Chiều ngày 5/11, tại An Giang, nối tiếp “Hội nghị tham vấn triển khai Dự án Tăng cường năng lực địa phương trong dự phòng, giám sát và đáp ứng với dịch bệnh” vào buổi sáng cùng ngày, dự án đã có buổi thảo luận chi tiết để định hướng các hợp phần hoạt động với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang. Tham dự buổi thảo luận, có bà Nguyễn Thị Xoàn, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang, các phòng thuộc Chi cục và các đơn vị liên quan. Về phía Dự án có Phó giám đốc dự án Đỗ Hữu Dũng và cùng các cán bộ giám sát và phát hiện và truyền thông nguy cơ, tăng cường sự tham gia của cộng đồng. Dự án do Tổ chức PATH cùng các đối tác Viện nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI), Trường đại học Y tế công cộng Hà Nội (HUPH), Tổ chức Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) thực hiện.
|
Theo đó, thời gian thực hiện dự án 5 năm, ở 7 tỉnh gồm Thái Nguyên, Quảng Ninh, TP. HCM, TP. Cần Thơ, An Giang, Đồng Nai và Nghệ An. Theo ông Đỗ Hữu Dũng - Phó giám đốc dự án cho biết, có 3 mục tiêu dự án cần đạt được (1) Tăng cường năng lực phòng ngừa và giảm thiểu bệnh mới nổi, nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người; (2) Tăng cường Hệ thống giám sát bệnh lây truyền từ động vật sang người và Hệ thống thông tin dịch bệnh chia sẻ đa ngành; (3) Tăng cường năng lực truyền thông nguy cơ và huy động sự tham gia của cộng đồng trong chuẩn bị và ứng phó dịch bệnh mới nổi.
Ông Đỗ Hữu Dũng - Phó giám đốc dự án
|
Tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Trưởng nhóm Thú y về giám sát và phát hiện đã triển khai cụ thể từng mục tiêu để đảm bảo các quy định hướng dẫn về phòng bệnh đối với các chuỗi giá trị và lây truyền bệnh truyền nhiệm mới nổi. Theo đó 2 bên đã trao đổi thảo luận và An Giang đã thống nhất chọn Chuỗi gia cầm vịt và Động vật hoang dã. Các mắt xích ưu tiên của chuỗi giá trị là cơ sở giết mổ vịt và cơ sở nuôi động vật hoang dã. Trên cơ sở đó các đại biểu đã mỗ sẽ chi tiết từng hoạt động khi thực hiện để đạt các mục tiêu dự án đề ra.
Ngoài ra, cuộc họp còn thảo luận về vai trò trách nhiệm, khó khăn tồn tại và đề xuất nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông nguy cơ, thay đổi hành vi cho nhóm đối tượng thuộc các mắt xích ưu tiên, tăng cường phối hợp liên ngành và sự tham gia của cộng đồng và khu vực tư nhân.
|
Thời gian tới, các hoạt động dự kiến của Dự án sẽ cùng Chi cục chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Kiểm lâm nhân rộng mô hình cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học (gia cầm, lợn, động vật hoang dã); Đào tạo về an toàn sinh học; Xây dựng mô hình chợ, lò mổ an toàn sinh học chứng nhận SFSM. Thực hiện hệ thống Giám sát dựa vào sự kiện Thú y; Tăng cường khuyến cáo dịch bệnh động vật bao gồm bệnh lây truyền từ động vật sang người trên Hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS) và mở rộng sử dụng VAHIS xuống tuyến huyện. Đồng thời triển khai hệ thống chuyển mẫu bệnh phẩm; Nâng cao năng lực giám sát, phân tích và sử dụng số liệu giám sát, điều tra liên ngành ổ dịch nghi bệnh truyền lây từ động vật sang người; Truyền thông để nâng cao nhận thức về nguy cơ bệnh lây truyền từ động vật sang người và bệnh mới nổi, tăng cường cơ chế phản hồi cộng đồng và sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt trong việc báo cáo giúp phát hiện sớm dịch bệnh, truyền thông và chia sẻ các bài học kinh nghiệm hay về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và quản lý thông tin sai lệch...
Trang Nghiêm