Trong sản xuất lúa hiện nay về vấn đề xử lý rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch chưa được nông dân quan tâm, do đó nông dân thường sử dụng biện pháp đốt đồng sẽ sinh ra lượng lớn khí CO2 và các khí độc hại khác như NO2, SO2,…góp phần tăng lượng khí thải nhà kính, ô nhiễm môi trường không khí và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, việc sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung, canh tác chưa bền vững do người nông dân còn sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học gây ảnh hưởng đến môi trường, … Bên cạnh đó, mối liên kết giữa người trồng lúa với hợp tác xã, doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo còn lỏng lẽo do đó việc phát triển chuỗi giá trị lúa gạo còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập của nông hộ bấp bênh.
|
Nhằm tạo điều kiện để các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân tiếp cận thông tin, tiến bộ kỹ thuật về ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ lúa. Đồng thời, triển khai có hiệu quả mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp phục vụ Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại An Giang. Trong vụ Thu Đông 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang đã triển khai mô hình “Sản xuất ứng dụng đồng bộ quy trình 01 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao” tại thị trấn Vĩnh Bình, huyện Châu Thành.
|
Nhằm đánh giá lại kết quả thực hiện mô hình, ngày 12.11 Trung tâm Khuyến Nông An Giang tổ chức buổi hội thảo tổng kết mô hình. Đến tham dự có ông Trần Thanh Hiệp – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh An Giang, lãnh đạo các đơn vị Chi cục Trồng trọt & BVTV, Chi cục Phát triển Nông thôn, Trung tâm Kỹ thuật Dịch vụ nông nghiệp, ông Nguyễn Tấn Phong – Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành, Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt & BVTV cùng lãnh đạo UBND các xã-thị trấn và 50 nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành cùng tham dự.
|
Mô hình được triển khai tại Hợp tác xã Vĩnh Bình, với quy mô 10ha, có 04 hộ tham gia. Các giải pháp kỹ thuật áp dụng trong mô hình: Ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ ngay tại đồng ruộng, tái tạo nguồn dinh dưỡng cho đất; Giống lúa sử dụng OM5451, mật độ gieo sạ 80kg/ha; Phương pháp gieo sạ mô hình: sạ hàng theo hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân với kích thước hàng rộng hẹp 40x10 cm của Công ty TNHH MTV Tư Sang; Phân bón mô hình: nông dân sử dụng phân bón chuyên dụng NPK 20-15-7+TE và NPK 17-7-21 của công ty phân bón MTK Hữu Thành với liều lượng khuyến cáo 400kg/ha. Ruộng đối chứng giống OM5451, gieo sạ máy bay, mật độ 153 kg/ha, phân bón theo tập quán nông dân; Quy trình nước tưới ngập khô xen kẽ kết hợp lấy khí thải: theo hướng dẫn Cty Net Zero cacbon. Sau thời gian thực hiện, kết quả đạt được như sau:
Xử lý rơm rạ: Để giúp rơm nhanh phân hủy, trước khi xuống giống 6-8 ngày tiến hành phun 4 lít chế phẩm Tricho-NL SC/ha. Kết quả ghi nhận: sau thời gian xử lý giúp rơm rạ phân hủy nhanh hơn những ruộng của nông dân lân cận, rơm không có mùi hôi. Đặc biệt, tỷ lệ lúa cỏ giảm 20-50% so với vụ trước.
Đo khí phát thải: Mô hình được công ty Net Zero Cacbon hỗ trợ đặt ống nước và thiết lập phần mềm đo khí phát thải trong quá trình canh tác, số lần lấy khí thải qua các giai đoạn cây lúa: 18, 35, 42, 54, 65 và 88 NSS. Đang chờ kết quả phân tích khí thải.
Số lần phun thuốc BVTV: Số lần phun thuốc ốc giữa các ruộng mô hình và ruộng ĐC là như nhau: 1 lần/vụ. Do sạ hàng theo hiệu hiệu ứng hàng biên khoảng cách hàng rộng 40cm, nền đất cao nên cỏ dễ lên, số lần phun thuốc cỏ 2 lần/vụ. Ruộng của hộ Nguyễn Duy Khánh không phun thuốc sâu, rầy và bệnh, các ruộng còn lại số lần phun thuốc sâu rầy thấp hơn ruộng ĐC 1 lần/vụ. Do mưa liên tục nên nông dân phun ngừa thuốc bệnh 2 lần/vụ và giảm 2 lần so với ruộng ĐC.
