Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững. Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác giúp đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đây cũng là mục tiêu mà ngành nông nghiệp đang hướng đến.
An Giang là địa phương phát triển sản xuất cây ăn trái nhanh và diện tích có xu hướng tăng đều trong những năm gần đây. Tính đến tháng 05/2025, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh là 19.742 ha, diện tích đang cho trái 16.543 ha, tổng sản lượng cây ăn trái cả năm ước đạt 395 ngàn tấn trong đó chủ lực vẫn là cây có Múi và Chuối. Với diện tích Xoài là 12.320 ha; Sầu Riêng 820 ha; Chuối 656 ha; Nhãn 520 ha; Mít 2.380 ha; Cây có múi 1.391 ha, đến nay diện tích cây ăn trái tăng thêm 983 ha (năm 2021 là 18.759 ha).
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang, cây ăn trái phân bố rải rác ở 146/156 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh An Giang. Trong đó, Chợ Mới là huyện có diện tích lớn nhất với 8.090 ha, chiếm 44,98% tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh, kế đến là huyện An Phú 2.149 ha, chiếm 10,98% kế đến là thị xã Tịnh Biên 2.100 ha, chiếm 10,64% và diện tích thấp nhất là Tp. Long Xuyên có 222 ha, chiếm 1,12 %.
Về cấp mã số vùng trồng giai đoạn từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 619 mã số với tổng diện tích vùng trồng 21.780,88 ha. Số lượng và quy mô diện tích vùng trồng tăng dần theo từng năm, nhằm phục vụ và đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu nông sản của tỉnh.
Thị trường liên kết tiêu thụ cây ăn trái có hợp đồng giai đoạn năm 2021 đến nay đạt khoảng 6.335 ha. Với sự tham gia liên kết tiêu thụ của các công ty, doanh nghiệp, Hợp tác xã. Với các loại cây ăn trái được liên kết tiêu thụ như Xoài, Mít, Nhãn, Chuối, Sầu riêng, Bưởi. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc tiếp tục gặp trở ngại nên giá bán một số loại cây ăn quả không thật sự ổn định, đặc biệt việc xuất khẩu sầu riêng đang gặp khó do bị ảnh hưởng bởi một số rào cản kỹ thuật. Mặt khác, nhờ thực hiện chuyển đổi từ diện tích cây hằng năm sang trồng các loại cây ăn quả lâu năm trong các năm gần đây đã góp phần làm tăng diện tích cây lâu năm cho thu hoạch sản phẩm qua từng năm.

|
Người tiêu dùng hiện nay có xu hướng lựa chọn những nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thị trường cho sản phẩm hữu cơ trên thế giới ngày càng phát triển mạnh, được tiêu thụ chủ yếu ở Mỹ, Châu Âu, Nhật, Đài Loan, Singapor,... Trong đó nhu cầu sản phẩm hữu cơ ở Mỹ tăng 20-30% hàng năm, điều này mở ra hướng đi mới cho dòng sản phẩm cao cấp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc định hướng phát triển hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng. Qua đó ngành nông nghiệp cũng đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái. Đồng thời, đã có diện tích chứng nhận VietGAP và mã số vùng trồng, mời gọi các Công ty tiêu thụ sản phẩm để xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.

|
Đại diện Công ty Hoàng Phát Fruit chia sẻ việc liên kết sản xuất cây ăn trái, đối với tỉnh An Giang, đặc biệt là trái xoài. Từ tháng 01/2024 đến nay công ty đã thu mua 2.000 tấn xoài thông qua các kênh liên kết Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng, Hợp tác xã Long Bình, các vùng trồng xoài keo, các thương lái thu mua trên địa bàn. Các giống xoài chủ yếu được công ty thu mua và tiêu thụ là xoài keo, xoài hạt lép và xoài tượng. Nhu cầu công ty dự kiến mở rộng với xoài Úc R2E2, bưởi, nhãn,…
Việc phát triển các giống cây trồng chất lượng cao, có hương vị đặc trưng, và đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố quan trọng để đáp ứng yêu cầu của thị trường cao cấp. Mô hình liên kết giữa Công ty Hoàng Phát Fruit và các Hợp tác xã, vùng trồng là nền tảng vững chắc để xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng đồng đều, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu.
Trang Nghiêm