Ốc bươu là đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế khá cao tại An Giang và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong những năm gần đây phong trào nuôi ốc bươu phát triển mạnh cả về diện tích và sản lượng. Để góp phần nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp là hướng đi bền vững của ngành nông nghiệp nói chung và sản phẩm ốc bươu thương phẩm nói riêng. Hiện nay, trên thị trường có bán các sản phẩm ốc đã cho qua quá trình tiềm sinh được gọi với tên thương mại là “ốc gác bếp” tuy nhiên sản phẩm này được làm ra chủ yếu là theo kinh nghiệm dân gian và truyền tai nhau là chủ yếu nên chưa có một quy trình chung để sản xuất sản phẩm mang tính thương mại.

|
Từ những vấn đề trên, Ông Ngô Tuấn Tính, địa chỉ ấp Mỹ An 1, xã Mỹ Hoà Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình cho ốc bươu đồng (Pila polita) tiềm sinh để làm nâng cao giá trị sản phẩm” tại An Giang với nguồn kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học và nguồn tự có của tổ chức do Trung tâm Khuyến nông An Giang chủ quản nhằm đánh giá hiệu quả của việc cho ốc bươu đồng tiềm sinh góp phần tăng giá trị sản phẩm. Với mục tiêu cụ thể là xây dựng mô hình cho ốc bươu tiềm sinh với quy mô 400 con/m2; Đạt tỷ lệ sống ≥ 70%; Tỷ suất lợi nhuận của mô hình tạo ra sản phẩm ốc tiềm sinh ≥ 50%; Xây dựng được quy trình cho ốc bươu đồng tiềm sinh, nâng cao giá trị sản phẩm.
Mô hình nuôi ốc tiềm sinh được xây dựng và triển khai trên quy mô thực nghiệm 400 con/m² với diện tích 12m2 (khoảng 160 kg ốc). Đây là mô hình mới kết hợp giữa thuần nhiệt độ và chuyển hoá dinh dưỡng của ốc trong quá trình tiềm sinh, một quá trình mô phỏng theo điều kiện tự nhiên để đưa ốc vào trạng thái nghỉ, từ đó bảo toàn năng lượng và cải thiện chất lượng thịt.
Mô hình được thực hiện qua hai giai đoạn chính:
Giai đoạn 1: Là thuần nhiệt độ, với việc tuyển chọn ốc thương phẩm trên 5 tháng tuổi, có khối lượng trung bình 30 con/kg. Sau khi ngâm và làm sạch bùn đất trong 3 ngày, ốc được đưa vào điều kiện khô thoáng trên kệ trong phòng kín gió. Nhiệt độ được điều chỉnh từ 28°C lên đến 32°C trong các mốc thời gian 5 ngày, 10 ngày và 15 ngày và tăng nhiệt độ mỗi ngày lần lượt là 10C, 0,50C, 0,330C, giúp ốc thích nghi dần và đi vào trạng thái tiềm sinh. Ngoài ra, còn bố trí thêm kệ đối chứng không áp dụng thuần nhiệt độ nhằm đánh giá sự chênh lệch về tỷ lệ hao hụt.
Giai đoạn 2: Thực hiện kéo dài trong 4 tháng, tập trung vào quá trình chuyển hoá dinh dưỡng bên trong cơ thể ốc khi đã vào trạng thái tiềm sinh. Ốc được đưa ra môi trường ngoài phòng kín, có mái che mưa được gắn bằng tấm lợp lấy ánh sáng để tạo màu sắc cho ốc, ánh sáng được điều chỉnh theo các mức 24%, 36% và 47% . Bố trí lại ốc trên khung kệ và dùng 1 lớp rơm khô làm giá thể cho ốc để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tự chuyển hóa.
Mô hình đã trãi qua hơn 2/3 chặng đường, cho thấy tỷ lệ sống của ốc đạt 80%, đặc biệt, nhóm ốc được thuần nhiệt độ có tỷ lệ sống cao hơn nhóm đối chứng. Theo nhận xét cảm quan thì ốc sử dụng ánh sáng trực tiếp 24% cho màu sắc đẹp, vỏ ốc sáng bóng và thịt ốc trắng hơn.
Hiện nhóm nghiên cứu vẫn đang theo dõi tỷ lệ sống, khối lượng, cùng các yếu tố cảm quan của ốc ở các nghiệm thức. Dù mô hình vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, nhưng những kết quả bước đầu cho thấy khả năng có thể mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi ốc ở An Giang. Đặc biệt, mô hình này sử dụng ít nước, không tốn chi phí thức ăn, phù hợp với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ muốn nâng cao giá trị sản phẩm. Hy vọng, sau khi hoàn thành, quy trình này có thể nhân rộng cho bà con ở nhiều nơi. Ốc tiềm sinh không chỉ ngon hơn mà có thể bán giá cao hơn so với ốc bươu thường.
Kim Ngân