Trong kho tàng các bài thuốc y học cổ truyền, hiếm có một loại cây nào như ké đầu ngựa, chữa trị được nhiều chứng bệnh, từ thông thường như cảm mạo, nóng sốt đến những bệnh mạn tính như cao huyết áp, phổi, thận, tiểu đường... Khi vị thuốc từ thảo dược này ngày càng được chú ý đến cũng là lúc những ứng dụng thành công từ nghiên cứu lâm sàng đã tạo ra những biệt dược trích xuất từ ké đầu ngựa, có khả năng phòng ngừa bệnh tật, giúp tăng cường sức khỏe cho con người, góp phần làm phong phú cho nền y học phương Đông.
Ké đầu ngựa, người Trung quốc gọi là thương nhĩ tử, xương nhĩ. Dân tộc Tày gọi là phác ma. Danh pháp khoa học là Xanthium strumarium, thuộc họ Asteraceae (họ Cúc).
Cây thuộc dạng hằng niên. Thân thấp, từ 0,2 đến 1 mét, ít phân nhánh, dọc theo thân có rãnh chạy dài, bao phủ bởi lông tơ. Lá hình tim, xẻ thùy, chóp lá nhọn, mép lá có răng, mặt dưới lá phủ lớp lông. Cây được xếp vào nhóm đơn tính cùng gốc do trên cây có cả hoa đực và hoa cái. Hoa màu tím. Quả bế, dạng hình trứng, đầu quả có 2 sừng nhọn, vỏ có gai.
Cây ưa ánh sáng, chịu ẩm, không kén đất, có thể sinh trưởng và phát triển trên nhiều loại đất khác nhau.
Thành phần hóa học của ké đầu ngựa có chứa chất sitosterol – D-glucoside, có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng. Hoạt chất sequiterpen lacton (xanthinin, xathanin, xanthumin) giúp làm lành vết thương. Đặc biệt, cây còn chứa rất nhiều chất đạm hữu cơ, đây chính là nguồn phân xanh hữu ích giúp tăng độ phì nhiêu cho đất và tăng năng suất cây trồng.
Iod cũng được tìm thấy và phân lập trên cây ké đầu ngựa, tập trung ở quả nhiều hơn các bộ phận khác của cây. Do đó loại cây này rất thích hợp để bổ sung lượng iod trong việc hỗ trợ điều trị bệnh bướu cổ. Trong bào chế, Iod được trích xuất từ phương pháp cô đặc, lấy từ quả, thân và lá ké đầu ngựa. Thời gian cô đặc càng tăng thì cao thuốc càng chứa hàm lượng Iot càng nhiều.
Ở Trung Quốc, ké đầu ngựa được dùng trong các bài thuốc trị bướu cổ, cảm lạnh, thấp khớp, an thần, tăng huyết áp, viêm sưng tấy, các chứng bệnh về da, dị ứng. Ở Ấn Độ, ké đầu ngựa là vị thuốc chính để điều trị chứng sốt rét, giảm đau.
Theo Y học cổ truyền, ké đầu ngựa có tính ấm, vị đắng, có chứa độc tính, được xếp vào nhóm thuốc Tân ôn giải biểu (Chữa cảm lạnh, sốt, ra mồ hôi). Trị phong thấp tý (đau nhức xương khớp, tê chân tay), ho, suyễn, viêm mũi, viêm thận, viêm họng, bướu cổ, lỵ, lở loét, tăng huyết áp...
Bộ phận làm thuốc: Quả (Thương nhĩ tử) và toàn cây (Thương nhĩ thảo). Trong quả chứa dược tính cao hơn nên thường được sử dụng. Thường dùng ở dạng phơi khô hoặc sấy. Độ ẩm không quá 12%. Nếu sấy, nhiệt độ 40 – 45 độ C.
Ké đầu ngựa thường được chế biến thành cao gọi là thương nhĩ hoàn (thuốc viên).
Một số bài thuốc trị bệnh với cây ké đầu ngựa, trích trong Lĩnh Nam Bản Thảo của Hải Thượng Lãn Ông:
- Trị sốt rét: Dùng 150g quả ké đầu ngựa khô, tán nhỏ, hòa rượu, chia thành viên nhỏ bằng hạt bắp. Mỗi lần uống 30 viên.
- Trị viêm mũi: Dùng 150g quả ké đầu ngựa khô, nghiền thành bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g.
- Trị triệu chứng chảy nước mũi: Dùng 10g quả ké đầu ngựa, 20g tân di, 40g bạch chỉ, 2g bạc hà điệp. Tất cả phơi khô, tán nhỏ thành bột. Mỗi lần uống 8g, uống sau khi ăn.
- Trị mắt tối, tai ù: Quả ké đầu ngựa phơi khô, tán thành bột. Mỗi lần uống 1g.
- Trị răng nhức, sưng: Dùng 100g quả ké đầu ngựa, sắc thành nước đặc, ngậm. Ngậm nhiều lần trong ngày. Mỗi lần, ngậm khoảng 10 phút, sau đó súc miệng lại bằng nước sạch.
