Hiện nay, chủ trương của chính phủ đang chú trọng về việc nông dân sản xuất lúa theo hướng bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận, nâng cao chất lượng nông sản đặc biệt là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, góp phần giúp nông dân vững tin trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Qua đó, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Chợ Mới phối hợp với UBND xã Nhơn Mỹ thực hiện mô hình “Sản xuất lúa kết hợp công nghệ sinh thái ruộng lúa bờ hoa, với diện tích 50 ha, có 29 hộ nông dân tham gia. Mô hình triển khai từ tháng 8 đến nay, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ là 4kg giống/1.000 m2, 30% chi phí vật tư nông nghiệp và được tập huấn kỹ thuật theo nội dung của kế hoạch để ra.
Vào cuối tháng 8, Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Chợ Mới, UBND xã Nhơn Mỹ phối hợp ban ngành đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên xã cùng bà con nông dân thực hiện mô hình ra quân trồng hoa tuyến đường bờ ruộng khoảng 1 km, trồng với các loại cây hoa thu hút được thiên địch như hoa cúc, sao nhái, hướng dương, mè, chiều tím... Mục đích của trồng hoa bờ ruộng là giúp nông dân ứng dụng tính cân bằng sinh thái trong tự nhiên, sử dụng các thiên địch có ích để quản lý dịch hại, kết hợp áp dụng quy trình 1 Phải 5 Giảm.
Với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ trạm Trồng trọt và BVTV đến nay mô hình được thực hiện thành công, minh chứng ngày 12/11 đã tổ chức hội thảo tổng kết mô hình. Đến dự có đại diện Chi cục trồng trọt và BVTV An Giang và cùng với 50 nông dân trong và ngoài mô hình.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ một số kết quả đạt được cũng như những lợi ích sản xuất lúa kết hợp ứng dụng công nghệ sinh thái, ruộng lúa bờ hoa. Đồng thời việc quản lý rơm rạ và gốc rạ theo nguyên tắc tuần hoàn phát thải thấp và công nghệ quản lý sau thu hoạch cũng được đại biểu trao đổi. Bà Nguyễn Thị Thư Hương - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật Chi cục trồng trọt và BVTV An Giang cho biết việc thực hiện mô hình này nhằm từng bước đáp ứng Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long và một số tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ ngành Bảo vệ thực vật lấy các chỉ tiêu theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật bón phân, phòng trừ sâu bệnh bằng 3 đợt tập huấn theo các giai đoạn phát triển của cây lúa. Số liệu được đánh giá tính toán hiệu quả kinh tế một cách khoa học, kết quả nông dân tham gia mô hình có lãi cao hơn đối chứng là 634,000 đồng/ha. Với chi phí đầu tư của ruộng mô hình là 19.926.000 đồng/ha, doanh thu 44.200.000 đồng/ha, lợi nhuận là 24.274.000 đồng/ha so với đối chứng lợi chuận được 23.640.000 đồng/ha. Tuy số tiền chênh lệch không cao nhưng mô hình mang lại nhiều lợi ích như: Nông dân ý thức được tác hại của việc đốt rơm rạ ảnh hưởng đến môi trường, giảm được phân bón vô cơ, thuốc BVTV...
|
Năm 2024, xã Nhơn Mỹ đăng ký với diện tích là 50 ha tham gia thực hiện đề án 1 triệu hécta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL và đến năm 2025 kế hoạch nhân rộng mô hình lên 100 ha. Tham gia mô hình giúp nông dân sử dụng có hiệu quả đất trồng lúa, canh tác đúng kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái và độ phì của đất hướng đến nền nông nghiệp sản xuất bền vững.
Võ Thị Cẩm Mát – Khuyến nông viên xã Nhơn Mỹ