Trong những năm qua, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, trọng tâm là Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) và Tổ hợp tác nông nghiệp (THT NN) cũng như các liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn Tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể, Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang (ban hành tại Quyết định số 152/QĐ-UBND ngày 14/02/2023 của UBND tỉnh) đã kịp thời đề ra các giải pháp ưu tiên tổ chức lại sản xuất theo kinh tế tập thể để tập trung nguồn lực và nhiệm vụ triển khai có hiệu quả trong thời gian tới.
Số lượng HTX và thành viên HTX năm 2020-2023.
|
Các HTX, THT trong nông nghiệp ngày càng thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo đồng ruộng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, góp phần nâng cao hiệu quả sản phẩm trên một đơn vị diện tích cho nông dân. Năm 2023, toàn tỉnh có 221 HTX (tăng 73 HTX NN so với năm 2020), với tổng số 13,225 thành viên; Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX NN là 36 triệu đồng/người/năm, tăng 9.5 triệu đồng/người/năm so với năm 2020; Doanh thu bình quân HTX NN ước đạt 4.431 triệu đồng/năm, tăng 2,090 triệu đồng/năm so với năm 2020.
Doanh thu bình quân một HTX NN và lợi nhuận trung bình một HTX năm 2020-2023
|
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã phát triển mới 05 HTX NN (Chợ Mới (01 HTX), Tân Châu (01 HTX), Long Xuyên (01 HTX), Châu Phú (02 HTX), nâng tổng số HTX NN hiện có là 225 HTX và 02 Liên hiệp HTX. Trong đó, có 175 HTX NN đang hoạt động với tổng số 10.885 thành viên, 50 HTX ngưng hoạt động (chiếm khoảng 22,22% so tổng số HTX NN của tỉnh).
Mở rộng liên kết, phát triển HTX
Tham gia vào HTX sẽ giúp thành viên giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và thu nhập thông qua các hoạt động giảm trừ trực tiếp cho thành viên có đất sử dụng dịch vụ. Giá cả các dịch vụ của HTX cung cấp cạnh tranh hơn dịch vụ của tư nhân cung cấp nên giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất cho nông dân. Các dịch vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX khá đa dạng, các hoạt động chủ yếu như: bơm tưới, tiêu, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (lúa, rau màu, cây ăn trái), cung ứng giống cây trồng, kinh doanh giá thể cây trồng, dịch vụ làm vườn…
Hội nghị thành lập HTX NN Thắng Lợi.
|
Khuyến khích nông dân cùng mục tiêu phát triển thành THT, HTX mới, đặc biệt là HTX trong sản phẩm cây ăn quả, rau màu và lúa – nếp để liên kết với doanh nghiệp theo liên kết dọc, liên kết ngang, người dân góp vốn bằng tiền hoặc đất, cùng sản xuất kinh doanh và chia sẻ lợi nhuận. Các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động của các HTX như cùng góp vốn, công nghệ, tham gia quản lý điều hành phát triển kinh doanh trong HTX. Qua đó, góp phần giải quyết tốt vấn đề sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp bền vững.
Hiện có khoảng 83 HTX NN thực hiện liên kết với khoảng 40 doanh nghiệp, các cơ sở, các HTX trong và ngoài tỉnh, với diện tích liên kết là 45.236,24 ha (lúa: 43.284,6 ha, rau màu:136,5 ha, Cây ăn trái: 1.7779,14 ha). Các doanh nghiệp tham gia liên kết như: Tập đoàn Lộc trời, Tập đoàn Sunrice, Công ty Angimex, Công ty Antesco, Công ty Quốc tế gia, Công ty Phú Gia, Công ty Đại Dương Xanh, Công ty TNHH Cường Hùng Tiến, Công ty Nông Phát Đạt, Công ty ADC, Công ty TNHH NN Hoàng Phan, Công ty Nông Hưng Phát, Công ty TNHH MTV Đồng Phát TCT, Công ty Cát Tường, Công ty ViNa T&T, Công ty Chánh Thu, DNTN Minh Phát, DNTN Thiên Phát...
Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh lựa chọn 24 HTX NN, 100 THT tham gia Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang”. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản như: Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Công ty CP Lương thực A An, Công ty TNHH XNK Đại Dương Xanh, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty TNHH Angimex Kitoku…
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các tổ chức kinh tế tập thể
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX, Sở Nông nghiệp và PTNT đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 900/QĐ-UBND ngày 31/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 02/6/2023 sửa đổi, điều chỉnh danh sách HTX NN được hỗ trợ trả lương nhân sự trẻ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại HTX giai đoạn 2023-2025.
Số lượng nhân sự quản lý, điều hành HTX năm 2020-2023
|
Trong 06 tháng đầu năm 2024, đã hỗ trợ trả lương nhân sự trẻ về làm việc tại 20 HTX NN (một HTX/người); tổ chức 03 lớp cho khoảng 120 lượt người là thành viên, người lao động của các HTX NN.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 01 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ quản lý, điều hành HTX, thu hút 30 học viên là thành viên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc các HTX NN trên địa bàn tỉnh; 02 lớp tập huấn dành cho sáng lập viên HTX; phối hợp Công ty CP Sở hữu Trí tuệ Davilaw (Cục Kinh tế hợp tác - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức lớp tập huấn “Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho thành viên và người lao động trong các HTX, liên hiệp HTX”.
Nâng cao năng lực cho HTX/THT ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số
Trên cơ sở Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 22/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thúc đẩy các HTX và THT chuyển đổi số, trang bị kỹ năng số và các quy tắc ứng xử trên môi trường số để có thể tham gia hoạt động học tập, lao động, sản xuất, sinh hoạt, giao dịch thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên môi trường số. Hỗ trợ các HTX áp dụng nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc điện tử; ứng dụng các nền tảng số trong kết nối thành viên, quản lý sản xuất; quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua áp dụng các nền tảng thương mại điện tử.
Một số sản phẩm OCOP An Giang
|
Sở Thông tin và Truyền thông đã hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp và nông dân triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng chuyển đổi số, tạo chuyển biến rõ nét từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối, đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Điển hình như: Mô hình sản xuất lúa không dấu chân (sử dụng máy bay không người lái sạ lúa và phun thuốc bảo vệ thực vật); Điều khiển trang trại gia súc, gia cầm tự động trên điện thoại thông minh; Giám sát, xử lý ao nuôi cá tra bằng cảm biến; Nhà chim yến được quản lý bằng camera, phun sương làm mát điều khiển từ xa...
Đến nay, có khoảng 36 HTX NN có ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, với các ứng dụng chủ yếu như: cơ giới hoá đồng bộ trên cánh đồng (máy bay không người lái); trồng dưa lưới, rau màu trong nhà màng; hệ thống tưới phun tự động kết hợp phun thuốc; hệ thống tuần hoàn nước trong chăn nuôi; canh tác (xoài, rau màu, lúa) theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap… Có 07 HTX NN có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao và 12 HTX NN có sản phẩm tiềm năng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao (Long Xuyên (01 HTX), Chợ Mới (03 HTX), Châu Phú (03 HTX), Châu Thành (01 HTX), Phú Tân (01 HTX), Tịnh Biên (01 HTX), Tri Tôn (01 HTX), An Phú (01 HTX).
Lớp tập huấn ứng dụng tiếp thị số vào kinh doanh nông sản
|
Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản
Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh đã hỗ trợ 300 gian hàng của hơn 120 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia hội chợ Thương mại quốc tế Tịnh Biên - An Giang năm 2024; Giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương vào các siêu thị, điểm kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh và trưng bày tại các sự kiện lớn, các lễ hội, diễn đàn xúc tiến thương mại trong nước (Phú Yên, Tuyên Quang, TPHCM, Đồng Tháp...) và quốc tế (Lào). Bên cạnh đó, đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và PTNT và Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam tổ chức Chương trình Chợ phiên OCOP An Giang 2024 trên nền tảng TikTok để hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh An Giang chuyển đổi số, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.
