Thực hiện Kế hoạch số 70/KH-SNNPTNT ngày 30 tháng 5 năm 2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang về việc “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao năm 2024”, Từ ngày 28-29/08, Trung tâm Kỹ thuật – Dịch vụ Nông nghiệp đã tổ chức lớp Bồi dưỡng tập huấn chuyên sâu lĩnh vực dược liệu cho nông dân nòng cốt cho 26 nông dân sản xuất và chế biến dược liệu tại các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân và thành phố Long Xuyên. Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhằm nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả sản xuất dược liệu tại các địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang.
Lớp tập huấn được đi tham quan trực tiếp, là cơ hội cho học viên học tập kinh nghiệm trực tiếp từ các mô hình trồng thành công và sản xuất dược liệu nổi bật tại hai An Giang và Tiền Giang. Đồng thời, các học viên đã có cơ hội được hướng dẫn trực tiếp bởi Tiến sĩ Nguyễn Duy Tân – Phó trưởng khoa Nông nghiệp Đại học An Giang, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chế biến dược liệu.
Đoàn đã ghé thăm học tập kinh nghiệm mô hình trồng cây An Xoa tại xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới – một loại cây dược liệu quý có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh về gan. Bà Trần Thị Tường chủ mô hình đã có 17 năm kinh nghiệm chia sẻ về kỹ thuật canh tác và chăm sóc cây An Xoa, từ việc chọn giống, chăm bón đến quy trình thu hoạch và bảo quản loại cây này. Các nông dân đã được tiếp cận với các phương pháp trồng để đảm bảo cây phát triển tốt và cho ra dược liệu chất lượng cao.
|
Tiếp tục đoàn ghé tham quan Công ty TNHH MTV TM&DV Thái Minh Nguyên thuộc xã Kiến An, huyện Chợ Mới, nơi các học viên được học hỏi mô hình trồng và sản xuất trà Kim Ngân Hoa. Dưới sự hướng dẫn của Bác sĩ y học cổ truyền Vũ Minh Tú, các học viên đã nắm bắt được quy trình trồng Kim Ngân Hoa từ giai đoạn gieo trồng đến chế biến thành sản phẩm trà. Các phương pháp chăm sóc giữ cây trồng thuần tự nhiên, đến cách thu hái tỉ mỉ nụ hoa đúng chất lượng để làm trà, và công nghệ sấy hiện đại nhằm giữ trọn dược tính và mùi vị trà Kim Ngân Hoa cũng được chia sẻ chi tiết, giúp nông dân nâng cao kiến thức và kỹ năng trong việc sản xuất trà dược liệu. Tiến sĩ Nguyễn Duy Tân đã trao đổi, giải đáp các vướng mắc của học viên cùng với công ty về các các khâu sau thu hoạch, chế biến dược liệu.
Đoàn đến tỉnh Tiền Giang, tại Công ty Dược liệu xanh Thiên Ân thuộc huyện Gò Công Tây, đại diện công ty giới thiệu về các mô hình trồng cây thuốc và dược liệu phong phú, hướng dẫn nông dân về cách lựa chọn giống cây, kỹ thuật trồng trọt và thu hoạch đạt hiệu quả cho ra dược liệu chất lượng cao. Quy trình sản xuất nhang từ các nguyên liệu tự nhiên cũng được quý công ty trình bày chi tiết, từ khâu chọn nguyên liệu đến công đoạn chế biến cuối cùng, giúp nông dân hiểu rõ hơn về tiềm năng kinh tế của sản phẩm này.
|
Một trong những điểm nhấn của chuyến học tập kinh nghiệm tại công ty, học viên được thăm quan nhà máy nuôi cấy và sản xuất Đông Trùng Hạ Thảo đã đạt chuẩn FDA, ISO 22000:2018. Tại đây, học viên học hỏi quy trình nuôi cấy nấm Đông Trùng Hạ Thảo, một loại dược liệu quý hiếm và có giá trị cao trong ngành dược liệu. Tiến sĩ Nguyễn Duy Tân và ông Trần Thanh Tâm – Giám đốc công ty đã tận tình hướng dẫn các bước từ việc chuẩn bị môi trường nuôi trồng, chọn giống đến các yếu tố cần thiết để nấm phát triển tốt. Các nông dân nòng cốt đã được tiếp cận những kiến thức mới về quy trình sản xuất, giúp họ có thêm kinh nghiệm thực tiễn quý báu.
|
Sau cùng đoàn đã đến tham quan mô hình trồng và chiết xuất tinh dầu sả của công ty TNHH Tinh dầu sả Thành Công tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, một sản phẩm có giá trị cao trong ngành dược liệu và mỹ phẩm. Ông Huỳnh Ngọc Mừng, Giám đốc công ty cũng là người sáng chế Máy chiết xuất tinh dầu dùng cho nông hộ chia sẻ về quy trình trồng sả đến quá trình chiết xuất tinh dầu. Qua đó, nông dân đã học được các kỹ thuật để đảm bảo chất lượng tinh dầu, từ đó nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm.
Chia sẻ tổng kết lớp tập huấn, ông Phạm Anh Tuấn – nông dân tại xã Mỹ Hòa Hưng thay mặt học viên lớp cho biết chuyến đi học tập kinh nghiệm tại các mô hình trồng, sản xuất, chế biến dược liệu tại hai tỉnh dưới sự đồng hành và hướng dẫn của Tiến sĩ Nguyễn Duy Tân, không chỉ cung cấp kiến thức thực tế mà còn mở rộng tầm nhìn cho nông dân, giúp họ ứng dụng các mô hình thành công vào hoạt động sản xuất và liên kết tiêu thụ tại địa phương. Những kiến thức và kinh nghiệm thu được qua lớp học không chỉ giúp học viên nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần phát triển kinh tế và bền vững ngành dược liệu tại địa phương.
Phan Thị Thanh Hằng
Trung tâm Kỹ thuật – Dịch vụ Nông nghiệp