- Trị chân bị lở loét: Dùng 80g quả ké đầu ngựa khô, sao vàng, nghiền nhỏ. Cho thêm ít mỡ heo vào, trộn đều thành bột dẽo, bôi lên vết thương. Trước khi bôi thuốc, cần sát trùng vết thương.
- Trị phong thấp, co rút chân tay: Dùng 120g quả ké đầu ngựa khô, tán nhỏ, sắc với 1,5 nước, còn lại 1/3, uống trong ngày.
- Trị nghiện rượu khó cai được: Dùng 7 quả ké đầu ngựa khô, sao cháy, cho vào trong rượu uống thì không nghiện nữa.
- Trị hầu họng tê đau do phong tà độc thấm nhiễm: Rễ ké đầu ngựa, củ gừng già, lượng bằng nhau, giã nhỏ, sắc nước, cho thêm một ít rượu vào, uống lúc còn ấm. Nên uống chậm từ từ để thuốc thấm nơi hầu họng đau.
- Trị phụ nữ bị phong, da nổi mẩn đỏ: Hoa và quả ké đầu ngựa, lượng bằng nhau, tán nhỏ. Mỗi lần uống 8g với nước đậu xanh hoặc đậu đen.
- Trị tăng huyết áp, viêm thận, phù thủng: Dùng 20 – 40g rễ ké đầu ngựa, sắc nước uống.
- Trị các loại nhọt: Dùng 60g rễ ké đầu ngựa, 5 quả ô mai, 3 củ hành (gồm luôn cả rễ), 250 ml rượu. Sắc còn 1/3. Uống lúc còn nóng.
- Trị cảm lạnh, nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, co giật: sử dụng 120g nhân hạt ké đầu ngựa, 12g thiên ma, 12g bạch cúc hoa. Cho nước vừa đủ, sắc còn 1/3, uống lúc còn nóng.
- Trị đau buốt nửa người, tê chân tay, ngứa: Dùng 12g quả ké đầu ngựa, 8g bạch chỉ, 8g kinh giới, 6g xuyên khung, 6g thiên niên kiện. Cho nước vừa đủ, sắc còn 1/3, uống lúc còn nóng.
- Trị phong hủi, cùi (đại ma phong): Dùng 120g quả ké đầu ngựa, 600g thương truật. Tất cả đem phơi khô, tán nhỏ, trộn với nước hồ gạo hoặc nước cơm, giã nhuyễn. Mỗi lần uống 8g, ngày uống 3 lần.
- Trị bụng trướng nước, bí tiểu: Quả ké đầu ngựa và đình lịch, lượng bằng nhau, tán nhỏ. Mỗi lần uống 8g, ngày 2 lần.
- Trị sỏi thận: Dùng 20g ké đầu ngựa, 40g vòi voi, 20g lá lốt, 10g ngưu tất. Tất cả nguyên liệu trên, hãm với nước sôi khoảng 10- 15 phút, gạn lấy nước uống. Chia thành nhiều lần, uống trong ngày.
- Trị viêm xoang: Dùng 12g quả ké đầu ngựa, 8g bạch chỉ, 8g kinh giới, 6g xuyên khung, 6g thiên niên kiện. Cho nước vừa đủ, sắc còn 1/3, uống lúc còn nóng.
Lưu ý khi sử dụng bài thuốc có ké đầu ngựa
Nếu dùng dạng thuốc viên hay thuốc bột, khi uống với nước, phải dùng nước ấm. Thông thường thuốc sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 2 lần. Với bệnh cấp tính, bệnh nặng có thể uống 1 ngày 2 thang. Thuốc trị sốt rét nên uống 2 giờ trước khi bệnh nhân lên cơn sốt rét.
Không được dùng ké đầu ngựa cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
Khi dùng những bài thuốc có ké đầu ngựa, phải kiêng cử thịt heo.
Không dùng ké đầu ngựa cho những người huyết hư.
Khi sử dụng ké đầu ngựa làm dược liệu, phải rửa sạch trước khi phơi sấy. Không được dùng dược liệu đã mọc mầm. Trước khi sắc thuốc nên ngâm thuốc trong nước sạch khoảng 10-20 phút cho thuốc trương nở, giúp các hoạt chất được giải phóng nhanh.
Dụng cụ sắc thuốc: Nên sử dụng siêu đất hoặc ấm có chất liệu gốm, thủy tinh, sành sứ. Không dùng ấm hay nồi bằng kim loại (nhôm, thau, ….) vì nó sẽ ảnh hưởng đến sự biến đổi tính chất hóa học của vị thuốc.
Thường 1 thang thuốc được sắc 2 lần, lượng nước lần đầu thường nhiều hơn lần sau. Lần đầu đổ ngập hơn 3cm so với thuốc. Lần sau, chỉ cần đổ xâm xấp nước.
Giống như các dược liệu được sử dụng trong Đông y, dược tính từ các loài thảo dược sẽ có công năng khác nhau tùy theo cơ địa mỗi người. Cần tham khảo chỉ định sử dụng từ các lương y, bác sĩ có chuyên môn để tránh gây ra những tương tác không mong muốn.
Thiện Tùng