Theo Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi Khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của An Giang có khoảng 16.819 ha. Qua kết quả rà soát, các khu vực rừng trọng điểm trên địa bàn tỉnh có nguy cơ dễ xảy ra cháy trong mùa khô hạn, với diện tích 7.418,6 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên núi và khu vực đồng bằng (Châu Đốc 49,90 ha, Tịnh Biên 2.912 ha, Tri Tôn 4.406,70 ha,Thoại Sơn 50 ha).
Bố trí dụng cụ, phương tiện tại các điểm trực phòng, chống cháy rừng tại 51 điểm
Trong đó, các khu vực nguy cơ cháy cao, gồm: Rừng tràm Trà Sư; rừng tràm Nhơn Hưng; Khu vực núi Phú Cường; Cụm núi Đất; Khu vực núi Nhọn; Khu vực đồi Kakô, khu vực Latina-Tà Lọt thuộc Núi Cấm (thị xã Tịnh Biên); Núi Sam (thành phố Châu Đốc); Đồi 81, Vồ Cờ, đồi 400 khu vực Ô vàng đến vồ Đá Bia, Sà Lôn, Ô Bà Bé, ô Cây Chương, Bụng Ông Địa, điện Tà Cao (núi Dài); Đồi 500, Tức Dụp, Sân Tiên, Chùa Bồng Lai, đồi Sơn Rứa, Khu khai thác đá An Giang (núi Cô Tô); Núi Nam Quy, núi Tượng, núi Trọi, Rừng tràm Bình Minh, Rừng tràm Tân Tuyến, Rừng tràm Lâm trường Tỉnh đội (huyện Tri Tôn); Khu vực núi Tượng, núi Nhỏ, núi Sập (huyện Thoại Sơn). Dự kiến thời gian chịu ảnh hưởng nắng nóng, thiếu nước từ nửa cuối năm 2023 và giữa năm 2024.
Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi Khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang phối hợp các cơ quan Báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình chủ động tuyên truyền và tổ chức phát thông điệp cảnh báo nguy cơ cháy rừng, nhất là thời kỳ cao điểm mùa khô.
Khi có nguy cơ cháy rừng cấp IV, các Hạt Kiểm lâm liên huyện, Trạm Kiểm lâm phải thông báo ngừng một số các hoạt động trong rừng tại những khu vực rừng dễ cháy, nơi có khách du lịch thường lui tới.
Đối với các diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng vùng đồi núi, Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh khẩn trương thực hiện phát và đốt dọn cỏ cục bộ làm giảm vật liệu cháy trong rừng. Đốt dọn các tuyến băng trắng, vùng đệm chống cháy lan từ ngoài vào, nhất là các khu vực giáp diện tích sản xuất nông nghiệp, thời gian thực hiện phải hoàn thành trước khi vào cao điểm của mùa khô…
Để đảm bảo tốt hơn nữa trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng có nguy cơ xảy ra trong mùa khô hạn. Trong đó, các khu vực rừng trọng điểm trên địa bàn tỉnh có nguy cơ dễ xảy ra cháy trong mùa khô hạn, thiếu nước, nắng nóng gay gắt kéo dài với diện tích là 7.418,6 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên núi và khu vực đồng bằng.
Cần phải chủ động trang bị thêm dụng cụ, phương tiện chữa cháy, tích trữ nước ao hồ trên núi, nạo vét kênh và đào hồ trữ nước, máy chữa cháy đồng bằng, dây chữa cháy đồng bằng, máy chữa cháy đeo vai, có béc sứ, bàn đập lửa, máy bơm hút nước chữa cháy đồi núi, máy chữa cháy thả nổi, vỏ lãi composit, cal nhựa 10 lít, bồn chứa nước Inox, trạm bơm điện, tháp canh lửa bằng sắt, Fly cam phục vụ phòng cháy, làm cầu tạm bắt qua các kênh mương di chuyển tuần tra, chữa cháy rừng, phát dọn đường băng, ruồng dây leo cây bụi, hạ cây đổ ngã theo tuyến đường tuần tra,…
Bố trí dụng cụ, phương tiện tại các điểm trực phòng, chống cháy rừng tại 51 điểm (Tịnh Biên 23 điểm; Châu Đốc 04 điểm; Thoại Sơn 23 điểm); bố trí dụng cụ, phương tiện tại các điểm trực phòng, chống cháy rừng Rừng Tràm vùng Đồng bằng tại 18 điểm (rừng Tràm tỉnh đội: 08 điểm, rừng Tràm Tân Tuyến: 05 điểm; rừng Tràm Bình Minh: 05 điểm)./.
Nguồn: Quyết định số: 54/QĐ-BCH ngày 30/6/2023
Xuân Hiếu