Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong 6 tháng đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) cụ thể như phổ biến giáo dục pháp luật, thông tin, truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến nông, lâm, thủy sản và truyền thông phát triển thị trường. Song song đó, Đoàn Kiểm tra đã tuyên truyền trực tiếp đến các tổ chức/cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm về Luật An toàn thực phẩm...
Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm được bổ sung vào Chương trình Xúc tiến Thương mại - Đầu tư - Du lịch của tỉnh và được triển khai thực hiện thường xuyên. Đồng thời giới thiệu, quảng bá sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và sản phẩm đặc sản, lợi thế, tiềm năng, làng nghề, ngành nghề của tỉnh như, Trà Kim ngân hoa, muối sấy Kim Giang, trà sâm bạch hoa thảo, khô cá lóc Kim Loan, mật nhụy hoa thốt nốt, đường thốt nốt... có 432 gian hàng trưng bày với hơn 172.000 lượt khách tham quan, mua sắm.
Ngoài ra, thường xuyên giám sát ATTP đối với sản phẩm nông lâm thủy sản lưu thông, tiêu thụ trong nước nhằm cảnh báo, phòng ngừa và ngăn chặn sự cố ATTP trước khi phân phối đến người tiêu dùng và đánh giá mức độ ATTP sản phẩm nông thủy sản. Lĩnh vực trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã thu 31 mẫu để phân tích 34 chỉ tiêu ATTP.
Song song đó, việc thanh tra, kiểm tra cũng được thực hiện tốt, trong 6 tháng đầu năm đã tiếp nhận 25 hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP, kết quả thẩm định có 2 cơ sở xếp loại A, 19 cơ sở xếp loại B và 03 công ty không thẩm định và đã cấp 19 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Đối với cơ sở, sản xuất kinh doanh cấp huyện, đã tiếp nhận và cấp 124 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, trong đó có 20 cơ sở xếp loại A, 103 cơ sở xếp loại B và 01 cơ sở đang trong quá trình giải quyết.
Công tác tiếp nhận hồ sơ tự công bố của cơ sở sản xuất kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tiếp nhận 143 bản tự công bố sản phẩm của 31 cơ sở chế biến thực phẩm nông thủy sản. Đã tổ chức thống kê có tổng số 18.664 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong đó, trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) là 10.792 cơ sở, Thuỷ sản 4.201 cơ sở, Chăn nuôi và Thú y 3.671 cơ sở. Đã tổ chức cho 117 cơ sở ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, lũy kế đến nay, số cơ sở đã ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn là 11.387cơ sở (đạt tỉ lệ 61,0%).
Kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về ATTP, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản: Tỉnh đã kiểm tra thực tế 36 cơ sở và lấy 35 mẫu gồm chả lụa, cá viên, mắm cá lóc, khô cá tra, cà phê,.. để kiểm tra chất lượng, có 03 mẫu không đạt yêu cầu và 02 cở sở sản xuất, kinh doanh có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng hết hạn, đã ban hành 05 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 05 cá nhân vi phạm quy định về ATTP với tổng số tiền phạt là 115 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tham gia phối hợp kiểm tra liên ngành do Sở Y tế chủ trì trong tháng hành động ATTP theo Quyết định Số 332/QĐ-SYT ngày 02/04/2024 của Sở Y tế, Đoàn đã thực hiện kiểm tra tại 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong đó có 04 cơ sở thuộc lĩnh vực Nông nghiệp, kết quả kiểm tra chưa phát hiện vi phạm. Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện thực hiện kiểm tra 44 cơ sở, kết quả kiểm tra có 02 cơ sở vi phạm không thực hiện tự công bố sản phẩm và thông tin ghi trên nhãn hàng hóa không phù hợp theo quy định và bị phạt 66.950.000 đồng.
Ngoài ra, Sở đã thực hiện 03 đợt kiểm tra đối với 33 cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật và lấy 09 mẫu để xác minh, kiểm tra chất lượng. Kết quả đã ban hành 05 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 155,24 triệu đồng.
Đồng thời thực hiện 16 đợt kiểm tra đối với 20 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, hoá chất, sản phẩm xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi. Kết quả đã ban hành 01 quyết định xử phạt vi phạm hành với tổng số tiền phạt là 300.000 nghìn đồng và 01 cơ sở đang trong quá trình xử lý. Kiểm tra 01 đợt đối với 11 cơ sở và lấy 02 mẫu thức ăn hỗn hợp thủy sản để kiểm tra chất lượng và xác minh tính hợp pháp sản phẩm, không phát hiện vi phạm.
Kết quả triển khai chương trình giám sát dư lượng 06 tháng đầu năm đã thu 104 mẫu trong đó 83 mẫu cá tra thương phẩm, 09 mẫu cá tra nhỏ, 03 mẫu cá tra giống, 02 mẫu cá lóc thương phẩm, 04 mẫu cá rô phi đỏ thương phẩm và 03 mẫu tăng cường. Kết quả phân tích có 101 mẫu đạt yêu cầu, và 02 mẫu không đạt đã thực hiện điều tra nguyên nhân mẫu nhiễm.
Trang Nghiêm