Trong 06 tháng đầu năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ các HTX đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu về nhãn hiệu hàng hóa góp phần nhận diện nhãn hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm; cho phép các HTX sử dụng địa danh và phê duyệt bản đồ vùng sản xuất để đăng ký nhãn hiệu tập thể như: (1) HTX nông nghiệp Vĩnh Bình sử dụng địa danh “Vĩnh Bình” và xác nhận bản đồ vùng sản xuất lúa giống; (2) HTX sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt Nhơn Hưng sử dụng địa danh “Nhơn Hưng” và xác nhận bản đồ vùng sản xuất đường thốt nốt. Bên cạnh đó, đã gia hạn trao quyền sử dụng cho HTX nông nghiệp Vĩnh Bình (sản phẩm gạo an toàn), trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “AN GIANG” cho HTX Nông nghiệp Mỹ Hoà Hưng (sản phẩm cải ngọt, xá lách); trao quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho HTX Trái cây GAP Chợ Mới (sản phẩm Xoài Ba màu); đồng thời, cấp 5.000 tem nhãn hiệu chứng nhận cho HTX, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm của HTX.
Sở Công Thương đã tổ chức 08 lớp tập huấn về nhận diện cảnh giác thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao, thanh toán không dùng tiền mặt, hợp đồng điện tử và quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và trang cá nhân; Chuyển tiếp 18 thông tin và mời, giới thiệu các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tham dự các chuỗi sự kiện, buổi Tọa đàm, Diễn đàn kinh tế với nước ngoài; thông tin thị trường Trung Quốc. Phối hợp với các ngành liên quan và Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam thành lập Ban biên tập sàn thương mại điện tử angiang.sanviet.vn và xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động Ban Biên tập sàn thương mại điện tử angiang.sanviet.vn; Phối hợp Cục TMĐT&KTS tổ chức khóa đào tạo trực tuyến miễn phí “Livestream đa nền tảng – từ cơ bản tới nâng cao”.
Liên minh HTX tỉnh đã giới thiệu trên 20 sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm của HTX, các sản phẩm OCOP của tỉnh tại “Điểm giới thiệu, trưng bày và tiêu thụ sản phẩm của HTX” trên địa bàn thành phố Long Xuyên (trụ sở Liên minh HTX tỉnh, số 148, Điện Biên Phủ, Mỹ Long, Long Xuyên, An Giang).
Xây dựng và triển khai các chính sách trọng tâm hỗ trợ phát triển HTX
Những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân và UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều Chương trình, Dự án, Đề án… nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương và định hướng, thúc đầy lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh phát triển.
Nhằm cụ thể hóa và triển khai các nội dung Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Phát triển HTX, THT gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 453/KH-UBND ngày 07/5/2024 về thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang năm 2024.
Hướng dẫn triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/07/2018. Theo đó, tiếp tục triển khai Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND ngày 11/11/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh; Quyết định số 14/2023/QĐ-UBND ngày 05/4/2023 của UBND tỉnh An Giang về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang ban hành kèm theo Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND.
Liên minh HTX tỉnh đã dự thảo Đề án thành lập quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh và hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hiện Đề án đang đang được UBND tỉnh xem xét. Mặc khác, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực giới thiệu, kết nối Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam và các HTX NN được tiếp cận vốn vay đầu tư, mua sắm tài sản.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp tổ chức ký kết và triển khai 06 Chương trình/Kế hoạch phối hợp năm 2024 với các Ban của Đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội (Ban Dân vận tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Cựu chiến binh) nhằm đồng hành phát triển kinh tế tập thể, HTX và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội về vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, nhất là HTX trong phát triển kinh tế - xã hội, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong chuỗi giá trị phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực và tiềm năng của tỉnh.
Phát triển các HTX, THT nông nghiệp gắn với nhu cầu tổ chức sản xuất hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả; thực hiện liên kết với doanh nghiệp hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, quy mô công nghiệp, khép kín từ sản xuất đến chế biến. Đổi mới phương thức và hình thức hoạt động của các HTX, THT theo hướng minh bạch, hiện đại, hiệu quả, chuyển đổi tư duy của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Phát triển mối quan hệ sản xuất hài hòa, đồng hành, hợp tác đôi bên cùng có lợi, cùng chia sẻ rủi ro giữa HTX, THT và doanh nghiệp./.
Hồng Quyên
Sở Nông nghiệp và PTNT