Tính đến cuối tháng 7/2024, toàn huyện đã thu hoạch dứt điểm lúa Hè Thu 2024, năng suất bình quân 6,02 tấn/hecta, giá lúa dao động từ 6.800 đồng – 7.500 đồng/kg, nông dân đang khẩn trương cải tạo đất để chuẩn bị xuống giống vụ Thu Đông 2024.
Theo kế hoạch, vụ lúa Thu Đông năm nay, toàn huyện sẽ xuống giống với tổng diện tích 23.667 ha, thực hiện ở 48 tiểu vùng kiểm soát lũ triệt để thuộc 13 xã, thị trấn. Trong đó, có 01 tiểu vùng xả lũ là tiểu vùng Vĩnh Thành 2 ở xã Vĩnh Thành với diện tích 678 ha. Ước năng suất lúa bình quân vụ Thu Đông đạt 6 tấn/ha, sản lượng ước đạt 142.002 tấn.
Tính đến thời điểm hiện tại, nông dân đã xuống giống sớm được 4.046 hecta, tập trung ở các xã An Châu (50 hecta), Cần Đăng (150 hecta), Vĩnh Hanh (770 heca), Vĩnh Lợi (1.494 hecta), Hoà Bình Thạnh (92 hecta)….Để lúa thu đông 2024 đạt được năng suất cao, Ngành Nông nghiệp huyện Châu Thành khuyến cáo bà con cần tập chung thực hiện một số giải pháp.
Ngay từ đầu vụ, bà con nông dân nên tiến hành vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa hè thu, xử lý rơm rạ sớm, tranh thủ cài ải, phơi đất. Nếu có thời gian thì tiến hành phơi đất 15 -20 ngày, để tránh ngộ độc hữu cơ cho cây lúa, trường hợp không đủ thời gian phơi đất có thể dọn sạch rơm rạ, đồng thời xử lý bằng các sản phẩm Trichoderma để phân hủy hết tàn dư thực vật trong đất. Song song đó, bà con nông dân cần bơm nước rửa đất ngay từ đầu vụ, thăm đồng thường xuyên, vì vụ thu đông thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, sâu bệnh diễn biến phức tạp. Quan trọng nhất là phải tuân theo lịch xuống giống tập trung đồng loạt né rầy của địa phương.
Căn cứ vào khung lịch thời vụ của Cục Trồng trọt cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và tình hình khí tượng, thủy văn. Thời gian xuống giống theo từng tiểu vùng của vụ trước, diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng, rầy nâu vào bẫy đèn trong và ngoài tỉnh. Thời vụ xuống giống vụ Thu Đông 2024 trong toàn huyện Châu Thành được khuyến cáo bắt đầu từ ngày 15/7 đến ngày 31/8/2024 (nhằm ngày 10 tháng 5 đến ngày 28 tháng 7 năm 2024 âm lịch).
Trên cơ sở theo dõi diễn biến rầy nâu vào đèn trên địa bàn huyện, tình hình thu hoạch lúa Hè Thu 2024, lịch xuống giống đồng loạt, tập trung và né rầy trên địa bàn huyện được chia làm 02 đợt.
Đợt 1: Xuống giống từ 25/7 đến 05/8/2024 (nhằm ngày 20/6 – 02/7 âm lịch ), xuống giống tập trung ở những vùng thu hoạch Hè Thu sớm và đại trà.
Đợt 2: Xuống giống tập trung từ 22/8 - 31/8/2024 (nhằm ngày 19/7– 28/7 âm lịch), xuống giống dứt điểm ở những vùng thu hoạch Hè Thu đại trà và muộn. Lưu ý trên cùng một tiểu vùng không để nhiều trà lúa đan xen nhau…để hạn chế sự gây hại của bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, cháy bìa lá, lem lép hạt. Ngoài ra, còn có các đối tượng khác tấn công như: ốc bưu vàng, sâu cuốn lá, chuột, muỗi hành.
|
Nông dân cày, xới chuẩn bị gieo sạ mùa vụ mới
|
Bên cạnh việc chuẩn bị tốt khâu chuẩn bị đảm bảo xuống giống đúng lịch thời vụ, bà con nông dân khi xuống giống cần tuân thủ theo nguyên tắc chung là gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng; sử dụng lúa giống cấp xác nhận, sạ thưa, sạ hàng hoặc cấy với lượng giống 80-100 kg/ha. Tuyệt đối không xuống giống nhiều trà lúa trên một tiểu vùng.