Chiều cao và số chồi qua các giai đoạn: giai đoạn 10NSS các ruộng trình diễn với mật độ 80kg/ha thấp hơn ruộng đối chứng 73kg/ha, nên số chồi 4 ruộng mô hình dao động từ 224-337 chồi/ m2, thấp hơn so với đối chứng từ 223 -336 chồi/ m2, chiều cao cây chênh lệch giữa các mô hình và đối chứng dao động từ 15-17 cm. Giai đoạn 69NSS số bông/m2 giữa MH và ĐC không có sự khác biệt từ 440-457 chồi/ m2, điều này có nghĩa với mật độ giống sạ ban đầu của MH thấp hơn ruộng ĐC gần 50% nhưng tỷ lệ nẩy chồi và số bông/m2 giai đoạn cuối tương đồng nhau.
Phân bón: Cả 4 mô hình đều bón vùi 200 kg/ha phân NPK 20-15-7-TE ngay thời điểm xuống giống, đều này giúp lượng phân bón ít bị hao hụt, cây trồng hấp thu tối đa phân bón, đồng thời giúp nông dân giảm chi phí lao động trong khâu bón phân. Giai đoạn đón đòng bón NPK 17-7-21. Lượng phân đạm nguyên chất trong mô hình từ 64,5N đến 75,5N thấp hơn ĐC từ 12,4N đến 23,4N.
- Hiệu quả kinh tế mô hình: Tổng chi phí sản xuất từ 22.308.000 đồng/ha đến 25.592.000 đồng/ha thấp hơn ruộng ĐC 692.700 đồng/ha đến 3.976.700 đồng/ha. Lợi nhuận ruộng MH cao hơn ruộng ĐC từ 1.492.700 đồng/ha – 3.334.900 đồng/ha.
Qua buổi hội thảo, nông dân đánh giá cao hiệu quả mô hình, với việc bón phân vùi 02 đợt giúp nông dân giảm chi phí sạ phân và giảm thất thoát phân bón. Theo ông Phạm Quốc Trung- Phó tổng giám đốc Dự án & Sản xuất công ty phân bón MTK Hữu Thành cho biết: mục tiêu của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là giảm 30% lượng phân bón. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất phân bón không ngừng nghiên cứu, cải tiến công nghệ, thiết bị, để phát triển sản phẩm phù hợp với thực tế sản xuất.
Theo ông Trần Minh Tiến-Tổng giám đốc cty Net zero carbon chia sẽ kết quả đã đạt được trong quy trình canh tác lúa giảm phát thải tại các tỉnh Đồng Tháp, Đắk Lắk và Hậu Giang. Qua mô hình thực hiện tại Châu Thành -An Giang, phía công ty sẽ tranh thủ có kết quả đo khí thải sớm nhất gửi đến địa phương, cũng thông qua mô hình kết quả nông dân sử dụng sản phẩm ECO OK (chiết xuất từ vỏ trấu) giai đoạn 33NSS, 44NSS đã giúp lúa cứng cây, chống đổ ngã, vô gạo nhanh.
|
Theo ông Trần Thanh Hiệp – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh An Giang: Với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều thiên tai, dịch bệnh, do đó nông dân phải thay đổi tập quán canh tác cho phù hợp với điều kiện thực tế. Thông qua mô hình đã triển khai theo đề án 1 triệu hecta, đã áp dụng triệt để các quy trình từ khâu xử lý rơm rạ, giảm giống, phân, thuốc BVTV, nước tưới, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, ..giúp giảm phát thải trong canh tác lúa và sản xuất thân thiện với môi trường hơn. Qua đây cho thấy, nông dân với vai trò là chủ thể, người thụ hưởng, cần có trách nhiệm hơn trong sản xuất và cùng với ngành đẩy mạnh tuyên truyền để nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Với kết quả đạt được, giúp nông dân giảm giá thành sản xuất từ 163-498 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn so với đối chứng từ 1.492.700 đồng/ha – 3.334.900 đồng/ha. Mô hình đã giúp nông dân thay đổi tập quán, không đốt rơm rạ mà thay thế bằng việc xử lý các chế phẩm sinh học để phân huỷ rơm rạ thành phân hữu cơ trả lại nguồn dinh dưỡng cho đất, đồng thời giúp giảm phát thải trong canh tác lúa. /.
Phạm Thị Như
Trạm Khuyến nông Châu Thành