Hiện nay, việc thường xuyên sử dụng hóa chất xử lý môi trường và lạm dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản sẽ dẫn đến việc tồn dư hàm lượng kháng sinh trong vật nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó khi sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể gây ra hiện tượng kháng thuốc, tồn lưu hóa chất vào môi trường, làm giảm năng suất vụ nuôi. Do vậy, việc ứng dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi thủy sản là một phương pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn mầm bệnh và kiểm soát dịch bệnh là rất cần thiết.
Nuôi ghép ếch và cá rô đồng là phương pháp tận dụng phân và thức ăn dư thừa của ếch để nuôi cá nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu chất thải ra môi trường, giúp hạn chế dịch bệnh. Đặc biệt, việc ứng dụng chế phẩm vi sinh để xử lý trong quá trình nuôi nhằm cải thiện chất lượng và hạn chế thay nước trong ao nuôi, góp phần bảo vệ môi trường... Qua đó, Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú phối hợp với UBND xã Mỹ Đức thực hiện điểm trình diễn mô hình “Ứng dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi ếch trong vèo kết hợp cá rô trong ao đất” thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2024, thực hiện tại hộ anh Lê Văn Thành, ấp Mỹ Thiện, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, với diện tích 120m2 vèo và 500m2 ao, thả 12.000 con ếch giống và 2.500 con cá rô, ếch nuôi trong vèo và cá rô nuôi ngoài vèo để tận dụng thức ăn dư thừa của ếch.
|
Ngày 27/8, Trạm Khuyến nông tổ chức buổi hội thảo tổng kết mô hình “Ứng dụng chế phẩm vi sinh nuôi ếch trong vèo kết hợp cá rô trong ao đất”. Hội thảo là dịp giúp cho nông dân tham quan, học tập và đánh giá hiệu quả của mô hình, từ đó có cơ sở khuyến cáo cho nông dân áp dụng và nhân rộng trong thời gian tới.
Anh Lê Văn Thành chủ hộ nuôi cho biết, hiện ếch được 3 tháng, khối lượng trung bình 300 gram/con và cá rô đạt 91g/con, ước sản lượng ếch đạt 2.664 kg và cá rô 170 kg, tỉ lệ sống ếch đạt 74% và cá rô là 75%. Giá bán ếch trên thị trường hiện nay là 35.000 đồng/kg và cá rô 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ước lợi nhuận 10.055.800 đồng/mô hình.
Anh Thành cho biết thêm, mô hình này phù hợp với nông dân ít đất sản xuất, tận dụng phân và thức ăn dư thừa của ếch để nuôi cá rô, giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu chất thải ra môi trường, giúp hạn chế dịch bệnh... Từ khi ứng dụng chế phẩm vi sinh để xử lý cải thiện chất lượng nước, hạn chế thay nước trong ao nuôi, ếch ít bệnh. Từ đó giúp cá rô nuôi lớn nhanh, nâng cao được năng suất và tăng thu nhập. Tuy nhiên cá rô phát triển tốt nhưng không đồng đều do không cho ăn và chủ yếu tiêu thụ nội địa thông qua các chợ nên có thể gặp khó khăn về đầu ra.
Tại buổi hội thảo, nông dân tham quan mô hình hưởng ứng và đồng tình cao. Ứng dụng chế phẩm vi sinh nuôi ếch trong vèo kết hợp cá rô trong ao đất là mô hình được đánh giá là rất hiệu quả về mặt kinh tế góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên một đơn vị diện tích nhằm đưa nghề nuôi phát triển bền vững. Đề xuất thời gian tới, ngành chuyên môn nhân rộng mô hình này trên địa bàn huyện châu Phú./.
Nguyễn Thị Khiếm