Cung cấp kiến thức cho nông dân trong sản xuất lúa hàng hóa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ từng bước góp phần thay đổi phương thức canh tác truyền thống trước đây. Trong vụ Thu Đông 2024, Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp An Giang triển khai mô hình sản xuất lúa hàng hóa ứng dụng tổng hợp tiến bộ kỹ thuật tại hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Lợi được ứng dụng thiết bị cơ giới tự động, điều khiển từ xa như thiết bị bay không người lái Drone. Qua đó, giúp nông dân sử dụng có hiệu quả diện tích đất trồng lúa, canh tác đúng kỹ thuật, nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo, bảo vệ môi trường sinh thái.
|
Để đánh giá lại kết quả thực hiện mô hình, vừa qua, Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp An Giang phối hợp trạm Khuyến nông Châu Thành tổ chức Hội thảo tổng kết mô hình sản xuất lúa hàng hóa ứng dụng tổng hợp tiến bộ kỹ thuật. Đến tham dự có đại diện Trung tâm Kỹ thuật Dịch vụ nông nghiệp An Giang, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Châu Thành và 50 nông dân trên địa bàn xã.
Mô hình triển khai với diện tích 50ha, có 17 hộ tham gia, mật độ gieo sạ 80kg/ha trên các giống OM 5451, OM 34, Đài thơm 8 (giống lúa cấp xác nhận 1), đối chứng: mật độ gieo sạ 160 kg/ha. Sau 03 tháng thực hiện kết quả đạt được như sau: lượng phân bón hóa học ruộng tham gia mô hình nông dân sử dụng khoảng 360-370kg/ha, giảm 50-60kg/ha so với ruộng đối chứng, về chi phí thuốc BVTV ruộng mô hình khoảng 4,1 triệu đồng/ha, giảm 600.000 đồng/ha so với ruộng đối chứng, về tổng chi phí ruộng mô hình khoảng 33 triệu đồng/ha (đất thuê) và thấp hơn ruộng đối chứng 3 triệu đồng/ha, với giá bán lúa tươi giống OM 34 khoảng 7.000 đồng/kg, giống OM5451 giá 7.900 đồng/kg, giống đài thơm 8 giá 8.500 đồng/kg, lợi nhuận ruộng mô hình khoảng 29 triệu đồng/ha và cao hơn ruộng đối chứng 4,8 triệu đồng/ha.
|
Từ kết quả trên cho thấy việc sản xuất lúa hàng hóa ứng dụng tổng hợp tiến bộ kỹ thuật có lợi rất cao so với sản xuất lúa hàng hóa theo truyền thống, do đó cần duy trì mở rộng diện tích sang các tổ hợp tác, hợp tác xã khác trong tỉnh. Qua đó, sẽ hình thành chuỗi cung ứng lúa hàng hóa cho các doanh nghiệp giúp cho nông dân, hợp tác xã có đầu ra ổn định và yên tâm sản xuất. Đồng thời đóng góp vào lộ trình thực hiện đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long lộ trình năm 2025 của tỉnh nhà./.
Phạm Thị Như
Trạm Khuyến nông Châu Thành