Đồng thời, bà con nên chọn sử dụng các giống ngắn ngày, có chất lượng cao, kháng sâu bệnh, cho năng suất cao như: OM 9582, Đài thơm 8, OM 5451, OM 7347, OM 6976, OM 18, Jasmine 85, OM 9577, OM4900…đây là những loại giống khá an toàn về dịch bệnh và phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất và thị trường tiêu thụ thời gian qua được doanh nghiệp thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng.
Bên cạnh đó, nông dân có thể sử dụng nhóm giống có triển vọng để thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương như: Lộc Trời 28, OM 34, OM 418..., tuyệt đối không gieo trồng các giống lúa chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Riêng đối với nhóm giống lúa Japonica (ja – bo- ni-ca) (ĐS1, Hana, Kinu... và Nếp).
Theo nhận định của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Thành. Vụ Thu Đông xuống giống trong điều kiện thời tiết có mưa, bão nhiều nên gặp khó khăn trong sản xuất, dự báo xuất hiện một số sâu, bệnh hại như: Rầy nâu, muỗi hành, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, bệnh lem lép hạt...
Để hạn chế thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh gây ra, đảm bảo sản xuất an toàn cho nông dân, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Thành đề nghị các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông 2024 theo kế hoạch chung của huyện và cần tập trung một số giải pháp như: Triển khai và thực hiện tốt Quyết định số 73/QĐ-TT-VPPN ngày 25/4/2022 của Cục Trồng trọt về ban hành Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Quyết định số 145/QĐ-TT-CLT ngày 27/03/2024 của Cục Trồng trọt về Ban hành Quy trình và sổ tay hướng dẫn “Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Về thời vụ, cần xây dựng kế hoạch xuống giống phù hợp với khung lịch thời vụ chung của huyện. Tập trung khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống. Tăng cường công tác vận động nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt trên cơ sở số liệu từ hệ thống bẫy đèn để đảm bảo xuống giống né rầy và né hạn đầu vụ. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình nguồn nước, mùa vụ sản xuất và thị trường.
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên nền đất trồng lúa đối với những tiểu vùng xuống giống muộn, nằm ngoài lịch khuyến cáo để tránh ảnh hưởng đến vụ Đông Xuân 2024 - 2025.
|
Nông dân phun xịt diệt mầm bệnh cho vụ mùa Thu Đông
|
Tuyên truyền vận động nông dân xuống giống theo khung thời vụ quy định và theo thông báo xuống giống né rầy; thời gian xuống giống trên cùng 01 tiểu vùng không quá 07 ngày và không để nhiều trà lúa đan xen nhau; thời gian xuống giống không kéo dài quá 2 tháng để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, muỗi hành (sâu năn) và các loài dịch hại khác gây ra.
Tăng cường công tác thông tin truyền thông để kịp thời thông báo về tình hình diễn biến dịch hại, ảnh hưởng của mưa bão, ngập úng, các văn bản chỉ đạo của tỉnh và của huyện, các biện pháp phòng chống dịch hại, biện pháp đối phó tình hình mưa bão để mọi người dân biết và chủ động tích cực thực hiện.
Bên cạnh đó, Ngành nông nghiệp huyện Châu Thành cũng khuyến cáo đến bà con nông dân cần tập trung chăm sóc cây lúa, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng như: quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); ba giảm, ba tăng; một phải, năm giảm, tiêu chuẩn SRP, GlobalGAP, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng lúa... trong đó chú trọng áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ; tăng cường tuyên truyền hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng.
Khuyến cáo nông dân tăng cường các biện pháp giúp cây lúa khỏe như bổ sung vi lượng, phân bón có chứa canxi, silic…giúp cây lúa cứng cây tăng tính chống chịu tự nhiên... nhằm giúp nông dân giảm chi phí giá thành sản xuất, tăng năng suất, thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường.
Mặt khác nông dân nên tăng cường bón phân lân, kali ngày từ đầu vụ kết hợp với việc điều tiết nước hợp lý giúp lúa sinh trưởng, phát triển tốt và hạn chế đổ ngã. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại và có biện pháp ứng phó kịp thời để bảo vệ năng suất lúa tốt hơn.
Khi nông dân xuống giống tuân thủ lịch thời vụ và làm tốt khâu vệ sinh đồng ruộng và lựa chọn những giống lúa phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thị trường cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng giúp nông dân sản xuất thắng lợi vụ lúa thu đông năm 2024.
Trần Ngân
(TT VH- TT& TT huyện Châu Thành)