Sáng ngày 08/10/2019, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, thông tin tình hình kinh tế xã hội, và thu thập ý kiến, nguyện vọng cử tri là đội ngũ trí thức của tỉnh trước kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Tại Hội nghị, Tiến sĩ Mai Thị Ánh Tuyết, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã báo cáo tóm lược những thành tựu và thách thức của cả nước và tỉnh nhà trong 9 tháng qua.
Kinh tế - xã hội nước ta 9 tháng năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường; căng thẳng địa chính trị leo thang ở Vịnh Ba Tư; nguy cơ Brexit không có thỏa thuận; bất ổn chính sách gia tăng trên toàn cầu. Niềm tin vào thị trường tài chính giảm sút nên kế hoạch phát triển đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp có phần chững lại. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019 về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019.
Sự quyết tâm của chính quyền và Nhân dân đã đạt được kết quả như sau: Giá xăng dầu giảm 3,46%, làm CPI chung giảm 0,14%; giá gas giảm 5,97%… Nhờ tích cực triển khai các biện pháp bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, nên lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2019 tăng 1,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Nhìn chung, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9/2019 tăng 0,32% so với tháng trước do một số nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng; trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất, 3,15%. Bên cạnh đó, các địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư mới của Bộ Y tế làm chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng gần 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá các mặt hàng thực phẩm tăng bình quân 4,2%. Do dịch bệnh, nên giá thịt heo đã tăng tới hơn 8%. Ngoài ra, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt, thép tăng trở lại làm chỉ số giá xuất, nhập khẩu, chỉ số giá sản xuất công nghiệp, nông nghiệp 9 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tại An Giang, trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng sản phẩm GRDP tăng 6,4% so cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng cùng kỳ hai năm 2017 và 2018. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 658 triệu USD, đạt 74% kế hoạch, tăng 9,7% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 117 triệu USD; đã đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gấp 5,6 lần so kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Khu vực dịch vụ tăng 8,25%, tiếp tục giữ vị trí trọng yếu trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, chiếm 55,13%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,11%. Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,10%, là điểm nhấn của nền kinh tế đang trên đà đầu tư phát triển. Một số mặt hàng chủ yếu: Xuất khẩu thuỷ sản đông lạnh, đạt 88.760 tấn, tương đương 213 triệu USD; Gạo xuất 356.380 tấn, tương đương 179,4 triệu USD; Rau quả đông lạnh xuất đạt 6.900 tấn, tương đương 11,6 triệu USD; Hàng dệt, may ước xuất đạt 70,5 triệu USD; Hàng hóa khác đạt 110,7 triệu USD. 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh là gạo và thủy sản luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kim ngạch.
Nhưng bên cạnh kinh tế tăng trưởng, An Giang cũng như cả nước vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế: (1) Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thật sự vững chắc; như đầu tư công gặp khó khăn, trình độ khoa học công nghệ, tỉ trọng xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước thấp; (2) Cơ cấu lại và phát triển các ngành kinh tế có chuyển biến nhưng còn lúng túng ở một số nơi; (3) Thực hiện 3 đột phá chiến lược chưa đáp ứng tốt yêu cầu; (4) Quản lý Nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, thông tin truyền thông,… nhiều mặt còn bất cập; (5) An toàn xã hội còn một số tồn tại gây bức xúc; (6) Tình trạng ô nhiễm môi trường cò diễn biến phức tạp; (7) Bộ máy ở một số lĩnh vực chưa thực sự tinh gọn.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Trung Lập, Phó Bí thư Đảng Đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang đã biểu dương thành tựu đạt được của nền kinh tế tỉnh nhà, nhưng cũng bày tỏ sự lo ngại về môi trường sống đang ngày càng bất ổn, hiển hiện là vấn đề sạt lở đất và ô nhiễm không khí. Ngành nông nghiệp đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại do giá thành sản xuất tăng cao làm mất tính cạnh tranh. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được ví như là một cuộc ẩu đả - 2 con trâu chém nhau thì cây cỏ bên dưới thế nào cũng tan nát. Rồi tệ nạn ma túy, tội phạm thanh thiếu niên cũng ngày một gia tăng. Ông Nguyễn Trung Lập cũng đề nghị Quốc hội cần cân nhắc về vấn đề bệnh viện tự chủ, bởi rất khó kiểm tra việc lạm thu. Phải kiểm soát chặt chẽ để hạn chế tối đa việc thu phí cao ngất ngưỡng, nhưng chất lượng khám chữa bệnh lại không tương xứng. Đây là vấn đề nhân văn cần xem xét kỹ, nhằm tránh để xảy ra thảm cảnh: Người bệnh có thu nhập trung bình trở thành người nghèo. Kể cả trường học cũng cần kiểm tra chặt chẽ việc tự chủ tài chính. Còn về vấn đề tuổi nghỉ hưu, mỗi nước có mức tuổi khác nhau; tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 73 tuổi, nhưng lại tùy thuộc rất nhiều vào sức khỏe. Số người tuổi cao mà khỏe mạnh thì lại rất ít. Do đó, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nên áp dụng cho cán bộ văn phòng, còn đối với người lao động chân tay thì không nên áp dụng vào lúc này.
Có nhiều đại biểu đóng góp ý kiến về việc sớm khởi công và hoàn thành tuyến đường tránh Long Xuyên để giảm kẹt xe, nhất là tại ngã tư Đèn 4 ngọn; Nên hạn chế xe tải lớn lưu thông vào nội ô thành phố vào giờ cao điểm; Có chủ trương hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần…
Kết luận Hội nghị, bà Mai Thị Ánh Tuyết ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu, đồng thời bày tỏ niềm phấn khởi trước sự tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng qua. Nhưng cũng thiết tha đề nghị Chính phủ sớm giải ngân phần nguồn vốn đầu tư còn lại của các công trình trọng điểm, để An Giang có điều kiện bứt phá, vươn lên, thoát khỏi nhóm tỉnh nghèo của cả nước.
Kim Kiều - Trung tâm Khuyến nông An Giang