Trước khi khởi động kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp, An Giang đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp; cung cấp thông tin tình hình thị trường sản xuất và tiêu thụ nông sản; ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nhất là các ứng dụng về công nghệ sinh học, thủy lợi hóa và cơ giới hóa nông nghiệp; xây dựng chuỗi kết nối nông dân với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian, mang lại tính ổn định cho nông sản… Các kết quả bước đầu này là nền tảng dữ liệu số quan trọng để ngành Nông nghiệp tỉnh bắt nhịp tốt với tiến trình chuyển đổi số, là giải pháp hàng đầu quyết định sự thành công trong cơ cấu lại nông nghiệp.
|
Thông tin trên Cổng thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang được cập nhật thường xuyên tin bài, hình ảnh về sản xuất nông nghiệp tại địa phương, mô hình sản xuất hiệu quả cao, thông tin cập nhật hàng ngày về giá cả nông sản tại An Giang... Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật, công báo ngành, văn bản chỉ đạo điều hành của Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang và các Đơn vị trực thuộc cũng được đăng tải đầy đủ. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp trong việc chủ động tìm hiểu, nắm bắt các thông tin về chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nhiều giải pháp kỹ thuật đã được triển khai thực hiện và nhân rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản và gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
|
Ngay sau khi Chương trình số 553/CTr-UBND ngày 09/9/2021 của UBND tỉnh An Giang về Chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030 được ban hành, các Sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố và các Đoàn thể đã chủ động rà soát các nhiệm vụ chuyển đổi số, lựa chọn khâu đột phá, lĩnh vực ưu tiên thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương mình, để lồng ghép, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời, tổ chức quán triệt đến cán bộ, công chức, người lao động thay đổi thói quen, cách làm cũ bằng cách khai thác hiệu quả các hệ thống công nghệ thông tin đã và được triển khai, nghiên cứu đề xuất các lĩnh vực quản lý để ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả. Nhờ đó, tạo được sự đồng thuận, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân trong triển khai chuyển đổi số.
Với mục tiêu thực hiện chuyển đổi số thành công trên địa bàn tỉnh An Giang, trong đó Nông nghiệp là một trong các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, thế mạnh của tỉnh tập trung chuyển đổi số. Từ đầu năm 2023, trên cơ sở Kế hoạch số 902/KH-UBND ngày 31/12/2022 của UBND tỉnh An Giang về Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2023 và các nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-SNNPTNT ngày 24/4/2023 về Chuyển đổi số ngành nông nghiệp năm 2023. Các cơ quan quản lý chuyên ngành, doanh nghiệp, cùng với nông dân đã tích cực triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng chuyển đổi số. Khuyến khích nông dân tham gia các hoạt động ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; áp dụng các chương trình, phần mềm, thiết bị Internet vạn vật nhằm tối ưu hoá việc sử dụng tài nguyên (nước, đất đai), kiểm soát dịch bệnh, tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.
Ngành Nông nghiệp đã tiên phong trong triển khai thử nghiệm Hệ thống thông tin Cơ sở dữ liệu Nông nghiệp (VNPT-AIMS) nhằm tạo dựng hệ sinh thái chuyển đổi số hoàn thiện hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VNPT An Giang (tại Kế hoạch số số 141/KH-SNPTNT-VNPT ngày 30/01/2023). Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT An Giang và Công ty RYNAN triển khai thực hiện khảo sát thực tế vị trí lắp đặt các Trạm giám sát AI trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Tổng Công ty Viettel Solutions triển khai thí điểm ứng dụng phần mềm nhận diện sinh vật gây hại trên lúa từ tháng 06 năm 2021. Kết quả đã có 200 nông dân tham gia trên địa bàn các xã Bình Hòa, huyện Châu Thành; xã Bình Mỹ, Bình Long, Bình Phú và xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú; cùng với 50 cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Khuyến nông của hai huyện tham gia.
