Cây từ bi có nơi còn gọi là cây đại bi hay đại ngải, cúc tần, co nát, phặc phà, băng phiến, mai hoa băng phiến, mai phiến, long não hương, mai hoa não, ngải nạp hương, ngải phiến,…
Danh pháp khoa học: Blumea balsamifera, thuộc họ Asteraceae (họ Cúc).
Cây rất dễ trồng, cao từ 1,5 – 2,5 mét, dọc theo thân có rãnh, phân cành ở ngọn. Lá to, dày, mọc so le. Mép lá có hình răng cưa. Phía dưới gốc lá chẻ sâu tạo thành 2 tai lá. Hoa màu vàng. Thân và lá có phủ lớp lông mềm. Toàn cây có mùi thơm tinh dầu.
Thành phần hóa học được tìm thấy trong lá cây cây từ bi có chứa 0,2% đến 1,88% tinh dầu, dẫn chất chính là băng phiến. Chính vì thế, cây từ bi còn được gọi là “Băng phiến”. Băng phiến là phần kết tinh trong tinh dầu, thu được khi tiến hành chưng cất lá bằng phương pháp thăng hoa. Trong cây từ bi, búp và lá non chứa nhiều băng phiến hơn các bộ phận khác. Trong Đông y, băng phiến là nguyên liệu để điều chế thuốc hoàn, thuốc bột, thuốc dùng ngoài da.
Băng phiến ở dạng tinh thể có hình phiến trong suốt hoặc nửa trong suốt giống như cánh hoa mai, có nơi còn gọi nó là Mai hoa băng phiến. Hoạt chất Borneol trong băng phiến là thành phần chính để sản xuất ra thuốc nhỏ mắt, được chỉ định trong các trường hợp mỏi mắt, khô mắt, ngứa mắt, đỏ mắt, kích ứng…
Hoạt chất tinh dầu trong cây từ bi chủ yếu là triterpen như limonene, camphor, bornesol, acid myristis, acid palmitic,.. Những chất này có tác dụng giảm đau rất hiệu quả.
Theo Y học hiện đại, chất blumeatin trong cây từ bi có tác dụng bảo vệ gan đối với nhiễm độc do carbon tetrachloride (CCl4) và thioacetamide (C2H5NS) gây nên. Hoạt chất sesquiterpen lacton (C15H24) có tác dụng chống ung thư đối với tế bào sarcom yoshida. Ngoài ra, trong cây từ bi còn tìm thấy acid rosmatimic, nicotinflorin và astragalin, có tác dụng kháng histamin và kháng nấm, sử dụng trong các loại thuốc chống dị ứng.
Theo Đông y, lá cây từ bi có vị cay, đắng, tính ôn, tác dụng khu phong, trừ thấp, hoạt huyết, tiêu ứ, sát trùng, được dùng làm thuốc chữa cảm sốt, cúm, sỏi thận, cầm máu, làm thuốc xông cho ra mồ hôi.
Dược chất băng phiến chưng cất từ cây từ bi có vị cay, đắng, tính hơi hàn, thơm nhẹ dễ chịu, quy vào các kinh tâm, phế và tỳ. Có tác dụng khai khiếu, tịch uế, chỉ thống, trúng phong đàm quyết, kinh giản…
Bộ phận dùng làm thuốc của cây từ bi là lá. Cây thu hái quanh năm. Có thể dùng dạng tươi hoặc khô. Nếu dùng khô, thu hái lá, rửa sạch, phơi trong bóng râm (Phơi âm can). Có thể dùng riêng hoặc kết hợp dùng chung với một số thảo dược khác như lá bưởi, lá chanh, lá sả…
Một số bài thuốc sử dụng nguyên liệu từ cây từ bi và băng phiến:
- Chữa sỏi thận: Bài thuốc này áp dụng với những người bệnh bị đau lưng, đi đái buốt kèm ra máu. Sử dụng: 20g lá từ bi (khô), 10g rau ngổ (khô), 1,5g hoạt thạch tán (bột mịn), 2,5 lít nước. Sắc cho đến khi còn khoảng 2 lít nước thuốc. Chia làm nhiều lần uống trong ngày. Lưu ý, phải uống trong ngày.
- Chữa cảm sốt: Dùng 5 loại lá: Lá từ bi, lá sả, lá chanh (hoặc lá bưởi), lá húng chanh (rau tần dày lá) và lá tía tô, mỗi thứ khoảng một nắm tay. Rửa sạch, cho tất cả vào nồi, đổ nước ngập thuốc. Đậy nắp kín, đun sôi. Dùng nồi nước thuốc này để xông sẽ giúp ra mồ hôi và giảm các triệu chứng cảm cúm, cảm lạnh.
