Rau má là một loại cây rất quen thuộc và phổ biến ở nước ta, thường mọc hoang khắp nơi. Từ lâu, con người đã biết sử dụng rau má như một loại rau xanh, chế biến thành thực phẩm, thức uống trong ẩm thực. Ngày nay, khi giá trị dược chất và dinh dưỡng trong rau má được nhiều người chú ý đến thì rau má đã trở thành loại nông sản cho thu nhập cao và được thâm canh trong nông nghiệp, hứa hẹn một bước đột phát cho nền công nghiệp dược phẩm toàn cầu.
Rau má còn có tên gọi khác như liên tiền thảo, tích tuyết thảo, lôi công thảo… Tên khoa học: Centella asiatica. Họ Apiaceae (họ Hoa tán).
Đặc tính thực vật, rau má thuộc cây hằng niên. Thân bò lan, mảnh khảnh, có rễ ở các mấu, thường có màu xanh lục. Lá có cuống dài, cuống lá dài 5 – 20cm. Phiến lá có dạng tai bèo tròn, mép lá có khía, gốc lá hình tim. Gân lá dạng chân vịt. Cụm hoa đơn mọc ở kẽ lá, gồm 1 đến 5 hoa nhỏ, hoa màu trắng hoặc hồng nhạt.
Cây ưa ánh sáng, thích hợp trên nhiều loạt đất và thu hoạch quanh năm. Rau má có thể trồng bằng hạt hay tách nhánh (trồng bằng gốc). Nếu trồng bằng hạt, sau 2 tháng có thể thu hoạch. Trồng tách nhách, thời gian thu hoạch sẽ nhanh hơn. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại hạt giống rau má, phổ biến nhất là rau má mèo, rau má mỡ và rau má thân tím.
Rau má có thể trồng trên luống đất, trồng bằng phương pháp thủy canh hoặc có thể trồng trong những chiếc thùng xốp, chậu, khay nhựa hay dưới gốc chậu cây cảnh đều được nhưng phải đảm bảo đủ ẩm cho cây.
Các nghiên cứu trong y học hiện đại cho thấy, thành phần hóa học của rau má có chứa Asiaticoside, hoạt chất này có khả năng kháng khuẩn và kháng nấm, đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị bệnh phong, do làm tan bao bằng chất giống sáp của trực khuẩn phong, làm cho nó trở nên mỏng manh và dễ bị phá hủy. Tác dụng tốt trong điều trị các chứng phù, viêm thanh quản, tĩnh mạch, phế quản, bệnh trĩ, eczema (vẩy nến), giải ngộ độc sắn (khoai mì) và lợi tiểu. Đối với mạch máu, rau má có thể tăng cường sức bền thành mạch.
Dịch chiết rau má có khả năng ức chế một số vi sinh vật gây bệnh trên da như vi khuẩn Propionibacterium acnes (còn được gọi là Cutibacterium acnes), vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus, vi khuẩn tụ cầu da Staphylococcus epidermis và nấm Cadida Albicans.
Thuốc mỡ điều chế từ rau má có tác dụng tái tạo tế bào da, nhanh liền sẹo đồng thời kích thích tổng hợp colagen I và fibronectin, góp phần làm lành vết thương. Ngoài ra, trong rau má còn có tinh dầu, nhưng hàm lượng rất nhỏ.
Tại Việt Nam, Viện Công nghiệp Thực phẩm (FIRI) điều chế và sản xuất thành công tinh rau má với công năng thanh nhiệt, mát gan, nhuận tràng, lợi tiểu và tăng cảm giác no, giúp hỗ trợ giảm cân.
Rau má còn được xem như là nguyên liệu chính trong công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng tăng cường hỗ trợ điều trị một số bệnh như thanh nhiệt, giải cảm, chảy máu chân răng, giải rượu,…. thông qua các sản phẩm hiện đang lưu hành trên thị trường như viên uống, dịch chiết, cao lỏng, cao khô, cao thuốc, kem bôi da, tinh bột, trà rau má,…
Theo Y học cổ truyền, rau má có tính hàn, tân, khổ, tính bình, không độc, có tác dụng giải nhiệt, giải độc, thông tiểu, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, hoàng đản, lợi sữa.
Một số bài thuốc sử dụng rau má theo kinh nghiệm dân gian
- Thanh nhiệt, mát gan, trị mụn nhọt: Dùng 30 – 40g rau má tươi, sắc lấy nước uống.
- Chữa viêm loét dạ dày, tá tràng: Dùng 12g rau má, 16g đảng sâm, 12g hoài sơn, 12g ý dĩ, 12g hà thủ ô, 12g huyết dụ, 12g kê huyết đằng, 12g cam thảo dây, 12g đậu đen (sao). Sắc uống ngày một thang.
- Đau bụng, tiêu chảy, lỵ: Dùng 30 – 40g rau má, thêm ít muối, nhai sống.
- Chữa đau bụng kinh, đau lưng: Rau má hái lúc ra hoa, phơi khô tán nhỏ. Ngày uống một lần, vào buổi sáng, mỗi lần 2 muỗng cà phê.
- Chữa rôm sảy, mẩn ngứa: Rau má giã nát, vắt lấy nước uống. Có thể cho thêm chút đường cho dễ uống. Uống hằng ngày đên khi hết triệu chứng bệnh thì ngưng.
- Viêm gan cấp tính thể hoàng đản (vàng da): Dùng 120g rau má, 30g mã đề, 30g nhân trần, đem nấu nước, uống lúc bụng đói.
- Tiểu tiện ra máu: Dùng rau má, ích mẫu, mỗi thứ một nắm, giã nát vắt lấy nước uống.
- Bệnh sởi: Dùng 30-40g rau má, sắc uống.
- Táo bón: Dùng 30g rau má, giã nát, vắt lấy nước uống, có thể cho thêm chút đường cho dễ uống. Bã đắp lên rốn.
Lưu ý
Rau má tuy lành tính nhưng không được dùng cho một số đối tượng như: Phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, phụ nữ đang dự tính mang thai, người bệnh gan, người bệnh tiểu đường, người đang dùng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm. Những người thể chất hư hàn, đau bụng đi ngoài, không nên dùng rau má.
Rau má không nên dùng thường xuyên. Nếu sử dụng rau má để điều trị bệnh, nên dùng tối đa trong vòng 1 tháng, sau đó ngừng lại. Nếu muốn dùng tiếp, phải cách khoảng 15 – 20 ngày. Nếu dùng rau má làm thực phẩm hay thức uống, không được dùng quá 40g rau má cho một người trong một ngày.
Trước khi sử dụng, phải nhớ rửa thật sạch.
Chú ý, những sản phẩm thực phẩm chức năng được điều chế từ rau má, chỉ giúp hỗ trợ điều trị bệnh, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Để an toàn và hiệu quả trong việc điều trị bệnh, nên tham khảo ý kiến của y bác sĩ và lương y trước khi sử dụng.
Quang Hiển