tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa giống xác nhận tập trung từ khâu gieo sạ đến chăm sóc và thu hoạch. Từ đó giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm công lao động, giảm thiểu độc hại đối với con người và môi trường, tăng năng suất và đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân.
Mô hình được triển khai tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Hòa, với quy mô 50ha, có 20 hộ tham gia. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% lúa giống OM5451 với cấp giống lúa nguyên chủng; 50% phân bón và 30% thuốc bảo vệ thực vật. Mật độ gieo cấy 80 kg/ha, đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm là công ty TNHH SDC.
Sau 03 tháng thực hiện kết quả đạt được như sau: lượng phân bón hóa học ruộng tham gia mô hình nông dân sử dụng khoảng 395kg/ha, giảm 100kg/ha so với ruộng đối chứng, về chi phí thuốc BVTV ruộng mô hình khoảng 4 triệu đồng/ha, giảm 200.000 đồng/ha so với ruộng đối chứng, về tổng chi phí ruộng mô hình khoảng 32 triệu đồng/ha (đất thuê) và thấp hơn ruộng đối chứng 500.000 đồng/ha, với giá bán ước 8.600 đồng/kg, lợi nhuận ruộng mô hình 33.267.000 đồng/ha và cao hơn ruộng đối chứng 14.837.000 đồng/ha.
|
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu theo quy chuẩn về sản xuất giống cấp giống xác nhận, nông dân tham gia mô hình đã được Trung tâm Kỹ thuật -Dịch vụ nông nghiệp tổ chức 01 lớp tập huấn với nội dung hướng dẫn quy trình sản xuất lúa giống cấp xác nhận cho các hộ tham gia mô hình và các hộ nông dân trong vùng có nhu cầu học tập. Với 50 ha sản xuất giống của 20 hộ nông dân trong mô hình, hầu hết đều tuân thủ quy chuẩn quốc gia về sản xuất giống, các ruộng giống đều được khử lẫn tốt, chỉ một số ít diện tích còn sót lúa cỏ nguy hại và đã được khắc phục. Các cán bộ kiểm định của Trung tâm đã kiểm tra và đánh giá các ruộng giống trước khi được thu hoạch.
Từ kết quả trên cho thấy việc sản xuất lúa giống cấp xác nhận ứng dụng tiến bộ kỹ thuật có lợi rất cao so với sản xuất lúa hàng hóa do đó cần duy trì mở rộng diện tích sang các tổ hợp tác và hợp tác xã khác trong ngoài huyện. Qua đó sẽ hình thành chuỗi cung ứng lúa giống cấp xác nhận cho các cở sở kinh doanh lúa giống trong và ngoài tỉnh giúp cho nông dân, hợp tác xã có đầu ra ổn định và yên tâm sản xuất./.
Phạm Thị Như
Trạm Khuyến Nông Châu Thành