Trong quyển Đồng bằng sông Cửu Long - Tài nguyên - Môi trường - Phát triển, các nhà khoa học đã nêu: "Thảm thực vật nguyên thủy ở ĐBSCL có 4 loại rừng: Rừng ẩm nhiệt đới ven sông; Rừng nhiệt đới lá rộng; Rừng tràm; và Rừng ngập mặn. Rừng ẩm nhiệt đới ven sông đã bị hủy diệt hoàn toàn trong quá trình con người mở rộng diện tích đất canh tác, đất thổ cư và đất chuyên dụng. Rừng nhiệt đới lá rộng chỉ còn lại ở các hải đảo và một ít vết tích ở vùng Bảy Núi, ở Phú Quốc và ở Côn Đảo".

|
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin được tìm hiểu sâu hơn về tài nguyên Rừng Tràm. "Rừng tràm là một hệ sinh thái ổn định của vùng trũng nội địa, ngập hàng năm từ 2 - 5 tháng do lũ và có nơi lớp xác bã thực vật tích tụ thành than bùn giữ ẩm cho đất, chống hiện tượng phèn hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho các thú hoang, tôm cá đến sinh sống và phát triển. Đặc biệt, rừng tràm còn có tác dụng cải tạo các vùng đất phèn hoạt động và phục hồi các vùng sinh thái đã bị phá vỡ trước đây ở nhiều vùng... Các mô hình lâm - ngư - nông và lâm - ngư kết hợp (Lâm trường sông Trẹm Minh Hải) cần được nghiên cứu thêm trên từng vùng sinh thái để có thể nhân rộng ra trên toàn khu vực ĐBSCL, đồng thời tận dụng khai thác tổng hợp tất cả các nguồn lợi của rừng Tràm".
Một tác giả nhận được bằng Thạc sĩ Danh dự tại Đại học Bách khoa Milan, Italy vào ngày 02 tháng 10 năm 2020, với đề tài "Giữ nước cho Đồng bằng sông Cửu Long, một đoạn trong tóm lược đồ án, đã nêu những lợi thế và tiềm năng của rừng tràm: "Rừng tràm không chỉ chứa đựng những giá trị về kinh tế và môi trường như các loại rừng khác, mà rừng tràm còn là một hệ sinh thái ngập nước độc đáo: Vừa có khả năng trữ nước vừa giúp bảo vệ đa dạng sinh học, và mang lại sinh kế cho người dân từ các sản vật của rừng như: tinh dầu, gỗ, nuôi cá dưới rừng tràm, nuôi ong lấy mật, du lịch sinh thái… Cụ thể: Thu nhập từ rừng tràm (Tham khảo nhiều nguồn):
a) Tinh dầu
- Năng suất: 31 lít/ha/năm
- Đơn giá: 1 – 1,8 triệu đồng/lít
=> Thu nhập: 31 – 55 triệu đồng/ha/năm
b) Mật ong (Tham khảo từ mô hình nuôi ong rừng tràm ở Tràm Chim, Đồng Tháp)
- Năng suất: 12 – 16 lít/ha/năm
- Đơn giá: 250 ngàn đồng/lít
=> Thu nhập: 3 – 4 triệu đồng/ha/năm
c) Gỗ tràm
- Từ 100 – 120 triệu/ha/5 năm
=> 20 – 24 triệu/ha/năm
d) Nuôi cá dưới tán rừng tràm
- Năng suất: 400 – 600 kg/ha/1,5 năm
- Đơn giá: 40 – 60 ngàn đồng/kg (cá sặc rằn, cá lóc, trê…)
=> Thu nhập: 15 – 30 triệu đồng/ha/năm
e) Du lịch: Rừng tràm có thể mang lại thu nhập tăng thêm từ các hoạt động du lịch sinh thái ngắm cảnh rừng tràm, trải nghiệm quy trình chiết xuất tinh dầu tràm, nuôi ong… và cả dịch vụ homestay (Nhiều mô hình tương tự đã thành công ở Miền Tây và Hội An, thu hút rất đông khách du lịch cả trong nước và quốc tế)".
Riêng tại An Giang, tuy số liệu nguồn lợi từ nuôi tôm cá dưới tán rừng tràm chưa được thống kê cụ thể; nhưng giá trị sản xuất lâm nghiệp cùng với các dịch vụ như: Trồng và nuôi rừng, khai thác gỗ và lâm sản... vào năm 1995 đã đạt được 55 tỷ đồng (cũng trong năm này: Sản xuất cây lương thực như lúa, bắp đạt 2.869 tỷ đồng). Đến năm 2005 giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt hơn 105 tỷ đồng và sản xuất cây lương thực có hạt đạt 8.118 tỷ đồng.
Từ những dẫn liệu trên ta thấy rằng, 30 năm qua việc trồng rừng không phát triển tăng tốc bởi do ta chỉ trồng riêng cây rừng để khai thác gỗ và một vài loại sản vật có sẵn của rừng, chớ chưa tận dụng hiệu quả nhiều nguồn tài nguyên khác dưới tán rừng tràm.
Ngọc Diệp