Báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang, tổng diện tích gieo trồng 9 tháng đầu năm 2019 là 508.500ha, đạt gần 100% kế hoạch. Cụ thể cây lúa đã gieo trồng trên 468 ngàn ha, hoa màu các loại trên 39 ngàn ha. Về thủy sản, sản lượng cá tra thu hoạch trong 9 tháng đầu năm trên 280 ngàn tấn, tăng 20 ngàn tấn so với cùng kỳ, sản lượng khai thác giảm 1,8 ngàn tấn, nhìn chung lĩnh vực thủy sản trong 9 tháng đầu năm chưa đạt kế hoạch đề ra. Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản khuyến cáo, thời tiết từ nay đến cuối năm diễn biến bất thường nên việc thả cá sẽ bị hao hụt nhiều. Ngoài ra, hiện nay nguồn cá còn tồn trữ nhiều, nếu hộ dân chưa liên kết hợp đồng tiêu thụ thì cân nhắc kỹ hơn trong việc thả cá.
Bên cạnh đó, về chăn nuôi bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, hiện trong tỉnh còn khoảng 95 ngàn con heo, giảm khoảng 21 ngàn con so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm thịt hơi xuất chuồng giảm 139 ngàn tấn chủ yếu là do giảm sản lượng thịt heo và trâu bò. Đàn gia cầm tăng 180 ngàn con nhưng tính chung lĩnh vực chăn nuôi trong 9 tháng đầu năm giảm 74 tỷ đồng. Tại Hội nghị, ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, người dân cẩn trọng trong việc tái đàn, vì virus dịch tả heo Châu Phi vẫn chưa bị khống chế, chưa có Vaccine phòng bệnh. Ngoài ra, cũng nên đề phòng một số virus khác trên gia súc gia cầm lây sang người. Qua đó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng khuyến cáo người dân tiêm phòng cẩn thận trong chăn nuôi, phòng tránh ổ dịch bùng phát. Về phát triển đàn heo, ông Hiệp cũng thông tin thêm, ưu tiên tái đàn ở những xã không có dịch bệnh, tiếp theo là các xã đã hết dịch bệnh đã qua 30 ngày. Không khuyến khích thực hiện tái đàn ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dưới 20 con heo thịt, hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn thu gom ở các quán ăn. Đối với những hộ chăn nuôi tự ý tái đàn, không được sự cho phép của chính quyền địa phương, không theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành, nếu xảy ra dịch bệnh sẽ không được hỗ trợ theo quy định.
Song song đó, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học. Riêng công tác xây dựng nông thôn mới được thực hiện thường xuyên và liên tục, đến nay có 54/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới đạt tỷ lệ 45,38%, ước đến 12/2019, toàn tỉnh có thêm 07 xã đạt chuẩn, nâng tổng số lên 61/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu Chương trình sớm hơn 01 năm so với lộ trình, kế hoạch của tỉnh.
Việc liên kết sản xuất cánh đồng lớn, ước thực hiện hợp đồng tiêu thụ cả năm diện tích trên 40 ngàn ha, tương đương so với năm 2018. Hiện có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia, trong đó có nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ lúa của nông dân thông qua Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hoặc ký hợp đồng với từng hộ dân, giá thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 50-100đ/kg. Các giống được sử dụng chủ yếu như Đài Thơm 8, Jasmine 85, OM4218, OM6976, Japonica; nếp CK92, CK2003, LT1, LT18,...
Hội nghị các đại biểu tập trung thảo luận những vướng mắc khó khăn trong thời gian qua, đồng thời cũng đưa ra các giải pháp trong thời gian tới. Đáng chú ý là giá lúa hiện nay thấp, các sản phẩm nông sản khó tìm đầu ra trong tiêu thụ. Hội nghị cũng đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông sản cho nông dân trong vụ Thu Đông sắp tới. Ngoài ra, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tình hình sạt lỡ, dịch bệnh trên gia súc gia cầm cũng được Hội nghị quan tâm thảo luận.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả đảm bảo đạt kế hoạch năm 2019 và làm tiền đề cho năm 2020, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung theo dõi sát sao vụ tình hình thu hoạch Thu Đông; Tham mưu triển khai hiệu quả Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là Dịch tả heo Châu Phi. Song song đó, cũng cần chú trọng phát triển các đối tượng chăn nuôi khác theo nhu cầu thị trường; Củng cố và phát triển Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là công tác giải thể các Hợp tác xã yếu kém.
Bên cạnh đó, tham mưu đề xuất các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và tăng thu nhập cho người dân. Tiếp tục đẩy mạnh mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tham gia chuỗi liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản theo mô hình cánh đồng lớn và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Trang Nghiêm - Trung tâm Khuyến nông An Giang