Cách thực hiện xông hơi như sau: Người bệnh mặc quần áo lót hoặc vải mỏng, ngồi trước nồi xông, sử dụng tấm vải lớn hoặc mền trùm kín toàn thân và nồi thuốc. Mở nắp nồi thuốc cho hơi thuốc bốc ra từ từ vừa với sức chịu đựng của cơ thể. Vừa hít thở sâu hơi nước thuốc, vừa dùng dụng cụ khuấy nồi thuốc xông cho hơi thuốc bốc lên. Xông cho đến khi thấy mồ hôi ở đầu, mặt, cổ, ngực, lưng toát ra thì dừng xông. Dùng khăn khô lau khô toàn thân và thay quần áo khô sạch.
Do khi xông, cơ thể sẽ bị mất nước nên cần uống bù nước ấm sau đó. Không uống nước lạnh, vì sẽ gây mất cân bằng nhiệt trong cơ thể.
Không nên tắm ngay sau khi xông vì khi ấy lỗ chân lông đang mở, nếu gặp lạnh sẽ dễ bị cảm lạnh, càng làm bệnh nặng hơn.
Không nên xông nhiều lần hoặc xông liên tục sẽ khiến cơ thể bị mất nước, bệnh thêm nặng và gây nguy hiểm cho sức khỏe. Mỗi tuần chỉ nên thực hiện xông 2 - 3 lần. Khi hết cảm sốt thì ngưng xông.
- Chữa viêm thấp khớp: Dùng lá từ bi kết hợp với lá thầu dầu và thạch xương bồ. Nấu toàn bộ các nguyên liệu thành nước cốt đặc, sử dụng để ngâm hoặc đắp các vị trí khớp bị đau.
Nếu đau thấp khớp dạng kinh niên, dùng rễ từ bi và kê huyết đằng, mỗi loại 30g, ngâm rượu uống.
- Chữa đau bụng kinh: Sử dụng 30g rễ từ bi, 15g ích mẫu. Sắc uống.
- Chữa trúng phong sau khi sinh đẻ: Lá từ bi, sả, lá quất hồng bì, ngũ trảo, với tỷ lệ bằng nhau. Nấu nước tắm.
- Chữa lòi dom: Dùng lá từ bi và lá câu đằng, mỗi thứ một nắm, rửa sạch, giã nát, đắp lên vùng bị lòi dom.
- Chữa ghẻ: Dùng lá từ bi và lá hồng bì dại, mỗi thứ một nắm, rửa sạch, giã nát, vắt lấy phần nước cốt đặc. Dùng nước này bôi lên vùng bị ghẻ.
- Chữa viêm họng mạn tính, viêm amidan: Sử dụng 1g băng phiến, 2,5g phèn phi, 2g hoàng bá sao tồn tính (sao cháy), 3g đăng tâm thảo sao tồn tính. Đem tất cả tán thành bột, mỗi lần sử dụng 3 – 4g bột, thổi vào họng.
- Chữa viêm tai giữa có mủ: 2,5g băng phiến, 15g long cốt, 0,5g xạ hương, 10g mẫu lệ, 10g chương đơn, 10g hoàng liên. Tất cả tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng lấy một ít thuốc thổi vào tai bị viêm.
Những lưu ý cần biết khi sử dụng lá từ bi trong điều trị bệnh:
Lá từ bi kiêng kỵ với phụ nữ có thai.
Biện pháp xông hơi nhằm gây tác động nhiệt lên cơ thể, giúp tăng bài tiết mồ hôi và chất cặn bã, giãn mạch ngoại vi, tăng lưu lượng máu, tăng cường sự trao đổi chất, cải thiện chức năng hô hấp, làm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn. Tuy nhiên, không thực hiện xông hơi dồi với một số đối tượng: Người vừa uống rượu bia, người đang bị sốt, người bệnh tăng huyết áp, người già yếu. Những trường hợp này, khi xông hơi sẽ làm mạch máu bị giãn, cơ thể sẽ bị mất nước và các chất điện giải.
Khi sử dụng bài thuốc lá từ bi trị sỏi thận, chỉ hiệu quả khi kích thước các sỏi còn nhỏ. Trường hợp sỏi đã lớn thì nên tiến hành áp dụng các phương pháp tán sỏi hay phẫu thuật, sẽ mang tới hiệu quả cao hơn.
Không tự ý lạm dụng hay sử dụng quá liều, tránh gây ra những tác dụng phụ, không mong muốn. Tốt nhất nên có sự tư vấn của các chuyên gia hay thầy thuốc để đảm bảo việc điều trị được an toàn và hiệu quả.
Quang Hiển (Thiện Tùng)