Ban chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Tập đoàn VNPT) khẩn trương khảo sát thực tế tại các địa phương, tổ chức triển khai Nền tảng Giám định sinh vật gây hại cho cây trồng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã đề xuất Kế hoạch thử nghiệm với 05 loại cây trồng là: lúa, xoài, mít, sầu riêng, nhãn. Trên cơ sở thu thập dữ liệu từ các Trạm giám sát AI, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện khảo sát thực tế vị trí lắp đặt các Trạm giám sát AI trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: khảo sát 04 điểm dự kiến lắp đặt gồm 02 điểm trên cây lúa tại (xã Núi Tô, thị xã Tịnh Biên và xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn); 02 điểm trên cây ăn trái (sầu riêng và xoài) tại xã Long Kiến và xã Bình Phước Xuân huyện Chợ Mới. Trên cơ sở báo cáo kết quả khảo sát sẽ đưa ra phương án thực hiện cụ thể trong thời gian tới.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông và Hội Nông dân tỉnh ngày 17/01/2024
|
Thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Điển hình như: mô hình sản xuất lúa không dấu chân (sử dụng máy bay không người lái sạ lúa và phun thuốc bảo vệ thực vật); ứng dụng công nghệ tự động hóa trong điều khiển tưới, bơm, quạt, cung cấp dinh dưỡng tự động, tưới nhỏ giọt, cảnh báo diễn biến bất thường trong môi trường nhà lưới; ứng dụng công nghệ viễn thám trong dự báo sâu bệnh, điều kiện thời tiết bất thường giúp ra quyết định kịp thời; ứng dụng công nghệ viễn thám để quản lý diện tích, tiến độ thả nuôi, kết hợp sử dụng cảm biến theo dõi nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, dinh dưỡng trong ao nuôi, lồng bè canh tác thủy sản; đưa máy móc cơ giới hóa vào các khâu phối trộn thức ăn, bơm nước, hút bùn, tạo ôxy trong các ao nuôi cá thâm canh; ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp… Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đã phổ cập sổ nhật ký điện tử vườn cho nông dân, chuyển dịch quản lý vùng trồng theo hướng số hóa, áp dụng hệ thống nhật ký điện tử, kết nối với hệ thống thông tin địa lý (GIS) để truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành, tạo sự chuyển biến rõ nét từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối, đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Ngày càng nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, tổ hợp tác (THT) ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh nhờ được tiếp cận đa dạng nguồn vốn như: chính sách hỗ trợ vay ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, chính sách hỗ trợ khoa học và công nghệ, chính sách hỗ trợ người trồng lúa… Công tác thông tin, tuyên truyền, khuyến khích HTX, THT áp dụng các quy trình sản xuất tiến bộ trong canh tác, thực hành nông nghiệp tốt (Viet GAP, Global GAP...) được thực hiện hiệu quả. Áp dụng đồng bộ các giải pháp về giống, kỹ thuật nuôi, canh tác, đầu tư thâm canh để đảm bảo năng suất và chất lượng nguyên liệu nông sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 47 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp như: áp dụng nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc điện tử, sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, cấy lúa bằng máy, sử dụng hệ thống cảm biến để quản lý tưới ngập khô xen kẽ, ứng dụng thiết bị giám sát sâu rầy thông minh, công nghệ GIS để quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự tính, dự báo dịch hại, ứng dụng các nền tảng số trong kết nối thành viên, quản lý sản xuất; quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua áp dụng các nền tảng thương mại điện tử… tập trung tại các địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn như: Thoại Sơn, An Phú, Phú Tân, Tri Tôn và Châu Phú.
Thông qua hình thức trực tuyến, trực tiếp và thông qua mạng lưới các Tổ Công nghệ số cộng đồng tại khóm, ấp về thương mại điện tử đã giúp các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nông dân trên địa bàn tỉnh (trong đó có sản phẩm OCOP) tham gia giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ nông sản. Kết nối trực tiếp với người tiêu dùng bằng cách đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (Postmart.vn, Voso.vn…). Thông tin, quảng bá trên các phương tiện thông tin thị trường như: cổng thông tin điện tử của các Sở, ngành, bản tin thị trường nông sản, bản tin xúc tiến thương mại nông sản, bản tin khuyến nông, khuyến công. Ngoài ra, các huyện còn thành lập các chuyên trang để quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch như các huyện Chợ Mới, Tịnh Biên, Thoại Sơn, Long Xuyên, Châu Đốc. Qua đó, giúp thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từ truyền thống sang hiện đại.
Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục nâng cấp, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp, nông thôn đảm bảo nguồn thông tin thống nhất, phục vụ công tác theo dõi đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, công tác chỉ đạo điều hành. Đồng thời hỗ trợ sàng lọc và phân tích các nội dung chuyên đề về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.
Hồng Quyên
Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang